Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay ODA

Các dự án (DA) sử dụng vốn vay nước ngoài (ODA) và vay ưu đãi đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC), đặc biệt là nguồn vốn vay ODA năm 2020 là vấn đề cấp thiết nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân chung giai đoạn 2016 - 2020. Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính (trong ảnh)  đã trao đổi ý kiến với phóng viên Thời Nay chung quanh vấn đề này.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay ODA

Phóng viên (PV): Theo số liệu sáu tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn ODA tại các bộ, ngành địa phương đang rất thấp, ở mức hơn 10%. Xin ông cho biết, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Ông Hoàng Hải: Sáu tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn ODA của các bộ, ngành, địa phương đạt thấp do rất nhiều nguyên nhân; trong đó có thể kể đến tác động của đại dịch Covid-19. Các DA sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động của đại dịch Covid-19 nặng nề hơn so các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước do hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài. Hiện nay, phần lớn các DA hạ tầng giao thông lớn như: Xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên; tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội… đều đang trong tình trạng chờ tư vấn giám sát và nhà thầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai của các DA. 

Ngoài ra, có nhiều vướng mắc về thủ tục điều chỉnh các DA, do đặc thù các DA sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi có thời gian chuẩn bị kéo dài, lâu hoàn thành thủ tục đầu tư dẫn đến tình trạng nhiều hiệp định vay dù đã được ký, đã được bố trí dự toán, cũng không thể triển khai giải ngân ngay được, thậm chí dự kiến hủy. Cũng vì thời gian chuẩn bị kéo dài, nhiều DA phải làm thủ tục gia hạn thời gian thực hiện. Từ đầu năm 2020 đến nay đã có 33 hiệp định vay phải làm thủ tục gia hạn, điều chỉnh với nhà tài trợ. Theo quy định hiện nay, việc gia hạn khoản vay hay bất kỳ điều chỉnh nào của DA đều gắn liền với điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong khi quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư thường phức tạp và kéo dài dẫn đến việc một số DA đã được bố trí vốn nhưng không thể rút vốn. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân như: cơ chế chính sách thay đổi; chậm hoàn chứng từ đối với các khoản Chính phủ Việt Nam đã nhận nợ với nhà tài trợ nước ngoài… đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân của các DA ODA.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay ODA -0
Các dự án sử dụng vốn vay ODA chịu tác động của đại dịch Covid-19. 

PV: Hiện một số bộ, ngành và địa phương đang xin trả lại vốn đầu tư công do không có khả năng giải ngân. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này? 

Ông Hoàng Hải: Năm 2020 là năm đầu thực hiện Luật ĐTC 2019, theo đó Chính phủ giao vốn cho các bộ, ngành, địa phương khá sớm, đồng thời Chính phủ giao quyền tự chủ cho các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết cho từng DA.

Hiện Bộ Tài chính đã ghi nhận một số đề xuất hủy, cắt giảm vốn. Lý do đề xuất trả lại vốn của các bộ, ngành, địa phương có thể kể đến như việc xây dựng kế hoạch vốn chưa sát nhu cầu thực tiễn, khả năng hấp thụ vốn của từng DA theo tiến độ dự án; thời gian xây dựng và phê duyệt DA quá dài, đến khi bắt đầu thực hiện thì có một số hạng mục không còn phù hợp. 

Mặt khác, vốn đối ứng được bố trí vừa chậm, vừa thiếu, không phù hợp kế hoạch vốn nước ngoài; sự không phù hợp giữa kế hoạch vốn trung hạn và hiệp định vay đã ký, giữa kế hoạch hằng năm với tiến độ thực hiện của các DA. Đến cuối năm 2019, nhiều DA mới được giao kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 nên một số hạng mục phải chuyển sang giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện…

Đây là một thực tế mà theo quy định của Luật ĐTC và Nghị định số 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ĐTC, trường hợp bộ, cơ quan T.Ư và địa phương không phân bổ hết số vốn kế hoạch được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định thu hồi, điều chuyển cho bộ, cơ quan T.Ư và địa phương khác có nhu cầu trước ngày 30-6 của năm kế hoạch.

PV: Các giải pháp cần phải triển khai để thúc đẩy giải ngân vốn ODA trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Hoàng Hải: Nhằm góp phần tạo động lực cho thúc đẩy sự phục hồi, phát triển của nền kinh tế hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ và địa phương cần coi việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn ĐTC năm 2020 là nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng bộ và từng địa phương, là tiêu chí kiểm tra, giám sát và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm đánh giá khả năng giải ngân vốn từ nay đến cuối năm, trường hợp không thể giải ngân hết số vốn được phân bổ đề nghị khẩn trương báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) để trình Chính phủ điều chỉnh giảm dự toán để điều chuyển (ghi tăng) dự toán các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn (thực hiện trước ngày 31-8-2020). 

Đồng thời, chủ động điều chỉnh dự toán phân bổ cho các DA trong phạm vi nguồn vốn của bộ, ngành, địa phương đã được Chính phủ phân bổ để bảo đảm đủ vốn cho các DA có nhu cầu theo tiến độ giải ngân. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao; phối hợp Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính để giải quyết các vướng mắc phát sinh.

Đối với các chương trình/DA thực hiện cơ chế hỗn hợp vừa cấp phát vừa cho vay lại, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phối hợp Bộ Tài chính trong việc ký hợp đồng cho vay lại, trong đó các địa phương ký hợp đồng cho vay lại với Bộ Tài chính, các đơn vị sự nghiệp công lập ký hợp đồng cho vay lại với các cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính ủy quyền.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!