Chống buôn lậu từ lực lượng chức năng

Năm 2020, đã có hiện tượng các đối tượng buôn lậu chuyển địa bàn hoạt động từ đường mòn, lối mở sang các cửa khẩu chính ngạch (CKCN). Đặc biệt, tình trạng buôn lậu tại một số cửa khẩu chính ngạch đã có sự tiếp tay của cán bộ quản lý. Trước thực trạng này, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) Đàm Thanh Thế khẳng định, năm 2021, Ban Chỉ đạo 389 sẽ đẩy mạnh đấu tranh ngay trong chính nội bộ các lực lượng chức năng.

Kho hàng lậu hơn 10.000 m2 tại TP Lào Cai bị lực lượng chức năng phát hiện.
Kho hàng lậu hơn 10.000 m2 tại TP Lào Cai bị lực lượng chức năng phát hiện.

Đánh giá về nhiệm kỳ 5 năm (2015 - 2020), ông Đàm Thanh Thế cho rằng, từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo 389 đã đấu tranh có hiệu quả, phát hiện xử lý hơn 1,2 triệu vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) hơn 116.963 tỷ đồng, khởi tố hình sự 10.288 vụ và 12.398 đối tượng. Góp phần từng bước kiểm soát, ổn định thị trường, bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng. Riêng năm 2020, Ban Chỉ đạo 389 cùng các bộ, ngành, lực lượng chức năng (LLCN) cả nước đã phát hiện, xử lý 185.461 vụ việc vi phạm (giảm 16,3% so cùng kỳ năm 2019), thu nộp NSNN hơn 24.871 tỷ đồng (tăng 15,39%), khởi tố 2.543 vụ (tăng 28,3%) và 3.502 đối tượng (tăng 49,46%). Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, GLTM, đặc biệt hàng giả hàng nhái, hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ còn diễn biến phức tạp, nhất là các địa bàn trọng điểm. Thực trạng nêu trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như cơ chế chính sách, phối hợp lực lượng, trang bị phương tiện...  Đặc biệt, năm 2020 đã có hiện tượng các đối tượng buôn lậu chuyển địa bàn hoạt động từ đường mòn, lối mở sang các CKCN.

Theo ông Đàm Thanh Thế, thời gian qua các LLCN đã kiểm soát rất chặt chẽ đường mòn, lối mở giữa các tỉnh biên giới, nên tình trạng buôn lậu đã giảm ở nơi đây, nhưng các đối tượng lại chuyển sang buôn lậu ở CKCN. Đặc biệt, hoạt động buôn lậu tại một số CKCN đã có sự tiếp tay của cán bộ quản lý. Điển hình như: vụ án buôn lậu hơn 100 tấn dược liệu ở Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) có liên quan một số cán bộ hải quan. Hay vụ buôn lậu 500 tấn hàng hóa tại Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh) đã có 5 cán bộ hải quan bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.

Trước thực trạng này, năm 2021, Ban Chỉ đạo 389 sẽ đẩy mạnh đấu tranh ngay trong chính nội bộ các cơ quan thực thi. Về triển khai nhiệm vụ năm 2021, từ cuối năm 2020, Ban Chỉ đạo 389 đã ký ban hành ra mắt Tổ Công tác kiểm tra, thực hiện Kế hoạch 399/QĐ-BCĐ 389 về tăng cường chống buôn lậu, GLTM và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) - (Kế hoạch 399). Thực tế, TMĐT năm 2020 phát triển rất mạnh, người dân có xu hướng sử dụng TMĐT trong kinh doanh, mua sắm... Vì vậy, nhiều đối tượng lợi dụng để đưa hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái... và nhằm mục đích trốn thuế, trục lợi.

Về kế hoạch triển khai công tác trong năm 2021 của Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương, Cục trưởng QLTT Trần Hữu Linh cho biết, TMĐT vô cùng tiềm năng trong những năm sắp tới. Nhiều tổ chức nước ngoài cũng đánh giá, năm 2020 giá trị giao dịch TMĐT của Việt Nam đạt khoảng 14 tỷ USD, tăng 46%. Việt Nam nằm trong 10 nước ASEAN có lượng người dùng mới internet chiếm đến 40% dân số. Dự báo năm 2025, TMĐT sẽ đạt giá trị giao dịch lên đến 52 tỷ USD. Quy mô thị trường ngày càng mở rộng thì công việc của lực lượng QLTT sẽ tăng. Khó khăn hiện nay là số lượng cán bộ thực thi nhiệm vụ còn mỏng. Trước đây, cán bộ QLTT rất ngại kiểm tra đối tượng kinh doanh TMĐT do việc xác định mô hình, đối tượng kiểm tra rất khó. Vì vậy, vấn đề con người, kiến thức, kỹ năng để kiểm soát lĩnh vực TMĐT rất quan trọng. Tuy nhiên, năm nay kế hoạch 399 đặt mục tiêu trọng tâm là hướng dẫn LLCN về quy trình kiểm tra TMĐT. Ngoài ra, hiện nay có hai mảng được các đối tượng lợi dụng để kinh doanh hàng lậu, hàng giả qua TMĐT, đó là các công ty chuyển phát giao nhận và bán hàng xuyên biên giới. Vì vậy, cần có sự hợp tác chặt chẽ của các đơn vị liên quan để công tác chống hàng lậu đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Đàm Thanh Thế cho biết thêm, Ban Chỉ đạo 389 đã ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thời gian triển khai từ ngày 20-12-2020 đến 28-2-2021. Cụ thể, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; xây dựng kế hoạch chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu, GLTM, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Cụ thể, các đơn vị LLCN cần xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm, tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới; các chợ đầu mối, trung tâm thương mại... Phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng địa phương và của T.Ư đóng tại địa bàn.

Ban Chỉ đạo 389 cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện và duy trì kiểm soát biên giới chặt chẽ, tăng cường kiểm soát tuyến đường bộ từ biên giới vào nội địa ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tăng cường phòng, chống buôn lậu, GLTM và hàng giả, nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh - trật tự, an toàn xã hội; hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu có điều kiện thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán; đặc biệt chú ý các mặt hàng liên quan phòng, chống dịch Covid-19...