Doanh nghiệp cần hỗ trợ thiết thực

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các ngành sản xuất công nghiệp chính, và cũng là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta như: dệt may, da giày hay điện tử là những ngành chịu tác động nặng nề nhất. Ngoài những giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, các ngành công nghiệp này cần chủ động nắm bắt xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, đề ra chiến lược và giải pháp phù hợp để vượt qua khó khăn, tiếp tục tăng trưởng, phát triển bền vững.

Công nhân may veston xuất khẩu tại Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh).
Công nhân may veston xuất khẩu tại Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh).

Theo dự thảo “Báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với một số ngành công nghiệp chính của Việt Nam, đề xuất khuyến nghị chính sách và giải pháp cho phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid-19” do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương công bố mới đây, đại dịch Covid-19 kéo theo hàng loạt những vấn đề mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải đối mặt như: Thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD), thị trường cung cầu trong nước bị thu hẹp, hoạt động xuất nhập khẩu bị đình trệ…

Cụ thể, gần 58% số DN bị ảnh hưởng dịch Covid-19 cho rằng, thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh; gần 48% DN có hoạt động xuất khẩu (XK) khẳng định hàng hóa sản xuất ra không XK được. Trong đó, với DN XK ở hai ngành dệt may và da giày, tỷ lệ DN không XK được hàng hóa đều chiếm khoảng 65%. Bên cạnh đó, thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào bị thiếu hụt, cạn kiệt, có khoảng 70,3% DN ở ngành may mặc và 71% DN ở ngành da giày thiếu hụt nguyên liệu, 62,1% DN sản xuất điện tử thiếu hụt nguyên liệu nhập khẩu (NK). Phần lớn DN cũng “khát” vốn phục vụ SXKD. Cùng với đó, DN còn phải chịu gánh nặng về chi phí nhân công, chi trả lương cho người lao động. 

Đi vào cụ thể hơn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết, dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng tại Việt Nam. Với hơn 7.000 DN, gần ba triệu lao động, ngành đang giải quyết gần 5% tổng số lao động cả nước. Dệt may cũng là một trong những ngành có đóng góp lớn nhất vào kim ngạch XK của cả nước (năm 2019 là gần 39 tỷ USD, năm 2020 là 35,2 tỷ USD). Trong ba tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK của ngành dệt may đạt gần 9 tỷ USD, tăng gần 6% so cùng kỳ năm 2020. Năm 2021 này ngành dệt may đặt mục tiêu đạt kim ngạch XK khoảng 39 tỷ USD. 

Còn bà Nguyễn Thị Tòng, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết, da giày và túi xách là một trong năm ngành XK hàng đầu của cả nước. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các DN hoạt động trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn từ cả hai phía: thiếu hụt nguồn nguyên liệu NK và XK bị gián đoạn tại các thị trường XK chính. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ trong nước cũng bị thu hẹp do nhu cầu tiêu dùng của người dân suy giảm mạnh, do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, DN cũng phải chịu sức ép bảo đảm việc làm và các chế độ thu nhập, an sinh xã hội cho người lao động dù các DN trong vùng dịch phải ngừng sản xuất do yêu cầu giản cách xã hội, nhiều DN phải thu hẹp sản xuất và ngừng hoạt động do các đơn hàng XK bị cắt giảm. Vì vậy, kim ngạch XK năm 2020 chỉ đạt 19,5 tỷ USD trong khi năm 2019 đạt kim ngạch 22 tỷ USD, doanh thu nội địa năm 2020 giảm gần 40% so với năm 2019.

Để nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh sản phẩm dệt may, da giày tận dụng thời cơ “hậu Covid-19”, trên cơ sở tình hình thực tiễn thị trường trong và ngoài nước, bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế…, nhóm nghiên cứu do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chủ trì đã đề xuất một số nhóm giải pháp chủ yếu. Thứ nhất, phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và kết nối DN, hình thành các chuỗi giá trị và cụm liên kết ngành. Đây được coi là giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành dệt may, da giày và tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia. Thứ hai, tận dụng thế mạnh và lợi thế so sánh của các địa phương và đẩy mạnh liên kết vùng. Tiếp đó, tăng cường hợp tác quốc tế thông qua ký kết các chương trình hợp tác về công nghiệp, CNHT và các lĩnh vực liên quan. Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp thời trang gắn với ngành dệt may, da giày, xác định phát triển công nghiệp thời trang là động lực cho sự phát triển ngành dệt may, da giày trong giai đoạn tới. Còn để thu hút đầu tư, Nhà nước và chính quyền các địa phương cần ban hành các chính sách ưu đãi cụ thể và hấp dẫn hơn; nhà đầu tư cần được hỗ trợ trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội. 

Còn với ngành công nghiệp điện tử, một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, cần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn của ngành để có sự định hướng trong thu hút đầu tư; chú trọng tới việc xác định sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng trong bối cảnh số hóa; hình thành ngành điện tử có giá trị gia tăng cao hơn, làm cơ sở cho các DN nội địa xây dựng kế hoạch SXKD và sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, thúc đẩy ngành điện tử phát triển nhanh và hiệu quả hơn. 

Theo Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh, Nhà nước cần công khai, minh bạch chính sách hỗ trợ DN, hỗ trợ phải thiết thực và hiệu quả, DN cần Nhà nước cắt giảm chi phí SXKD hơn là cho tiền, Nhà nước cũng cần có chính sách kích cầu tiêu dùng để hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa…