Định vị vai trò kinh tế tập thể & hợp tác xã

Thực tiễn đã chứng minh kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia. Đặc biệt, từ khi Luật HTX 2012 ra đời đã tạo tư duy mới về mô hình HTX kiểu mới, hạt nhân là hợp tác, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp cơ chế thị trường trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập cạnh tranh ngày càng gay gắt. Mặc dù vậy, KTTT, HTX phát triển vẫn chưa tương xứng tiềm năng, còn nhiều hạn chế như tốc độ phát triển còn chậm, một số HTX chưa tuân thủ nghiêm pháp luật.

Hợp tác xã đã đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế hộ nông thôn thông qua giải quyết việc làm. Ảnh: HẢI ANH
Hợp tác xã đã đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế hộ nông thôn thông qua giải quyết việc làm. Ảnh: HẢI ANH

Kỳ 1: Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Còn nhiều hạn chế

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, KTTT, HTX có vai trò quan trọng với nền kinh tế - xã hội (KT-XH). Thời gian qua, khu vực HTX hoạt động ổn định và từng bước phát triển. Tính đến ngày 31-12-2018, toàn quốc có 22.861 HTX, trong đó có 13.856 HTX nông nghiệp và khoảng 9.000 HTX phi nông nghiệp, thu hút gần sáu triệu thành viên tham gia, số lao động làm việc trực tiếp trong khu vực HTX là 12 triệu người. Đóng góp của khu vực này thể hiện qua hai kênh, bao gồm đóng góp trực tiếp của khu vực HTX, liên hiệp HTX và đóng góp gián tiếp thông qua các HTX thành viên, kinh tế thành viên. Đây là xu hướng phát triển nổi bật của HTX trong thời gian qua. HTX đã đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế hộ và cá thể thành viên thông qua giải quyết việc làm. Nhiều HTX nông nghiệp đã giảm được chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên, xóa đói, giảm nghèo, đóng góp vào an sinh xã hội tại địa phương...

Thống kê của Liên minh các HTX Việt Nam cho thấy, chín tháng năm 2019, số HTX thành lập mới đạt 1.598 HTX, giải thể 341 HTX yếu kém; thành lập mới 2 LHHTX. Đến tháng 9-2019, cả nước có 23.905 HTX, tăng 6,5% so năm 2018, trong đó 22.649 HTX đang hoạt động, 1.256 HTX ngừng hoạt động. Tổng vốn điều lệ của các HTX là 32.000 tỷ đồng, bình quân mỗi HTX là 1,3 tỷ đồng; tổng tài sản 171.000 tỷ đồng, bình quân 7,7 tỷ đồng/HTX, trong đó Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đạt trung bình 96 tỷ đồng/quỹ; doanh thu bình quân HTX 4,2 tỷ đồng/HTX, lãi bình quân 305 triệu đồng/HTX. Tổng số lao động thường xuyên khoảng 2,5 triệu lao động, với thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/năm/người.

Đến tháng 9-2019, cả nước có khoảng 1.500 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị thị trường trong nước và nước ngoài, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn sản phẩm, ký kết hoạt động tiêu thụ sản phẩm dài hạn với DN. Các HTX đã giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, thông tin và tiêu thụ sản phẩm… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân địa phương.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW (NQ 13) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong phát triển của KTTT, HTX nói chung, lĩnh vực phi nông nghiệp nói riêng. Sau 15 năm thực hiện NQ 13, KTTT, HTX đã có nhiều chuyển biến, nhiều loại hình phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, từng bước phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển KT-XH.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, điều này góp phần khẳng định NQ 13 là một chủ trương đúng đắn nhằm hỗ trợ phát triển KTTT, giúp các HTX thoát khỏi tình trạng yếu kém. Không những thế, KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã có sự phát triển cả về lượng và chất, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển mới. Thời gian qua, xuất hiện nhiều HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, có doanh thu hàng trăm tỷ đồng như: HTX dịch vụ nông nghiệp Anh Đào (Lâm Đồng), Liên hiệp HTX thương mại TP Hồ Chí Minh... Mặc dù vậy, KTTT, HTX nói chung vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có chính sách thu hút cán bộ có năng lực về công tác tại các HTX. KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản phẩm xã hội, chưa đủ sức đảm nhiệm tốt vai trò cùng với kinh tế Nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế định hướng XHCN. Thậm chí, mô hình này còn nhiều hạn chế như tốc độ phát triển còn chậm, một số HTX chưa tuân thủ nghiêm pháp luật. Hiệu quả thấp, vai trò của HTX chưa được phát huy... Để đưa kinh tế HTX thoát khỏi yếu kém, tiến tới có tỷ trọng lớn trong GDP của nền kinh tế cần có ưu đãi của Nhà nước đối với khu vực này.

