Hạn hẹp dư địa chính sách tiền tệ

Hiện khoảng chênh lệch giữa lãi suất và tỷ lệ lạm phát là rất nhỏ, đồng nghĩa dư địa chính sách tiền tệ (CSTT) đang còn rất ít. Do đó, cần điều hành CSTT linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN) trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19… 

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt góp phần giữ ổn định lạm phát. Ảnh: NAM ANH
Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt góp phần giữ ổn định lạm phát. Ảnh: NAM ANH

Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với biến động bất ngờ là sự bùng phát của đại dịch Covid-19, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế và cộng đồng DN.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành CSTT linh hoạt và phù hợp để góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN. Biểu hiện, NHNN đã có hai lần điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động ngắn hạn, qua đó tạo điều kiện để hệ thống các tổ chức tín dụng có dư địa giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN và người dân trước những khó khăn do dịch Covid-19. Đặc biệt, việc điều hành CSTT của NHNN cũng rất thận trọng. NHNN đã thực hiện “nới lỏng” tiền tệ ở mức độ vừa phải (mỗi lần hạ lãi suất là 0,25%) và căn cứ chỉ tiêu lạm phát để điều hành lãi suất. Khi lạm phát có xu hướng giảm, NHNN mới thực hiện điều chỉnh hạ lãi suất. 

Về dư địa CSTT trong những tháng cuối năm, theo ông Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), bản chất dư địa CSTT được hiểu là khả năng mở rộng tiền tệ hay cụ thể hơn là khả năng giảm lãi suất, khả năng tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng cung tiền để kích thích tổng cầu cho nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn. Hiện nay, mặc dù NHNN đã hai lần hạ lãi suất điều hành xuống, lãi suất huy động tại các NHTM cũng giảm khoảng 1 - 2 điểm % so đầu năm, nhưng lãi suất cho vay vẫn khá cao (lãi suất cho vay hiện dao động trong khoảng từ 7 - 10%). Vấn đề đặt ra là liệu chúng ta có thể hạ lãi suất cho vay xuống nữa hay không để kích thích tiêu dùng, kích thích đầu tư của nền kinh tế? “Mặc dù hiện nay lãi suất còn cao, nhưng chúng ta không có nhiều dư địa để hạ lãi suất. Nguyên nhân là bởi dư địa CSTT không phải phụ thuộc vào mức lãi suất cao hay thấp, hay nói cách khác là chúng ta đừng nhầm dư địa tiền tệ là lãi suất của ta cao trong khi lãi suất của các nước thấp. Dư địa tiền tệ phụ thuộc vào chênh lệch giữa lãi suất và tỷ lệ lạm phát, khoảng chênh lệch này càng lớn thì dư địa càng nhiều”, ông Phạm Thế Anh đưa ra nhận định. 

Các lãi suất điều hành của Việt Nam hiện đang dao động trong khoảng từ 3% (lãi suất chiết khấu 3%) đến 4,5% (lãi suất tái cấp vốn), xen giữa đó là trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn (4,25%). Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát bình quân sáu tháng đầu năm so cùng kỳ là 4,19%. Như vậy, chênh lệch giữa lãi suất và tỷ lệ lạm phát (lãi suất thực) là gần như bằng 0, đồng nghĩa với dư địa CSTT đang còn rất hẹp. Muốn giảm lãi suất thêm nữa Việt Nam cần phải giảm được tỷ lệ lạm phát trong thời gian tới. Nếu cố ép lãi suất xuống ngang lạm phát hoặc thấp hơn lạm phát, tiền sẽ chảy qua các kênh tài sản, đặc biệt là bất động sản và đẩy giá các tài sản này lên, hình thành “bong bóng” giá tài sản. Bong bóng giá tài sản nếu xảy ra sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế, khiến quá trình hồi phục trở nên khó khăn, đồng thời gây ảnh hưởng xấu trực tiếp tới nhóm người có thu nhập trung bình và thấp trong xã hội.

Ngoài ra, theo ông Phạm Thế Anh, dư địa CSTT cũng liên quan vấn đề tỷ giá. Việt Nam không thể nới lỏng tiền tệ mạnh như khu vực châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản được, vì đồng tiền của họ là đồng tiền mạnh. Nếu Việt Nam hạ lãi suất mạnh, bơm tiền mạnh thì đồng tiền sẽ mất giá ngay, kéo theo việc dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bị ảnh hưởng, nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền đầu tư vào Việt Nam nhưng trong ngắn hạn bị mất giá 5 - 10% thì không ai đầu tư cả... Vì những lý do trên, có thể cho rằng, CSTT của Việt Nam hiện không còn nhiều dư địa.

Có thể nói, việc điều hành CSTT của NHNN trong hơn nửa đầu năm là khá tốt, đặc biệt là trong vấn đề bơm thanh khoản dồi dào cho hệ thống các TCTD, để bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi của DN và nền kinh tế. Tuy nhiên hiện nay, nền kinh tế, DN vẫn đang đứng trước rất nhiều khó khăn, nhất là khi dịch Covid-19 đã quay trở lại, đòi hỏi NHNN cần bám sát tình hình thực tế để điều hành một cách linh hoạt, chủ động, qua đó góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như hỗ trợ DN, nền kinh tế. Đặc biệt, NHNN cần điều hành CSTT làm sao để góp phần giữ ổn định lạm phát, bởi đó là yếu tố quyết định mức lãi suất trong tương lai. Bên cạnh đó, NHNN cần tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải thiện chất lượng hệ thống các TCTD. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp khiến DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng, NHNN cần chỉ đạo sát sao đến các NHTM chú trọng vấn đề nợ xấu, xử lý nợ xấu, bởi nếu để xảy ra rủi ro nợ xấu thì không chỉ ảnh hưởng sự an toàn của hệ thống các TCTD mà còn gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế…