Đầu tư đúng mức cho hạ tầng logistics

Dịch vụ logistics ở Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, với khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển khá lớn. Hạ tầng logistics cũng đã hình thành, nhưng còn manh mún và chưa có một quy hoạch đồng bộ. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ là chìa khóa giúp ngành logistics Việt Nam phát triển bền vững.

Bất động sản logistics có rất nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: LAM ANH
Bất động sản logistics có rất nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: LAM ANH

Tại Hội thảo chuyên đề “Hạ tầng Logistics - Xu hướng và cơ hội” trong khuôn khổ Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 diễn ra mới đây, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (XNK), Bộ Công thương cho biết, ngành logistics Việt Nam đã có tốc độ phát triển nhanh trong thời gian qua. Với khối lượng hàng hóa sản xuất, lưu trữ trong nước cũng như lượng hàng hóa xuất khẩu khá lớn đòi hỏi cần có hạ tầng đủ lớn và hiện đại để xử lý được các nguồn hàng hóa mà không gây ách tắc, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, hạ tầng logistics hay bất động sản (BĐS) logistics là một chủ đề nóng, được quan tâm hiện nay. Các nhà đầu tư (NĐT), nhà khai thác dịch vụ đều cần phải có hạ tầng để đẩy mạnh hoạt động logistics trong tương lai. Tuy nhiên, dù hạ tầng logistics ở Việt Nam đã hình thành, nhưng còn manh mún và chưa có một quy hoạch đồng bộ.

Về thực trạng BĐS logistics, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam của Công ty Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL) Bùi Nguyễn Huyền Trang nhận định, BĐS logistics hiện có rất nhiều tiềm năng phát triển, bởi các DN sản xuất trong và ngoài nước đang có nhu cầu mở rộng thị phần ở Việt Nam. BĐS logistics phục vụ cho lưu chuyển, lưu thông, đồng thời phục vụ cho hàng hóa XNK cao nên đây là một cơ hội lớn đối với ngành logistics. Trong khi đó, nguồn cung BĐS logistics hiện hữu chưa đủ đáp ứng các nhu cầu quá lớn, do diện tích sàn không đủ cung ứng, đồng thời chất lượng của các cơ sở BĐS phục vụ logistics hiện còn ở mức độ sơ khai. Mặt khác, các DN vận chuyển ngày càng có yêu cầu cao hơn đối với BĐS nhà kho để lưu trữ hàng hóa. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với BĐS logistics, bởi nhu cầu kho bãi lớn và các NĐT nước ngoài nhìn thấy những tiềm năng, đang đầu tư mạnh mẽ vào thị phần này. Các DN trong nước cũng đang nỗ lực, cố gắng xây dựng quỹ đất để phát triển các vị trí nhà kho, đặc biệt xây dựng ở vị trí thuận lợi, có kết nối hạ tầng tốt, thuận lợi đi vào các thành phố trung tâm, cảng biển.

Về vai trò của trung tâm logistics trong hệ thống cơ sở hạ tầng logistics, ông Nguyễn Thái Hòa, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ quốc tế cho rằng, các trung tâm logistics có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối giữa cảng biển, cảng hàng không, các cửa khẩu quốc tế với vùng hàng hóa để phục vụ phát triển kinh tế. Một trung tâm logistics bình thường sẽ có những chức năng gồm: Vận chuyển hàng hóa, lưu trữ hàng hóa, lưu kho, lưu bãi, xử lý hàng hóa bao gồm dán tem, dán nhãn, chia tách, gom hàng, làm thủ tục hải quan… Trung tâm logistics có vai trò giúp cho nhà XNK và chủ hàng nội địa có thể luân chuyển hàng hóa một cách hiệu quả với giá thành thấp. Hiện nay, chi phí về logistics chiếm khoảng 21% tổng GDP của Việt Nam. Do đó, việc phát triển các trung tâm logistics quy mô lớn sẽ giúp cắt giảm chi phí logistics.

Cũng theo ông Nguyễn Thái Hòa, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1012/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển: Các trung tâm logistics hạng I, hạng II và chuyên dùng trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc thực thi những trung tâm logistics này chưa có những hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, trong thời gian tới, rất mong Chính phủ, Bộ Công thương sẽ có những thông tư hướng dẫn chi tiết hơn, làm thế nào để chúng ta có các trung tâm logistics mang tính quốc gia. Bởi thực tế hiện nay, mặc dù có rất nhiều trung tâm logistics phát triển tại các địa phương nhưng quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Về chính sách hỗ trợ để phát triển các trung tâm logistics, Chủ tịch Cảng quốc tế Long An Phạm Thị Bích Huệ kiến nghị, việc phát triển các trung tâm logistics đòi hỏi thời gian xây dựng lâu dài và đầu tư lớn, nên Chính phủ cần có các chính sách để kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics. Cụ thể như ưu đãi thuế, bảo lãnh khoản vay, bảo hiểm tín dụng, tài trợ lãi suất thấp... Bên cạnh đó, quy hoạch các trung tâm logistics đồng bộ, gắn với quy hoạch chung, với các mục tiêu phát triển của địa phương, khu vực, vùng miền, quốc gia...

Theo các chuyên gia, trung tâm logistics đã và đang trở thành yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa và XNK, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững và bảo đảm sức cạnh tranh của toàn bộ dịch vụ logistics. Do đó, các địa phương đã chủ động xây dựng và phê duyệt việc xây dựng các trung tâm logistics trên địa bàn theo quy hoạch cũng như vận dụng linh hoạt các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics phù hợp điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. 

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nêu rõ, thời gian tới, Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15 - 20%/năm, chiếm tỷ trọng 8 - 10% GDP. Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60%. Chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ hạng 50 trở lên. Để thực hiện định hướng và mục tiêu nêu trên, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương theo chức năng và nhiệm vụ được giao có chương trình cụ thể thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.