Duy trì chính sách tiền tệ chủ động & linh hoạt

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa chính sách tài khóa (CSTK) và các chính sách kinh tế vĩ mô (KTVM) nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%... Đó là khẳng định của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ NH sáu tháng cuối năm 2019 vừa diễn ra mới đây.

Hạn mức tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống ngân hàng đang được định hướng ở mức 14%. Ảnh: NAM ANH
Hạn mức tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống ngân hàng đang được định hướng ở mức 14%. Ảnh: NAM ANH

Sau khi NHNN thực hiện giảm lãi suất tín phiếu (LSTP) kỳ hạn bảy ngày về còn 2,75%/năm, trước đó luôn duy trì mức lãi suất 3%/năm suốt từ ngày 10-10-2018 đến nay, trên thị trường (TT) đã xuất hiện thông tin cho rằng NHNN có thể đang “nới lỏng” tiền tệ. Hiện một số NH cũng tuyên bố đã được NHNN “nới” room tín dụng như: VPBank được nâng từ 12% lên 16%; Techcombank, MB và ACB đều được nâng từ 13% lên 17%. Thậm chí, có thông tin còn viện dẫn việc nhiều NHT.Ư lớn trên thế giới như: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng đang có xu hướng “nới lỏng” tiền tệ để tạo thêm cơ sở cho nhận định nêu trên. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách cẩn trọng có thể thấy, những dấu hiệu như vậy là chưa đủ để kết luận CSTT đang được nới lỏng hơn.

Thí dụ như động thái hạ LSTP của NHNN, nhìn lại quãng thời gian từ cuối năm 2015 đến nay có thể thấy, dù FED liên tục tăng lãi suất nhưng LSTP và lãi suất TT mở (OMO) vẫn được NHNN duy trì ổn định, thậm chí có một số thời điểm lãi suất OMO còn giảm rất thấp, dưới 1%/năm. Điều này cho thấy, CSTT của Việt Nam không cứng nhắc theo một hướng là thắt chặt hay nới lỏng mà được điều hành linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế với mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định KTVM, hỗ trợ tăng trưởng cũng như bảo đảm an toàn cho hệ thống.

Hay như việc “nới” room tín dụng cho một số NH cũng nằm trong tính toán của NHNN. Theo đó, những NH được “nới” room đều là những NH đã đáp ứng chuẩn Basel 2 hoặc tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng khác đúng như tinh thần mà NHNN đã đưa ra từ đầu năm. Hơn nữa, mức độ “nới” cũng không lớn nên không ảnh hưởng nhiều đến mức tăng trưởng tín dụng (TTTD) chung.

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SSI), nếu không tính Vietcombank, tám NH đã đáp ứng chuẩn Basel 2 còn lại chỉ có tổng dư nợ khoảng 1,1 triệu tỷ đồng. Vì thế, ngay cả khi tám NH này được “nới” room tín dụng lên mức kỳ vọng thì số dư nợ tăng thêm cũng chỉ khoảng 46.000 tỷ đồng, tức là chỉ khoảng 0,6% tổng dư nợ toàn hệ thống. Trong khi đó, hiện NHNN vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào là sẽ nâng hạn mức TTTD chung của hệ thống, hiện đang được định hướng ở mức 14%. Rõ ràng trong bối cảnh dư nợ tín dụng đã tăng lên 130% GDP như hiện nay, việc kiểm soát chặt tốc độ TTTD là cần thiết để bảo đảm sự an toàn và bền vững của hệ thống tài chính - tiền tệ. Hơn nữa, hiện thời hạn áp dụng chuẩn Basel 2 đang đến gần nên ưu tiên hàng đầu đối với các NH hiện nay là củng cố năng lực tài chính để đáp ứng chuẩn này chứ không phải chạy theo mục tiêu TTTD.

Đó cũng là khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như: Trong Báo cáo tham vấn đối với Việt Nam vừa được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố mới đây, Ban Giám đốc IMF đánh giá cao việc NHNN Việt Nam đang hướng dẫn các NH áp dụng chuẩn Basel 2 vào năm 2020 cũng như hoan nghênh lập trường CSTT và tín dụng hiện nay, đặc biệt là TTTD giảm đang giúp Việt Nam củng cố vững chắc ổn định KTVM.

Xét trên cơ sở các yếu tố KTVM hiện nay cũng cho thấy chưa thể “nới lỏng” tiền tệ. Theo đó, mặc dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam sáu tháng vẫn đạt tới 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của sáu tháng đầu năm 2018, nhưng cao hơn mức tăng của sáu tháng các năm 2011-2017. Trong khi áp lực lạm phát những tháng cuối năm vẫn rất lớn, đặc biệt lạm phát cơ bản bình quân sáu tháng đã tăng lên 1,87% đòi hỏi việc điều hành CSTT phải hết sức thận trọng.

Đặc biệt, trước quan ngại về việc dòng vốn tín dụng đổ mạnh vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) sẽ tạo nên rủi ro cho nền kinh tế, Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng thế giới (WB) công bố đầu tháng 7-2019 tiếp tục nhấn mạnh “hạn chế cho vay BĐS thông qua áp đặt trọng số rủi ro cao hơn”. Thực tế đã có những thay đổi nhất định, theo Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng, trong sáu tháng đầu năm 2019, TTTD đối với lĩnh vực BĐS đã được NHNN kiểm soát theo hướng giảm dần tỷ trọng cấp tín dụng kinh doanh BĐS, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng BĐS, hướng nguồn vốn đến phân khúc nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Thực tế minh chứng, NHNN đã kiểm soát tốt hơn tín dụng BĐS, nắn dòng vốn đến đúng đối tượng, đặc biệt là những nhu cầu thật về nhà ở của người dân, qua đó thúc đẩy TT BĐS phát triển lành mạnh, ổn định hơn, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động NH, an ninh kinh tế.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ NH sáu tháng cuối năm 2019 vừa diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng khẳng định rõ quan điểm nhất quán của NHNN là sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa CSTK và các chính sách KTVM khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%; duy trì ổn định KTVM, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định TT tiền tệ và ngoại hối.