Cần sự đột phá trong tư duy & thể chế

Việt Nam đang đi đúng hướng trong triển khai cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 (CMCN 4.0) nhưng cần hành động quyết liệt hơn. Chuyển đổi số (CĐS) là một cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Cả nhà quản lý, doanh nghiệp (DN) đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách và trong cách tiếp cận.

Để ứng dụng công nghệ thông tin xuyên suốt, các bộ, ngành phải xây dựng phần mềm ứng dụng cho các địa phương thực hiện.
Để ứng dụng công nghệ thông tin xuyên suốt, các bộ, ngành phải xây dựng phần mềm ứng dụng cho các địa phương thực hiện.

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW (NQ 52) về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Tinh thần của NQ 52 là đặt mục tiêu cao, nhất là mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP năm 2030, để từ đó phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển, giải pháp phải đột phá, Việt Nam sẽ bứt phá vươn lên.

Tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0, các bộ, ngành, địa phương và DN đã thẳng thắn nhìn vào những mặt còn hạn chế khi triển khai CMCN 4.0. Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho rằng, mức độ chủ động tham gia CMCN 4.0 của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập, xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam vẫn ở mức dưới trung bình, Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá năm 2018 đạt 50/100 điểm, xếp hạng 94/140 quốc gia...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, những vướng mắc đang cản trở Hà Nội trong việc triển khai chính phủ điện tử (CPĐT) là khuôn khổ pháp lý vừa thiếu và chưa đồng bộ. Đồng thời, để ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương, bộ, ngành phải xây dựng phần mềm ứng dụng cho các địa phương thực hiện, chứ mỗi địa phương tự làm vừa gây lãng phí, vừa không kết nối được.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, việc triển khai CPĐT, đô thị thông minh (ĐTTM) đang theo hướng “trăm hoa đua nở”, nhất là CPĐT. “Trăm hoa đua nở” có sự tích cực là nhiều kinh nghiệm hay nhưng dẫn đến câu chuyện đến khi phải kết nối, phải đi xa cho bài bản lại tắc nghẽn. Do vậy, cần phải coi phát triển CPĐT và ĐTTM dựa trên mục tiêu kép là “hiệu quả” và tạo ra DN CNTT mạnh để đẩy mạnh công cuộc CĐS quốc gia, từ đó vươn ra toàn cầu.

Trong khi đó, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Lê Đăng Dũng chia sẻ, hạ tầng viễn thông (HTVT) là nền tảng cho CĐS của CMCN 4.0. Việt Nam cần xây dựng HTVT đi trước một bước, qua đó có đầy đủ điều kiện pháp lý để xây dựng mạng 4G và 5G như giấy phép thiết lập mạng, tần số vô tuyến, giấy phép xây dựng hạ tầng thụ động. Cơ quan chức năng cần phải cấp phép nhanh, kịp thời, không nên đặt nặng thu ngân sách, cũng như cân đối giữa các DN theo nguyên tắc DN nào mạnh đi trước, tiếp đó hỗ trợ những DN nhỏ đi sau. Bên cạnh đó, tạo cơ chế cho DN nhà nước thực hiện đầu tư mạo hiểm theo đúng nghĩa chấp nhận mạo hiểm, chứ không phải phức tạp như bây giờ…

Trước những vướng mắc về chính sách, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho rằng, cần nhanh chóng đưa NQ 52 vào cuộc sống để Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so khu vực và thế giới trong cuộc CMCN 4.0. Hiện có ý kiến vẫn tự ti cho rằng CMCN 4.0 là cuộc cách mạng của ai đó, không phải của riêng chúng ta… Vì vậy, NQ 52 ra đời lúc này là rất đúng lúc, định hình và xác định lại tư tưởng để nắm bắt cơ hội CMCN 4.0. Để không bỏ lỡ cơ hội, ngoài những nỗ lực tự thân, Việt Nam cần sự giúp đỡ, hợp tác và chia sẻ của các nước cũng như các DN quốc tế. Với tinh thần xác định “nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá”, Việt Nam mong muốn được mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác về khoa học - công nghệ với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược có trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến, đang đi đầu trong cuộc CMCN 4.0. CMCN 4.0 là cuộc cách mạng về thể chế, từ trước đến nay vẫn có tư duy quản lý theo kiểu không quản được thì cấm. Nếu với tư duy này, chúng ta sẽ là người bị bỏ rơi ở phía sau, cuộc cách mạng sẽ đi qua. Do vậy, các cấp hoạch định chính sách phải thay đổi mạnh mẽ tư duy, nhận dạng quá trình phát triển CMCN 4.0, có bản lĩnh chính trị thích ứng cuộc cách mạng này.

Cùng quan điểm này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, kể cả không có CMCN 4.0, suy cho cùng chúng ta cũng phải quyết tâm thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước. Làm được điều này, chúng ta sẽ đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0. Việt Nam đã đi đúng hướng trong CMCN 4.0 nhưng cần quyết liệt hơn. Ngoài đề án cụ thể, Chính phủ sẽ có chương trình hành động để thực hiện NQ 52. Một trong những đặc trưng của CMCN 4.0 là tính kết nối, hợp tác giữa Chính phủ với các cơ quan của Chính phủ, giữa Chính phủ với DN và người dân; giữa trong nước với thế giới. Điểm quan trọng nhất của CMCN 4.0 là con người. Do vậy, cần con người sẵn sàng tận dụng thời cơ, tránh rủi ro, sẵn sàng thích ứng CMCN 4.0.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, nếu có chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ vượt lên thành nước phát triển. Trong CĐS, cách mạng chính sách thể chế nhiều hơn về công nghệ. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng phải đi nhanh, đi đầu. CĐS quốc gia bao gồm CĐS chính phủ, CĐS DN và CĐS xã hội. Muốn đi nhanh thì Chính phủ phải đi đầu. Khi cuộc cách mạng số, CMCN 4.0 xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nó tạo cơ hội cho các đổi mới, sáng tạo. Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả DN đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận.