Chủ động trong điều hành tỷ giá

Sự điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), tỷ giá hết sức chủ động, linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã giúp thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước cơ bản ổn định, bất chấp những biến động liên tục của thị trường tài chính toàn cầu. Đó là tiền đề để nền kinh tế có thể phục hồi tăng trưởng bền vững.

Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động trong điều hành tỷ giá. Ảnh: NG.ANH
Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động trong điều hành tỷ giá. Ảnh: NG.ANH

Sáng 10-8, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm 15 đồng xuống mức 23.215 đồng/USD. Trước đó, trong phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 7-8), tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh giảm 3 đồng xuống mức 23.200 đồng/USD. Tại các NHTM có giao dịch ngoại tệ lớn, giá mua - bán USD hầu như được giữ nguyên so cuối phiên trước đó, tỷ giá vẫn tiếp tục ổn định. Trên thị trường thế giới, đồng USD tiếp tục rơi vào trạng thái cầm cự sau khi phục hồi hôm thứ sáu tuần trước (ngày 7-8) bởi thông tin tốt từ báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 7. Tuy nhiên, đồng USD vẫn kết thúc phiên này ở mức thấp hơn trong tuần thứ bảy liên tiếp.

Theo các chuyên gia phân tích tại JPMorgan, đồng euro đang tỏ ra hấp dẫn hơn USD sau khi khối Liên hiệp châu Âu đạt được thỏa thuận về gói hỗ trợ mới giúp hồi phục nền kinh tế, trong khi Mỹ tiếp tục bị ảnh hưởng của đại dịch và lưỡng viện lập pháp Mỹ vẫn chưa thống nhất về gói cứu trợ mới. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang tỏ ra cảnh giác về một căng thẳng mới có thể bùng phát trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, với các cuộc đàm phán thương mại dự kiến ​​sẽ diễn ra vào ngày 15-8 tới đây. 

Nhìn chung từ đầu năm đến nay, tỷ giá đồng USD trên thị trường trong nước ngoại trừ tháng 3 có biến động nhẹ, các tháng còn lại tỷ giá gần như không có biến động, thậm chí còn theo xu hướng giảm. Các chuyên gia nhận định, đợt giảm giá mạnh của đồng VND như cuối tháng 3 khó xảy ra do USD đang mất giá mạnh trên thị trường quốc tế và tâm lý thị trường trong nước cũng vững vàng hơn giai đoạn trước. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - NH, nguyên nhân chính khiến tỷ giá giảm là do sự suy yếu của USD chứ chưa hẳn là sự mạnh lên của VND, do Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, trong tháng 7-2020 vừa qua, USD đã giảm 4% xuống mức thấp nhất trong hai năm gần đây. Nhiều dự báo cho thấy USD sẽ tiếp tục mất giá khi lãi suất đồng USD đang ở sát 0%, trong khi Chính phủ Mỹ vẫn đang tiếp tục bơm một khối lượng tiền tệ rất lớn vào nền kinh tế. 

Hơn nữa, chỉ số tăng trưởng phát triển của nền kinh tế Mỹ đang rất thấp. Theo số liệu từ Cục Phân tích kinh tế Mỹ (BEA), GDP quý II-2020 của Mỹ giảm 32,9% là mức giảm thấp nhất trong lịch sử. Trước đó, kinh tế Mỹ đã giảm 5% trong ba tháng đầu năm 2020 và chính thức rơi vào suy thoái do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ cũng cho thấy các công ty kinh doanh tư nhân Mỹ chỉ tạo ra thêm 167.000 việc làm trong tháng 7-2020, thấp hơn nhiều so dự báo một triệu việc làm của Dow Jones. Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc ngày càng nóng; cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng đang tạo nhiều sức ép tới đồng USD.

Cùng quan điểm này, nhiều chuyên gia tài chính cũng cho rằng, tỷ giá trong nước chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, trong đó có cung - cầu, tâm lý, những tác động bên ngoài. Theo đó hiện nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế khá dồi dào do cán cân thương mại ước thặng dư tới 6,5 tỷ USD trong bảy tháng đầu năm, trong khi giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đạt tới 10,1 tỷ USD và dự báo rất khả quan trong bối cảnh Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng đầu tư khi nhiều quốc gia có sự dịch chuyển thị trường từ Trung Quốc sang Việt Nam, cộng thêm lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Trong khi cầu ngoại tệ dự báo sẽ không có đột biến do nhập khẩu giảm vì sản xuất gặp khó bởi dịch bệnh. Nhìn trong bối cảnh tổng thể cả thế giới, USD sẽ xu hướng đi xuống vì phần lớn sẽ quan tâm tới những kênh trú ẩn an toàn hơn, như vàng. Thời gian tới USD, nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục mất giá. Điều đó sẽ khiến các đồng tiền khác trên thế giới, trong đó có VND sẽ tiếp tục lên giá tương đối so USD. Tất nhiên, Chính phủ cũng như NHNN sẽ có những tính toán điều chỉnh giá VND ở mức hợp lý phù hợp diễn biến nền kinh tế.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng và phụ thuộc đến tình hình tỷ giá tại Việt Nam, theo giới chuyên gia chính, là nằm ở việc quản lý, chính sách điều hành của NHNN. Cũng đã có những ý kiến đặt ra về việc “nới lỏng” CSTT. Tuy nhiên, việc “nới lỏng” CSTT chưa chắc đã hỗ trợ được nhiều cho cộng đồng doanh nghiệp bởi khó khăn lớn nhất hiện nay đối với DN là đứt gãy chuỗi cung ứng, trong khi nếu không cẩn trọng việc nới lỏng có thể tạo áp lực đến lạm phát và tạo áp lực lên nợ xấu cũng như tỷ giá.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán KB Securities Việt Nam (KBSV), nếu so sánh với các đồng tiền khác trong khu vực, VND vẫn tiếp tục được đánh giá là đồng tiền ổn định trong nửa đầu năm 2020. Việc ổn định tỷ giá đang tạo đà cho lạm phát dần lùi về mức mục tiêu là 4%, qua đó góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đó là tiền đề để nền kinh tế có thể phục hồi tăng trưởng bền vững.

Thực tế, giới chuyên gia tài chính cho rằng, việc nới lỏng hay siết chặt là nghệ thuật điều hành, phải uyển chuyển và xem xét nhiều yếu tố, vì mở rộng CSTT thì áp lực VND mất giá là dễ xảy ra, như vậy lạm phát sẽ tăng theo, kéo theo đó là tất cả những cân đối vĩ mô của nền kinh tế sẽ thay đổi và cơ quan quản lý sẽ ở thế bị động. Những gì diễn ra trong thời gian vừa qua là kết quả khá tốt có được từ sự điều hành CSTT, tỷ giá hết sức chủ động, linh hoạt của NHNN đã giúp thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước cơ bản ổn định, bất chấp những biến động liên tục của thị trường tài chính toàn cầu.