Hành trình số hóa nền kinh tế

Kỳ 2: Xu thế tất yếu

Chuyển đổi số đem lại cơ hội rất lớn cho các DN nhỏ và vừa tăng sức cạnh tranh. Ảnh: NAM ANH
Chuyển đổi số đem lại cơ hội rất lớn cho các DN nhỏ và vừa tăng sức cạnh tranh. Ảnh: NAM ANH

Trong bối cảnh kinh tế số (KTS)  đã và đang trở thành một xu thế tất yếu trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng. Đặc biệt, dưới tác động của dịch Covid-19, CĐS đã không còn là lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp (DN). 

Sân chơi” mới cho doanh nghiệp 

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, Covid-19 đã tạo ra “cú huých” đáng kể với KTS, nổi bật là thương mại điện tử (TMĐT). Nhiều DN trước đây chưa từng bán hàng trực tuyến nay đã thay đổi và thích ứng mô hình kinh doanh mới, thậm chí nhiều người tiêu dùng (NTD) trước nay chưa từng mua hàng trực tuyến, do ảnh hưởng của Covid-19 tư duy tiêu dùng đã thay đổi, qua đó thúc đẩy các DN CĐS và thúc đẩy KTS phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA), mà nhất là các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA)… thì việc CĐS được nhận định sẽ giúp DN “bứt tốc” sau dịch Covid-19.

Theo kết quả nghiên cứu của Công ty Tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, quá trình CĐS đáng lẽ cần 5 năm để áp dụng vào DN và NTD thì nay chỉ mất tám tuần nhờ “cú huých” từ dịch Covid-19.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, muốn tồn tại, DN rất cần CĐS. Như nhận định của Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình, dịch Covid-19 là cơ hội vàng cho các DN tận dụng công nghệ thay đổi, tái cấu trúc mô hình kinh doanh để tồn tại và phát triển. CĐS đem lại cơ hội rất lớn cho các DN nhỏ và vừa (DNNVV) tăng sức cạnh tranh, có tốc độ bứt phá hơn so các DN lớn nếu biết tận dụng. Minh chứng là một DN chuyên về truyền hình trực tuyến Zoom trong thời dịch Covid-19 đã vươn lên với giá trị thị trường bằng bảy DN hàng không lớn cộng lại.

Để đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động của DN và xu hướng ứng dụng CĐS, Viện trưởng Phát triển DN của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Lương Minh Huân cho biết, khảo sát thực trạng CĐS ở hơn 400 DN Việt Nam cho thấy rõ, Covid-19 đã tác động, thúc đẩy các DN thực hiện CĐS. DN đã bắt đầu nhận thức được việc ứng dụng CNS. Gần 51% số DN cho biết đã ứng dụng các CNS trước khi có dịch Covid-19. Có 25,7% số DN bắt đầu ứng dụng các CNS từ khi có dịch và có ý định tiếp tục sử dụng… Trong số đó, DN lớn có mức độ quan tâm CNS nhiều hơn, không cần phải chờ đến khi bùng phát dịch khi mà 65% đã ứng dụng CNS từ trước, còn DNNVV chỉ ở mức hơn 42%. Tuy nhiên, các DNNVV cũng đã tăng tốc, dần bắt kịp xu thế kể từ khi có dịch Covid-19 khi có tới 32% số DNNVV bắt đầu ứng dụng CNS.

CĐS được kỳ vọng sẽ giúp DN vượt khó, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động, tăng tính cạnh tranh, nâng cao hiệu quả marketing, tìm kiếm khách hàng mới, quản trị kinh doanh hiệu quả hơn... Đặc biệt, giảm chi phí là kỳ vọng lớn nhất của DN trong ứng dụng CNS. 

Chia sẻ kinh nghiệm CĐS từ DN, Giám đốc Phát triển kinh doanh FPT Phan Thanh Sơn cho rằng, ứng dụng các giải pháp công nghệ phù hợp và đồng bộ trong vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng không chỉ giúp giải quyết bài toán cấp bách do tác động của dịch Covid-19 mà về lâu dài sẽ giúp DN bứt phá, phát triển bền vững. Theo khảo sát do FPT thực hiện, các DN Việt Nam rất lạc quan, nhạy bén và chủ động, tích cực tìm giải pháp để kiến tạo hoạt động bình thường mới và vững vàng vượt khủng hoảng. Từ thực tiễn triển khai cho thấy, CĐS có thể giúp DN tối ưu vận hành, cắt giảm đến 60% chi phí, tiết kiệm 30 - 70%, thậm chí tới 90% thời gian ở một số quy trình so trước khi số hóa.

CĐS mang lại lợi ích to lớn nhưng trong thực tế triển khai, DN gặp không ít khó khăn, rào cản. Theo Viện Phát triển DN VCCI, hơn một nửa số DN cho rằng chi phí ứng dụng CNS còn cao (56%). Cùng với đó là các yếu tố thiếu cơ sở hạ tầng CNS, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ dữ liệu thông tin cá nhân/DN, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng CNS, thiếu thông tin về CNS... 

