Định vị tài chính tiêu dùng

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của tài chính tiêu dùng (TCTD) khá nhanh nhưng các tổ chức tín dụng và các công ty tài chính (CTTC) đã phần nào đáp ứng nhu cầu vốn của người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, không ít người tiêu dùng (NTD) gặp khó khăn, cần vốn đột xuất đã phải tìm đến các kênh vay vốn “nóng” bên ngoài hay vay qua ứng dụng (app) với mức lãi suất “ngất ngưởng”. Rất nhiều hệ lụy không đáng có đã nảy sinh từ đó.

Quảng cáo cho vay được dán tràn lan khắp nơi. Ảnh: SONG ANH
Quảng cáo cho vay được dán tràn lan khắp nơi. Ảnh: SONG ANH

Kỳ 1: Những mức lãi suất “ngất ngưởng”

Nguy cơ “tín dụng đen” thời 4.0

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công thương) cho biết, thời gian qua, Cục tiếp nhận một số phản ánh, khiếu nại của NTD liên quan hoạt động cho vay trực tuyến. Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người mất việc làm nên có nhu cầu tài chính để chi tiêu hoặc thanh toán nợ nần. Từ đó, họ tìm đến vay trực tuyến vì điều kiện hết sức đơn giản, chấp nhận lãi suất cao ngất ngưởng.

Anh Trương Công H. (Hiệp Hòa, Bắc Giang) chia sẻ, gia đình tôi mới mở cửa hàng kinh doanh trò chơi điện tử, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tháng 3 và tháng 4 cửa hàng phải đóng theo quy định về giãn cách xã hội (GCXH). Thu nhập không có, vốn mở cửa hàng chủ yếu là đi vay, nhà cũng đã thế chấp ngân hàng (NH) nên tôi đã phải vay “tín dụng đen” với lãi suất rất cao để lấy tiền trả lãi vay. Kết quả là lãi vay chưa trả hết, cửa hàng giờ lại thuộc về người khác, còn cả gia đình lay lắt trên đống nợ nần…

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, rất nhiều người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh dẫn đến không có công việc và buộc phải dùng nguồn tài chính tích lũy để chi tiêu. Tuy nhiên, không phải ai cũng có sẵn tiền tích lũy đủ để chi tiêu trong giai đoạn GCXH, nên không ít người đã phải lựa chọn vay “tín dụng đen”. Trong giai đoạn khó khăn này, do nhu cầu tăng cao, dù biết khả năng trả nợ lại thấp đi, các nhóm cho vay “tín dụng đen” đã chọn là thời điểm phải “thâu tóm” tài sản của khách hàng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bốn tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động và phá sản cao hơn số DN thành lập mới. Cụ thể, trong bốn tháng đầu năm, có 22.700 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,6% so cùng kỳ năm trước. Cả nước cũng có gần 14.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 5.277 DN đăng thông báo giải thể và 5.776 DN chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế…

DN ngưng hoạt động, mất việc làm, không thu nhập và những khó khăn do GCXH bởi dịch Covid-19 đã khiến nhiều người có thu nhập trung bình, người nghèo, đặc biệt ở khu vực nông thôn hoặc người nghèo thành thị vướng vào vòng bủa vây của “tín dụng đen”.

Đặc biệt, mới đây, ở nhiều địa phương đã bùng phát một kiểu cho vay nặng lãi qua các app. Cụ thể, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh vừa triệt phá thành công và mở rộng điều tra vụ án cho vay nặng lãi qua các app như: “moreloan”, “vaytocdo”... được quảng cáo công khai trên mạng xã hội, với điều kiện cho vay rất đơn giản. Khách hàng vay tiền qua ứng dụng “vaytocdo” được vay nhiều nhất 1,7 triệu đồng nhưng thực nhận chỉ 1,428 triệu đồng bởi vì phải trừ 272.000 đồng phí dịch vụ. Trong một tuần, người vay phải trả gốc và lãi là 2.040.000 đồng, nếu chậm trả sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày.

Tương tự, người vay qua “moreloan” được vay nhiều nhất 1,5 triệu đồng nhưng thực lãnh chỉ 900.000 đồng bởi 600.000 đồng là tiền phí dịch vụ và lãi trong một tuần. Nếu người vay chậm trả sẽ bị phạt từ 2% đến 5% mỗi ngày. Tính ra, người vay phải trả lãi suất tương đương 21%/tuần, nghĩa là lên đến… 1.095 %/năm. Đáng chú ý, số nạn nhân đã lên tới hơn 60.000 người tại hơn 60 tỉnh, thành phố.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tốc độ tăng trưởng TCTD những năm gần đây khá nhanh nhưng các NH và CTTC đã đáp ứng phần nào nhu cầu vốn của người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều người gặp khó khăn, cần vốn đột xuất đã tìm đến các kênh vay vốn “nóng” hay vay qua app. Do đó, người vay cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ về thủ tục, điều kiện vay vốn, mức lãi suất. NHNN đã từng cảnh báo nhiều lần về biến tướng của hoạt động cho vay này khi một số đối tượng cho vay “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao, núp bóng cho vay trực tuyến với lãi suất rất cao, gây rủi ro cho cả người vay và người cho vay (NCV).

