Giải tỏa áp lực dịp cuối năm

Những diễn biến mới trên thị trường toàn cầu trong những ngày gần đây đang tạo áp lực không nhỏ lên nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu (XK). Nhiều chuyên gia nhận định, XK từ nay đến cuối năm sẽ bị ảnh hưởng nhiều và gặp bất lợi nhất là các mặt hàng nông, thủy sản. Ngoài ra, xu hướng hạ lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương (NHT.Ư) trên toàn cầu cũng gây áp lực đối với lãi suất và tỷ giá trong nước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục đạt tốc độ tăng cao.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục đạt tốc độ tăng cao.

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê vừa công bố ngày 29-8, các chỉ số kinh tế tiếp tục cho thấy nền kinh tế đang vận hành tốt. Đặc biệt kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Bình quân tám tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,57% so cùng kỳ năm 2018, thấp nhất trong ba năm gần đây. Mặc dù tháng 8 chịu ảnh hưởng nhiều của mưa bão, cũng là tháng trùng với tháng 7 âm lịch khiến tâm lý người dân hạn chế mua sắm nên hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng chỉ tăng nhẹ 0,4% so tháng trước. Thế nhưng tính chung tám tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục đạt tốc độ tăng cao so cùng kỳ năm trước (11,5%), thể hiện cầu tiêu dùng trong dân tiếp tục tăng vững chắc.

Trong tháng 8-2019, cả nước có 11.177 DN thành lập mới, giảm 9,5% về số DN. Song đáng chú ý là số vốn đăng ký của DN thành lập mới trong tháng là 151.300 tỷ đồng, tăng 8,7% so tháng trước. Vốn đăng ký bình quân một DN đạt 13,5 tỷ đồng, tăng 20,1%. Số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn giảm mạnh (52%); số DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và số DN hoàn tất thủ tục giải thể cũng giảm đáng kể (lần lượt giảm 15,2% và 9,7%) so tháng trước.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục xu hướng tích cực. Trong đó, mặc dù tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong tám tháng năm nay chỉ đạt gần 13,12 tỷ USD, giảm 31,2% so cùng kỳ năm 2018 nhưng vốn thực hiện tám tháng ước đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3% so cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút FDI lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt hơn 6,8 tỷ USD, chiếm 74,6% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Đặc biệt, mặc dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang, song hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) của Việt Nam diễn biến khá ổn định và tích cực. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa tám tháng năm 2019 ước đạt 336,56 tỷ USD, ghi nhận mức xuất siêu 3,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 4,9 tỷ USD), trong đó riêng tháng 8 ghi nhận mức xuất siêu 1,7 tỷ USD, tương đương giá trị xuất siêu của cả bảy tháng trước đó.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với những diễn biến mới trên thị trường toàn cầu trong những ngày gần đây thì các áp lực từ nay đến cuối năm là không hề nhỏ, đặc biệt là đối với XK. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định, XK từ nay đến cuối năm sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Hiện cả Mỹ và Trung Quốc đều là những thị trường nhập khẩu (NK) lớn hàng hóa của Việt Nam. Thế nhưng việc đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá và khả năng Trung Quốc tiếp tục lập các rào cản kỹ thuật để hạn chế NK các mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông, thủy sản sẽ khiến các DN XK của Việt Nam gặp khó khăn. Trong khi về phía Mỹ, việc NK bao nhiêu là tùy theo sức mua của người tiêu dùng Mỹ. Nhưng trước nguy cơ kinh tế Mỹ sụt giảm vì căng thẳng thương mại thì nhiều khả năng sức mua cũng sẽ sụt giảm, kéo theo nhu cầu NK giảm. Về vấn đề lãi suất, tỷ giá, những căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay cũng như xu hướng hạ lãi suất của nhiều NHT.Ư trên toàn cầu sẽ gây ra những áp lực với lãi suất và tỷ giá trong nước.

Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SSI) Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, XK từ nay đến cuối năm cũng đáng lo vì có thể hàng hóa vào thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục khó khăn. Trong khi đó, với thị trường Mỹ thì sức cầu cũng chỉ ở mức như hiện nay. Hơn nữa tiêu chuẩn hàng hóa vào Mỹ rất cao, các DN Việt Nam không dễ đáp ứng. Chưa kể, không cẩn thận là có thể bị kiện tụng và bị xem xét áp thuế chống bán phá giá ngay. Hiện áp lực với tỷ giá là chưa có hoặc không lớn. Đặt tình huống là nếu nguồn cung ngoại tệ khó khăn hơn, thí dụ nếu XK chững lại thì vẫn có các cách thức để hạn chế tác động tiêu cực. Chẳng hạn, hạn chế NK, như hạn chế NK ô-tô và các mặt hàng tiêu dùng khác. Để kiểm soát được lãi suất và tỷ giá, ngoài vai trò chính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì các bộ, ngành phải phối hợp. Mấu chốt ở đây là phải kiểm soát được tỷ giá.

Để kiểm soát được tỷ giá, theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, cần quan tâm tổng thể, nhất là cán cân thanh toán. Về lãi suất, hiện thanh khoản vẫn tốt và không có áp lực đáng phải quan ngại. Thực tế lãi suất chỉ tăng ở một số kỳ hạn dài của một số NHTM nhỏ để đáp ứng quy định về an toàn vốn của NHNN. Hiện NHNN đã kiểm soát bằng các chỉ tiêu an toàn, nên nếu NH nào tăng quá đà có nghĩa là chỉ tiêu an toàn có vấn đề, NHNN sẽ có động thái can thiệp ngay, như giảm hạn mức tăng trưởng tín dụng.