Đồng hành cùng doanh nghiệp

“Giữ lao động. Giữ thị trường và phát triển thị trường. Giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển”, đó là ba điều nhắn nhủ mà Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh khi chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các cơ quan quản lý nhà nước tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN tổ chức ở Hà Nội cuối tuần qua. Trên tinh thần đó, tiến hành cải cách, tái cơ cấu DN phù hợp bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ cần phải làm ngay, làm quyết liệt.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào những quyết sách và hành động mạnh mẽ của các cơ quan nhà nước.Ảnh: LAM ANH
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào những quyết sách và hành động mạnh mẽ của các cơ quan nhà nước.Ảnh: LAM ANH

Cộng đồng DN đang có xu hướng tốt lên

Thực tế, cộng đồng DN cả trong và ngoài nước đều đánh giá cao kết quả chống dịch Covid-19, nỗ lực điều hành của Chính phủ thời gian qua. Đây là những yếu tố giúp DN giảm thiểu thiệt hại, cho dù tình hình vẫn còn rất khó khăn.

Thời gian qua, mặc dù các chính sách hỗ trợ đã phần nào chia sẻ được những tổn thất mà DN phải gánh chịu, tuy nhiên cộng đồng DN vẫn kỳ vọng vào những quyết sách và hành động mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan nhà nước.

Đại diện cho cộng đồng DN nhỏ và vừa (NVV) Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV kiến nghị, Chính phủ nên tăng cường nguồn lực về con người và tài chính cho các quỹ hỗ trợ DNNVV và đặc biệt là các quỹ bảo lãnh tín dụng. Cùng với đó, cần khẩn trương giải ngân số vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng. Các dự án (DA) nên có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, trong đó có DNNVV, để tăng tính hiệu quả và linh hoạt trong quá trình triển khai DA. Ngoài ra, cần tập trung khai thác thị trường trong nước trên tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, cuối tháng 4 đầu tháng 5, VCCI tiến hành một cuộc khảo sát về thực trạng cộng đồng DN, thì có tới 55% số DN được hỏi cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III; 22% số DN có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh, chỉ 21% số DN sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Xu hướng này là đáng khích lệ và tốt hơn rất nhiều so thực trạng DN mà VCCI công bố một tháng trước đây.

Chủ tịch VCCI cho rằng, tình hình DN đã được cải thiện, nhưng vẫn còn rất gian nan và những biện pháp trợ giúp kịp thời là vô cùng quan trọng. Cộng đồng DN đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung các sắc thuế, phí cần miễn, giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của DN; nới room - tăng trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay...

Nhưng điều quan trọng nhất: “Chính sự minh bạch hóa, đơn giản hóa để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là giải pháp hỗ trợ bền vững nhất cho DN”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Thời điểm “vàng” để bứt phá

Ông Nguyễn Văn Thân cũng đề nghị, Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, trong đó có xã hội số, chính phủ số và DN số. Cần có một cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt về mặt bằng sản xuất, kinh doanh và tín dụng để khuyến khích DN tham gia chuyển đổi số. Hơn lúc nào hết, đây là “thời điểm vàng” để toàn bộ hệ thống chính trị tạo sự bứt phá, cộng đồng DN thì cần tập trung tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Chính phủ để đổi mới có hiệu quả.

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài chỉ ra hai cơ hội lớn trong giai đoạn hiện nay là dịch chuyển dòng vốn nước ngoài và những lợi thế về việc sớm ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với châu Âu (EU). Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế này, theo GS Nguyễn Mại, trước mắt Việt Nam cần giải quyết những vấn đề lớn còn tồn đọng như: môi trường kinh doanh; vấn đề sở hữu trí tuệ. Và thời gian, các DN EU nắm bắt cơ hội rất nhanh nhưng không thể chờ tới vài năm để cấp phép một DA. Thời gian lâu đồng nghĩa cơ hội kinh doanh trôi qua.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Đây là cơ hội “vàng” để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam.

Cùng với “cơ hội vàng” thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, trên thế giới, dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các DN. Qua nắm bắt tình hình thực tiễn và phản ánh của cộng đồng DN, thời gian qua đã có nhiều nhà hàng, khách sạn, DN đang rao bán, chuyển nhượng. Nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, hiện tượng mua bán, sáp nhập DN sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, các DN tiềm năng của Việt Nam (DN có quy mô vừa và lớn, đã có thị phần nhất định, có vai trò dẫn dắt một số ngành kinh tế quan trọng) có nguy cơ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ.

Kết luận Hội nghị, ngoài việc chia sẻ, động viên cộng đồng DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, tất cả DN đang chờ tiếng nói giải quyết nhanh của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các địa phương. Chính phủ đang đồng hành cùng DN. Không được đổ qua, đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của DN. Ngoài ra, cần tập trung vào “5 mũi giáp công” để phục hồi nền kinh tế, đó là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng trong nước; thu hút FDI.