Chuẩn bị tốt nguồn cung cho thị trường cuối năm

Đến thời điểm này có thể khẳng định, mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay dưới 4% nhiều khả năng sẽ đạt được. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, cần bảo đảm nguồn cung và ổn định giá hàng hóa thiết yếu... Bởi nếu không có phương án sẵn sàng, nguồn cung có thể bị ảnh hưởng không chỉ thời điểm trước mà còn sau Tết Nguyên đán.

Các mặt hàng sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ cao trong tiêu dùng là điều kiện thuận lợi để chủ động nguồn hàng cho các dịp cao điểm cuối năm. Ảnh: HẢI NAM
Các mặt hàng sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ cao trong tiêu dùng là điều kiện thuận lợi để chủ động nguồn hàng cho các dịp cao điểm cuối năm. Ảnh: HẢI NAM

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm 2019 đã đạt 3 triệu tỷ đồng, chiếm 76% tổng mức bán lẻ hàng hoá và tăng 12,8% so cùng kỳ năm 2018. Các loại hình như doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống; doanh thu du lịch lữ hành; doanh thu dịch vụ khác đều duy trì mức tăng trưởng khả quan. Tính chung 10 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng cao so cùng kỳ năm trước (11,8%), nhờ thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường (TT), thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kích thích tiêu dùng của người dân.

Thông tin tại cuộc họp Tổ điều hành TT trong nước thường kỳ tháng 10 tổ chức mới đây tại Hà Nội, Phó Vụ trưởng Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Tạ Thị Thu Việt cho biết, CPI tháng 10 tăng 0,59% so tháng trước - mức cao nhất của chỉ số CPI tháng 10 trong ba năm gần đây. Tính chung 10 tháng, CPI tăng 2,79% so cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất trong ba năm gần đây. Trong giỏ hàng hóa, có đến 10/11 nhóm tăng giá. Đáng chú ý, đã có 327.000 tấn thịt lợn bị tiêu hủy do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng đàn lợn hiện đã giảm 20% so cùng kỳ khiến giá tăng 7,8%. Việc giảm nguồn cung và giá lợn tăng cao không chỉ tác động làm tăng CPI mà còn gây ra lo ngại thiếu hụt nguồn cung và “sốt” giá những tháng cuối năm, khi thịt lợn là một trong những loại thực phẩm chính của người dân.

Cùng quan điểm này, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, nhu cầu thịt lợn tăng cao sẽ đẩy giá tăng vào dịp cuối năm. Trong kịch bản dự báo, giá thịt lợn ba tháng cuối năm sẽ tăng khoảng 10% nhưng tính đến hiện tại, giá mặt hàng này đã tăng 7,85% so cùng kỳ. Dự báo, từ nay đến cuối năm, chắc chắn giá thịt lợn sẽ tăng vượt kịch bản đưa ra. Xăng dầu cũng là một trong những mặt hàng có nhu cầu tăng cao vào cuối năm. Việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn dừng hoạt động để bảo dưỡng vào những tháng cuối năm cũng gây nên những lo ngại thiếu hụt nguồn cung xăng dầu.

Theo bà Tạ Thị Thu Việt, với biến động như hiện nay, CPI cả năm 2019 có thể đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra (tăng không quá 4% so năm 2018). Tuy nhiên, hiện tại, điều quan trọng phải có giải pháp ổn định nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thịt lợn, xăng dầu. Đặc biệt, năm nay, Tết Dương lịch và Nguyên đán gần nhau, dự báo nhu cầu các mặt hàng này sẽ tăng cao. Tổng cục Thống kê dự báo, CPI những tháng tới sẽ bị tác động tăng bởi nhu cầu tiêu dùng tăng ở các mặt hàng như: Lương thực - thực phẩm, may mặc, giày dép, mũ nón, dịch vụ giao thông công cộng… Giá thịt lợn cũng dự báo tăng khoảng 10 - 15% so hiện tại làm CPI tăng 0,5 - 0,7%...

Nhằm chuẩn bị tốt nguồn hàng cho dịp cuối năm, đại diện Cục Chế biến và Phát triển TT nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã qua thời đỉnh điểm. Đến tháng 10-2019, đã có 44% số xã qua 30 ngày chưa tái dịch. Một số tỉnh đã công bố cơ bản hết dịch. Người dân đã biết áp dụng các giải pháp sinh học để bảo đảm không bị tái dịch. Hiện, tổng đàn lợn cả nước còn 25 triệu con. Đàn giống để nhân giống phục vụ tái đàn dồi dào. Nếu kiểm soát tốt, nhân giống tái đàn tốt, sẽ bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Các mặt hàng khác như thịt bò, trứng, thịt gà đều tăng, dự báo bù đắp một phần nguồn cung lương thực - thực phẩm.

Riêng với mặt hàng xăng dầu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Trần Ngọc Năm cho biết, đến hết tháng 11, doanh nghiệp xăng dầu phải nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài để bù lượng thiếu hụt 1 triệu m3 xăng dầu trong nước do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn dừng bảo dưỡng. Với trách nhiệm của một doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trên TT xăng dầu, Petrolimex sẽ quán triệt việc tổ chức tốt nguồn cung. Đồng thời, có ý kiến với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam để hiệp hội có ý kiến với các doanh nghiệp đầu mối khác nhằm ổn định nguồn cung xăng dầu cuối năm.

Theo Vụ trưởng TT trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông, tới đây Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, hội chợ hàng Việt để cung cấp đầy đủ hàng hóa, tăng sức mua cho khu vực này, góp phần tăng trưởng thương mại nội địa. Thực tế, hệ thống bán lẻ trong nước đã hỗ trợ tích cực cho các sản phẩm, hàng hóa nhờ tác động từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chính vì vậy, tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống phân phối, nhất là siêu thị được duy trì ở mức cao. Đơn cử, Coopmart từ 90 - 93%; Satra 90 - 95%; Vinmart 96%; Big C 90%... Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Đây là điều kiện thuận lợi để chủ động nguồn hàng cho các dịp cao điểm cuối năm.

Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải, Tổ trưởng Tổ Điều hành TT trong nước chỉ đạo, từ nay đến cuối năm, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương, doanh nghiệp cần vào cuộc để bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho nhu cầu người dân, cũng như thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ. Bởi nếu không có phương án sẵn sàng, nguồn cung có thể bị ảnh hưởng không chỉ thời điểm trước mà còn sau Tết Nguyên đán.