Chủ động các kịch bản ứng phó

Nhờ đà phục hồi tích cực từ quý III - 2020, đến nay kinh tế vĩ mô (KTVM) của Việt Nam vẫn tương đối ổn định, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài ít nhiều được thể hiện, lạm phát tương đối ổn định (cơ bản hơn 2%), ở mức có thể chấp nhận trong bối cảnh ưu tiên tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế (TTKT). Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với bốn rủi ro lớn trong năm 2021.

Các doanh nghiệp cần chú trọng cải thiện chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: LAM ANH
Các doanh nghiệp cần chú trọng cải thiện chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: LAM ANH

Đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam 2020, tại hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021: Cải cách, hội nhập và phát triển bền vững do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp CIEM Nguyễn Anh Dương nhận định, tăng trưởng giảm mạnh từ quý I - 2020 sang quý II - 2020, song đã có sự phục hồi trong các quý III và IV. So các nước châu Á, rõ ràng Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng nhanh hơn. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 5,7% (cao hơn 1,6% so năm 2010). Xuất khẩu (XK) và cán cân thương mại tiếp tục chuyển biến tích cực, đặc biệt khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có sự phục hồi nhanh chóng. Thực tế, KTVM vẫn tương đối ổn định, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài ít nhiều được thể hiện. Trong đó, lạm phát tương đối ổn định (cơ bản hơn 2%), ở mức có thể chấp nhận trong bối cảnh ưu tiên tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi, TTKT. Mặt khác, tỷ giá ngân hàng thương mại và tỷ giá thị trường tự do nhìn chung ổn định. Trước khả năng phục hồi như hiện nay, CIEM đưa ra hai triển vọng kinh tế năm 2021. Kịch bản thứ nhất mang triển vọng tầm trung với tăng trưởng GDP 5,98%; lạm phát bình quân ở mức 3,51%; tăng trưởng XK 4,23% và thặng dư thương mại (TDTM) được dự báo 5,49 tỷ USD. Kịch bản thứ hai tích cực hơn với chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,46%; lạm phát bình quân ở mức 3,78%; tăng trưởng XK đạt 5,06% và TDTM 7,24 tỷ USD.

Dù hai kịch bản được đánh giá khả quan, song theo Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh, trong bối cảnh Covid-19, những yêu cầu “cải cách, hội nhập và phát triển bền vững” phải có những điều chỉnh nhất định. Hội nhập, cải cách và phát triển bền vững sẽ không thể tiếp tục đi song song, mà phải “bện chặt” với nhau hơn để ứng phó bốn rủi ro mà kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt trong năm 2021. Thứ nhất, khả năng tiếp cận vaccine đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều thách thức. Theo nhận định của các chuyên gia y tế thế giới, thời gian để đưa vaccine phổ biến rộng rãi của các nước sẽ trong khoảng thời gian từ tháng 9-2021 đến tháng 4-2022. Trong đó, Việt Nam được đánh giá nằm trong nhóm sẽ phổ biến vaccine vào tháng 4-2022. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đà phục hồi kinh tế của Việt Nam. Thứ hai, rủi ro phục hồi kinh tế không đồng đều ở các thị trường đối tác cũng sẽ tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam. Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) có thể phục hồi chậm hơn Trung Quốc. Đặt trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay, đây sẽ là thách thức lớn với nền kinh tế quốc dân. Thứ ba, về xu hướng nới lỏng tiền tệ và giảm giá đồng nội tệ ở nhiều nước khác ở châu Á trong bối cảnh dịch Covid-19, Việt Nam đang nằm trong danh sách các nước thao túng tiền tệ do Mỹ đưa ra. Thứ tư, gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại ở các nước nhập khẩu. Việt Nam có khả năng gặp nhiều rủi ro nhất nếu như không kiểm soát được hàng giả, hàng nhái từ Trung Quốc và các nước khác. Do đó, vấn đề phá giá sẽ chỉ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Dù đã có những đánh giá tích cực về khả năng vừa khống chế được dịch bệnh vừa bảo đảm TTKT của Chính phủ trong năm qua, song khi nhìn về triển vọng kinh tế Việt Nam 2021, TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM thẳng thắn chỉ rõ, không nên chủ quan và thỏa mãn với những kết quả hiện tại. Chính phủ vẫn phải đặt nhiệm vụ khống chế dịch bệnh làm trọng tâm vì không khống chế được dịch bệnh sẽ khó có thể phát triển kinh tế.

Về định hướng chính sách, đại diện CIEM khẳng định, thời gian tới Chính phủ cần tiếp tục theo dõi diễn biến dịch Covid-19 và có biện pháp phòng, chống phù hợp. Cải cách kinh tế hậu dịch bệnh cần phải là một phần của Kế hoạch phục hồi, TTKT. Đồng thời, cần phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn... nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh tế và ứng biến linh hoạt với xu hướng quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam cần thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập, không chỉ chủ động thực hiện cam kết trong hiệp định thương mại tự do, mà còn chủ động đóng góp vào xây dựng luật chơi chung của các tổ chức như: UN, WTO, APEC... Để thực hiện được điều này, khối doanh nghiệp (DN) cần nghiêm túc hơn trong công tác cải thiện tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Các nỗ lực này không tách rời, mà là một phần tiên quyết ngay trong kế hoạch phục hồi, TTKT của Việt Nam.

Riêng chính sách tiền tệ, theo CIEM, cần tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, đồng bộ nhằm góp phần ổn định KTVM, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh Covid-19. Theo dõi sát diễn biến tỷ giá đồng USD, NDT, Euro cũng như giá cả một số mặt hàng quan trọng trên thị trường thế giới để điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, chặt chẽ nhằm hạn chế tác động đối với lạm phát và môi trường KTVM của Việt Nam. Giải trình hiệu quả về công tác điều hành tỷ giá đối với Mỹ. Ngoài ra, nghiên cứu khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho các lĩnh vực ưu tiên; đánh giá định lượng việc thực hiện các chính sách hỗ trợ DN và người dân trong bối cảnh Covid-19 để xác định hiệu quả, các vấn đề về quy trình, phạm vi… từ đó có những cân nhắc, điều chỉnh phù hợp yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội.