Cổ phần hóa, thoái vốn DNNN

Cần tư duy, cách tiếp cận mới

Từ năm 2016 đến tháng 6-2019, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (DN) đã chuyển 185.000 tỷ đồng là kết quả cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn ở các DN nhà nước (DNNN) về ngân sách nhà nước (NSNN), đạt 74% kế hoạch của Quốc hội (QH) giao cho giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, đến năm 2020, công tác này vẫn khó đạt được mục tiêu thu hút đầu tư xã hội. Đặc biệt, cần có tư duy mới, cách tiếp cận mới cho việc thực hiện cơ cấu lại DNNN.

BIDV là một trong những đơn vị được đề xuất giữ lại hình thức 100% vốn nhà nước. Ảnh: NG.HẢI
BIDV là một trong những đơn vị được đề xuất giữ lại hình thức 100% vốn nhà nước. Ảnh: NG.HẢI

Về kết quả CPH, thoái vốn giai đoạn 2011 - 2020, tại hội thảo về kinh tế nhà nước (KTNN) và cơ cấu lại DNNN: Đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2011 - 2020 và đề xuất phương hướng, giải pháp cho giai đoạn 2021 - 2030 diễn ra mới đây, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM) Phạm Đức Trung cho biết, ước tính có khoảng 750 DNNN sẽ được chuyển đổi thành DN đa sở hữu thông qua CPH trong giai đoạn này. Riêng giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6-2019, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN đã chuyển 185.000 tỷ đồng là kết quả CPH và thoái vốn DNNN về NSNN, đạt 74% kế hoạch của QH giao cho giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, đến năm 2020 vẫn khó đạt được mục tiêu thu hút đầu tư xã hội. Cụ thể, vốn nhà nước chưa thể rút hết để đầu tư vào lĩnh vực, ngành cần tới vai trò của KTNN, DNNN. Vì vậy, chưa đạt được mục tiêu của tái cơ cấu là “DNNN có cơ cấu hợp lý hơn”. Hơn nữa, DNNN cũng bộc lộ không ít bất cập, như hiệu quả đầu tư vốn nhà nước thấp hơn so các thành phần kinh tế khác, các chỉ tiêu về thu NSNN, tạo việc làm... ngày càng giảm; vai trò dẫn dắt, điều tiết hoặc định hướng của DNNN chưa được thể hiện rõ, sức lan tỏa chưa cao; chỉ số quay vòng vốn của DN thấp.

Thực tế, theo kết quả điều tra mức độ sẵn sàng đối với cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) do Bộ Công thương phối hợp CIEM thực hiện, các công nghệ điển hình của CMCN 4.0 chưa được áp dụng phổ biến trong sản xuất, kinh doanh của khu vực DNNN. Minh chứng là chỉ có gần 29% số DNNN đang áp dụng công nghệ điện toán đám mây, hơn 22% số DN có kế hoạch áp dụng và có tới 49% số DN không có kế hoạch hoặc cho rằng không liên quan công nghệ này trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Tương tự, có tới gần 50% số DNNN chưa sẵn sàng với các ứng dụng cung cấp dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu...

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, hơn 10 năm tái cơ cấu, DNNN không thay đổi được căn bản. Khái niệm CPH “mong manh” đến mức: DN chỉ bán 1% cổ phần cũng được coi là CPH xong. Khái niệm CPH không liên quan chuyển đổi nguồn lực, thay đổi cấu trúc sở hữu DN và quản trị. Nên mới có tình trạng CPH nhanh nhưng chuyển đổi sở hữu chỉ 5 - 7%. Thậm chí, đáng lo ngại về một hệ quả nguy hiểm của việc dùng khái niệm CPH là cách viết “DN sau CPH đã hiệu quả hơn”. Vai trò của KTNN cần phải xem xét đến tổng thể nền kinh tế Việt Nam có sự thay đổi nào không. Công lao của KTNN phải được đánh giá bằng toàn bộ nền kinh tế.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung thì cho rằng, cơ cấu lại DNNN là một cuộc cải cách, chúng ta đang loay hoay giải cứu vì chưa có tư duy mới, cách tiếp cận mới. Thực tế, nhiều thứ dưới góc độ hiện nay, sau 30 năm còn không phù hợp, thậm chí có thể là sai, cho nên phải nhận thức lại tất cả mọi thứ về vai trò của DNNN. Các nước khác cũng có DNNN nhưng họ không nói là chủ đạo, có những nước DNNN lớn hơn rất nhiều cũng không phải chủ đạo. Hãy để DNNN thực hiện vai trò tốt nhất của mình. Theo đó, hiệu quả hoạt động, tài chính của DNNN phải đặt lên hàng đầu, tỷ suất lợi nhuận phải tăng lên. Đã đến lúc thay đổi tư duy DNNN, nếu cứ để như hiện nay chỉ loay hoay, luẩn quẩn, giống như “con nhộng lột xác nhưng mới một nửa, chúng ta chuyển sang kinh tế thị trường (KTTT) nhưng cứ dùng dằng, không dứt khoát”. Và tiền thu được từ công tác CPH và thoái vốn phải để đầu tư, tạo ra giá trị, chứ không phải tài sản tiêu dùng.

Đề cập vấn đề vai trò và trách nhiệm của DNNN, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng chia sẻ: “Phải giao nhiệm vụ đủ cao cho DNNN, để chỉ có người tài mới làm được. Đừng giao nhiệm vụ thấp, ai cũng hoàn thành được, bởi nhiệm vụ thấp thì người trình độ thấp cũng hoàn thành, tạo điều kiện cho con ông cháu cha vào DNNN”.

Đại diện nhóm nghiên cứu của CIEM, ông Phạm Đức Trung kiến nghị, giai đoạn tới, quản trị, quản lý và điều hành DNNN phải thật sự theo cơ chế thị trường, trên nguyên tắc kinh doanh. Thực thi nghiêm ngặt kỷ luật tài chính, kỷ luật thị trường. Kiên quyết xử lý và để cho thị trường đào thải DNNN và đội ngũ cán bộ yếu kém, kể cả khi có một số tác động xã hội không mong muốn trong ngắn hạn. Dứt khoát không để cơ hội hình thành các mối quan hệ lợi ích, trục lợi từ vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh bằng cơ chế giám sát từ bên trong lẫn bên ngoài; tách hoàn toàn DNNN ra khỏi các mối quan hệ trực thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân bổ nguồn lực xã hội… Ngoài việc hoàn thiện thể chế KTTT đối với DNNN để đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế, cần đẩy mạnh CPH, thoái vốn, cơ cấu lại sở hữu, ngành nghề của DNNN. Chỉ nên giữ lại hình thức 100% vốn nhà nước đối với một số đơn vị như: Nhà in tiền quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, BIDV, VBSP, Trung tâm Lưu ký chứng khoán...