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD khuyến cáo, NTD không vay tiền trực tuyến của các tổ chức, cá nhân có những dấu hiệu sau: tổ chức, cá nhân không giới thiệu rõ chức năng của đơn vị là CTTC, NH hoặc là đơn vị có chức năng tư vấn, kết nối giữa người đi vay và NCV; không nêu rõ thông tin về tên công ty, địa chỉ, số điện thoại hoặc có nhưng địa chỉ, thông tin liên hệ ở nước ngoài; không công bố biểu phí hoặc làm rõ các chi phí phát sinh trong quá trình giao dịch; không gửi trước mẫu hợp đồng vay tiền và các nội dung chi tiết để người vay tìm hiểu trước khi giao dịch.

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, để ngăn chặn “tín dụng đen”, đặc biệt là những loại hình “tín dụng đen” kiểu mới, cần phát huy tích cực trong hoạt động TCTD của các tổ chức tín dụng, gồm cả NHTM và CTTC. Đồng thời, cũng phải bảo đảm kiểm soát rủi ro, hạn chế phát sinh liên quan về lãi suất, phương thức thu hồi nợ, quản lý nợ trong lĩnh vực TCTD.

Bộ Công an cũng luôn khuyến cáo, người dân khi gặp khó khăn về tài chính, hãy tìm đến các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc trực tiếp đến các TCTD, ngân hàng tin cậy để được hỗ trợ. NTD cần cảnh giác cao với vay tiền qua website, ứng dụng.

Để thị trường TCTD phát triển đúng hướng

Trên thực tế, thị trường và NTD đang có cái nhìn thiên về mặt chưa tốt với hoạt động TCTD mà bỏ qua việc hàng triệu người đã vượt qua khó khăn, cải thiện chất lượng cuộc sống nhờ TCTD.

Phó Tổng Giám đốc FE Credit Nguyễn Thành Phúc chia sẻ, thực hiện yêu cầu của NHNN theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, FE Credit đã nhanh chóng đưa ra các chính sách hỗ trợ khách hàng từ tháng 2 cho đến hết tháng 6-2020. FE Credit đã thực hiện miễn, giảm lãi cho hơn 185.000 khách hàng hiện hữu, chia nhỏ các khoản thanh toán cho khách hàng khó khăn về tài chính, hoặc chấp nhận hoãn việc thanh toán trong ba tháng; đồng thời, xem xét miễn giảm phí chậm thanh toán đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thông tin này là một trong những minh chứng cho thấy, là thành phần của hệ thống tài chính, các CTTC nói chung đang hoạt động trong khuôn khổ pháp lý của hệ thống tài chính NH.

Theo nhận định của Luật sư Trương Thanh Ðức, Giám đốc Công ty Luật BASICO, thị trường TCTD phát triển nhưng hành lang pháp lý vẫn có nhiều điểm chưa phù hợp, đi sau thực tiễn. Đối với hoạt động cho vay bên ngoài các tổ chức tài chính, luật pháp quy định lãi suất không được vượt quá 20%/năm. Nếu cho vay lãi cao hơn, cộng với một vài dấu hiệu phạm pháp khác thì bị coi là… tín dụng đen. Còn cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên thì sẽ phạm tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Coi TCTD như NH là không phù hợp, trong khi các CTTC không được huy động vốn từ dân.

Chia sẻ về chính SHB Finance, bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó Tổng Giám đốc SHB Finance cho biết, ngay từ năm đầu hoạt động, SHB Finance đã xây dựng tương đối hoàn chỉnh bộ máy vận hành và hoạt động đúng định hướng của NH “mẹ” SHB đề ra. Do đó, trong giai đoạn căng thẳng của dịch Covid-19, SHB Finance luôn bám sát thông tin thị trường, phân tích và tìm giải pháp tốt nhất cho các kịch bản tùy theo diễn tiến của dịch Covid-19, với mục tiêu đưa công ty hoạt động an toàn trong thời gian dịch bệnh hơn là tìm kiếm lợi nhuận.

Một vấn đề còn không ít bất cập của các CTTC hiện nay là vấn đề pháp lý. Bà Trần Thanh Nữ Tường Vy chia sẻ, mặc dù CTTC phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của NHNN trong hoạt động cho vay với khách hàng cá nhân, nhưng các quy định pháp luật hiện hành lại chưa đầy đủ và chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của CTTC trong hoạt động thu hồi nợ. Thực trạng này dẫn đến việc các CTTC xây dựng cho mình nhiều cách thu hồi nợ khác nhau để có thể thu hồi vốn bị khách hàng chiếm dụng không đúng quy định pháp luật. Ðiều này vô hình trung đã làm nảy sinh không ít cách hiểu sai, cách làm sai ảnh hưởng không ít tới hình ảnh của các CTTC. Ðể đạt được những lợi ích chung cho toàn xã hội, các CTTC nói chung rất cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan để thị trường TCTD ngày càng phát triển.

Cùng quan điểm, luật sư Trương Thanh Ðức cho rằng, không chỉ cần có luật riêng để bảo vệ NTD, mà cũng cần có luật riêng cho thị trường TCTD phát triển.

(Còn nữa)