Định vị vai trò kinh tế tập thể & hợp tác xã ảnh 1

Cần thêm chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với mô hình hợp tác xã. Ảnh: ANH NAM

Nan giải vấn đề “kẹt” vốn

Chia sẻ tại Hội nghị này, ông Phan Huy Sự, Giám đốc HTX Vận tải Nhơn Trạch cho biết, với số lượng gần 6.000 xe, gần 10.000 lao động, nhu cầu về vốn, chi phí nhiên liệu, tiền lương cho người lao động và các chi phí khác là rất lớn. Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi là hết sức khó khăn. Để giải quyết việc trước mắt, một số thành viên HTX thậm chí phải vay “nóng” với lãi suất cao, ảnh hưởng đến thu nhập. Điều này cũng đi ngược lại với chủ trương tích cực chống “tín dụng đen”. Do đó, cần sự hỗ trợ từ các bộ, ngành để có thể tiếp cận thông tin, đối thoại với ngân hàng (NH), ngành giao thông để tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, giảm thiểu chi phí. Ngoài ra, cần phải có nguồn vốn tín dụng phù hợp, tránh tiếp cận nguồn vốn vay “nóng”. Hiện, 6.000 chiếc xe của HTX mua bằng vốn vay NH, có thời điểm phải vay nóng để trả lãi NH, do vậy rất khó khăn.

Thừa nhận thực tế này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh đánh giá, hoạt động cho vay của một số QTDND còn chưa hiệu quả, lãi suất cho vay vẫn cao, dẫn tới hạn chế vai trò liên kết, hỗ trợ các HTX. Trên thực tế, việc khó tiếp cận vốn của các NHTM do đa số các HTX không đáp ứng được những điều khoản, thủ tục cho vay.

Về vấn đề này, ông Phạm Công Bằng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX T.Ư cho biết, hiện nay chưa đến 20% các HTX có khả năng tự lực vốn sản xuất, kinh doanh, trong khi đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng lại vô cùng hạn chế, chỉ chiếm dưới 1%. Vấn đề vốn vẫn là “điểm nghẽn”, khó khăn lớn nhất của HTX. Thiếu vốn khiến nhiều HTX không thể mở rộng sản xuất, kinh doanh, thậm chí nhiều HTX còn có khả năng rơi vào nguy cơ phá sản. Những HTX muốn vươn lên tiếp cận công nghệ cao cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như không giải quyết được vấn đề vốn, thì không thể chuyển đổi sản xuất theo mô hình chuỗi và sẽ không có sự tăng trưởng bền vững. Tính đến nay, tổng số có 5.730 lượt HTX phi nông nghiệp và 607 lượt THT và thành viên HTX phi nông nghiệp được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX các cấp. Tổng doanh thu cho vay là hơn 6.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay trung bình là 5,4%. Do vậy, các HTX đề nghị, sớm có giải pháp triển khai hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với các HTX vận tải, qua đó giảm thiểu tiêu cực, giảm chi phí, tăng năng suất, tăng thu nhập, ổn định đời sống và giúp cho HTX phát triển bền vững.

Theo thống kê, số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền; đã xuất hiện nhiều mô hình mới. Tính đến hết năm 2018, toàn quốc có 22.861 HTX, trong đó khoảng 57% HTX hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình này vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này là do thể chế pháp luật bảo đảm sự công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của hộ thành viên chưa được tốt, dẫn đến tư tưởng hoài nghi sự minh bạch của chính sách, về hoạt động, về sự an toàn trong môi trường kinh doanh, gây ảnh hưởng đến tâm lý các chủ thể kinh tế. Ngoài ra, tâm lý hoài nghi về khả năng thành công của mô hình HTX còn khá nặng nề bởi sự thất bại của phong trào HTX kiểu cũ trước đây. Các vấn đề về quyền tài sản, nhất là đối với đất đai, của các chủ thể phát triển nông thôn chưa được xác định rõ và có các giải pháp xử lý căn cơ, bài bản; còn gây nhiều tranh chấp, xung đột ở nông thôn.

(Còn nữa)