Đặc biệt, bối cảnh dịch Covid-19 càng khiến Chính phủ và cộng đồng DN Việt Nam quan tâm KTS nhiều hơn. Tuy nhiên, sự CĐS của nền kinh tế sẽ triệt để và có ý nghĩa nếu như CĐS của Chính phủ và DN song hành với nhau. Trong khi đó, thói quen giao dịch, thanh toán dùng tiền mặt, trả tiền khi nhận hàng của số đông NTD là trở ngại lớn, làm tăng chi phí cho cả xã hội, DN và người dân. Ngoài ra, nhận thức của người dân về KTS còn hạn chế, kỹ năng sử dụng internet an toàn thấp và chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ; đặc biệt, nhân lực số cho chiến lược KTS còn hạn chế… sẽ thành “rào cản” kìm hãm KTS phát triển. 

Và cũng là lựa chọn bắt buộc

Tại hội nghị về CĐS và khắc phục tác động của dịch Covid-19 diễn ra cuối năm 2020, các chuyên gia cho rằng, đây là năm có nhiều thay đổi do dịch Covid-19, trong đó dự báo KTS sẽ phát triển “vũ bão”. Theo bà Lê Diệp Kiều Trang, Chủ tịch Quỹ đầu tư Alabaster tại Mỹ nhận xét, lượng người dùng di chuyển từ thế giới thực lên mua bán trực tuyến gia tăng mạnh mẽ trong 10 tháng của năm 2020, tương đương sự phát triển của 5 năm qua. Đặc biệt, người dùng đang có xu hướng đẩy mạnh tìm kiếm sản phẩm mới trên môi trường mạng. Nhiều người nghĩ rằng, thị trường nước ngoài đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covi-19 nên DN chỉ còn trông chờ thị trường trong nước. Tuy nhiên, cơ hội xuất khẩu vẫn còn đó, mở ra rộng lớn hơn nữa, nếu DN biết sử dụng internet và kênh TMĐT hiệu quả.

Dẫn chứng từ AREVO - một DN duy nhất trên thế giới sản xuất bằng in 3D trên sợi carbon, bà Lê Diệp Kiều Trang cho biết, nhờ có CĐS trong sản xuất đã giúp DN này thu hút được rất nhiều khách hàng dù đang trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Sản phẩm xe đạp của AREVO đã bán được 5.000 chiếc tới nhiều khách hàng trên thế giới. Điều này cho thấy, số hóa không nhất thiết diễn ra trong nền kinh tế internet mà nó diễn ra ngay trong một ngành truyền thống như sản xuất. Năm 2020, xu hướng CĐS không còn là lựa chọn mà là bắt buộc với DN. Nhưng thách thức này sẽ mở ra “sân chơi” mới và DN Việt sẽ tận dụng được, thúc đẩy phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Kinh doanh chiến lược Tập đoàn FPT cũng cho rằng, kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đây cho thấy DN tích cực CĐS để đáp ứng các điều kiện trong tương lai sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Hiện, các DN dẫn đầu về công nghệ số đang phục hồi nhanh hơn sau cuộc khủng hoảng Covid-19. Thời khủng hoảng mang cơ hội mới cho những ai biết tận dụng. Thị trường thay đổi, các DN thay đổi nhanh cùng thị trường sẽ trụ vững. Đồng thời, các DN cũng có cơ hội mở rộng thị phần do các đối thủ cạnh tranh gặp khó, khám phá các cơ hội kinh doanh mới, tăng doanh thu. Chính phủ đã phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Đến năm 2025, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu KTS chiếm 20% GDP, tỷ trọng KTS trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, năng suất lao động tăng bình quân hơn 7%/năm, thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới, sáng tạo.

DN là lực lượng xung kích và nòng cốt của nền kinh tế, không thể khác, CĐS là điều kiện sống còn và cấp thiết nhất trong bối cảnh hiện nay. Covid-19 là nguyên nhân đưa cả thế giới vào cuộc khủng hoảng, nhưng cũng chính là mệnh lệnh khiến cả thế giới phải thay đổi. Trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, càng muốn tồn tại, DN càng cần CĐS. Những người tồn tại là những người dám thay đổi và thích nghi nhanh nhất để vượt bão. Đây là cơ hội vàng cho các DN tận dụng công nghệ thay đổi, tái cấu trúc mô hình kinh doanh để tồn tại, phát triển, tăng sức cạnh tranh và bứt phá trong tương lai. CĐS đã trở thành chủ đề nóng trong chương trình hành động của Chính phủ, tất cả các bộ, ngành, địa phương, DN, trong đó, yếu tố tiên quyết luôn được nhấn mạnh mang lại thành công chính là tầm nhìn và quyết tâm thực hiện.

(Còn nữa)