Bảo đảm ổn định tỷ giá

Tỷ giá USD/VND đã tăng 2% trong quý I, tuy nhiên đây là mức tăng không quá lớn nếu so sánh tương quan biến động của nhiều đồng tiền khác trên thế giới và khu vực trước tác động của dịch Covid-19. Trên thực tế, giá tiền VND đã tăng trở lại từ đầu tháng 4 đến nay, khiến tỷ giá USD/VND dần ổn định hơn.

Từ đầu tháng 4 tới nay, tỷ giá đã dần ổn định, giá VND đã hồi phục dần. Ảnh: NAM ANH
Từ đầu tháng 4 tới nay, tỷ giá đã dần ổn định, giá VND đã hồi phục dần. Ảnh: NAM ANH

Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố có thể hỗ trợ tỷ giá ổn định, do vậy mức giảm giá của VND dự báo sẽ chỉ ở mức 2 - 3% trong năm 2020, có nghĩa là cơ bản tỷ giá sẽ đi ngang so mức biến động trong giai đoạn gần đây. Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND có diễn biến khá ổn định trong hai tháng đầu năm nay trước khi có đợt tăng mạnh trong tuần cuối tháng 3. Trong khi tỷ giá trung tâm tính đến cuối tháng 3 chỉ tăng 0,3% so cuối năm 2019 thì tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại (NHTM) có mức tăng tới 2%, riêng trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến 31-3, tỷ giá tăng tới 390 đồng (tương đương 1,7%). Diễn biến này khiến cho chênh lệch giữa tỷ giá trung tâm và tỷ giá thực tế mở rộng với biên độ khá lớn, phá vỡ thế “bám sát” của cặp tỷ giá này từ nửa cuối năm 2019.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), đồng USD có xu hướng mạnh lên trên thị trường thế giới là nguyên nhân chính khiến tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng trong giai đoạn cuối tháng 3 vừa qua. Dịch Covid-19 đã khiến thị trường tài chính toàn cầu lao dốc, nhu cầu rút vốn khỏi các tài sản rủi ro và tìm đến các tài sản an toàn gia tăng mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến đà tăng mạnh của USD.

Đứng trước áp lực trên, kết thúc quý I - 2020, đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á đều giảm giá khá mạnh so USD. Cụ thể, theo số liệu thống kê từ BVSC, tính từ đầu năm 2020 đến nay, các đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong số các đồng tiền của các thị trường mới nổi là: đồng rupiah của Indonesia (-19%); bath của Thái-lan (-9,7%); won của Hàn Quốc (-6,4%), rupee của Ấn Độ (-6,3%); đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm 1,8% so USD. Xét trong bối cảnh đó, việc VND chỉ mất giá 2% so USD được xem là chấp nhận được.

Chuyên gia Phân tích vĩ mô Thái Thị Việt Trinh (Công ty Chứng khoán KB Việt Nam - KBSC) cho rằng, chỉ trong vòng hai tuần và tính đến ngày 31-3, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng và chợ đen lần lượt tăng 2% và 2,8%, tiến sát mức biên độ trần, lần đầu kể từ giữa năm 2018. Tuy nhiên, so các quốc gia khác trong khu vực, mức mất giá của VND là tương đối thấp. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự mất giá mạnh của VND là do USD tăng giá sốc của trên thị trường toàn cầu. Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đe dọa gây ra một đợt suy thoái kinh tế trên toàn cầu và các nhà đầu tư đang tìm đến USD như là một kênh trú ẩn an toàn.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 tới nay, nhờ các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ giá đã dần ổn định, giá VND đã hồi phục dần. Theo thống kê của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI, trong tuần gần nhất (từ ngày 13 đến 17-4), tỷ giá giao dịch USD/VND tiếp tục giảm trên cả ngân hàng và tự do. Nếu kể từ đầu tháng 4, VND đã phục hồi gần một nửa mức mất giá so USD trong đợt sóng giảm 2% trong nửa cuối tháng 3. Cung - cầu ngoại tệ trong nước vẫn ổn định, chênh lệch lãi suất VND/USD duy trì ở mức cao và tình hình kiểm soát dịch bệnh trong nước khả quan… là các yếu tố hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá USD/VND.

Bà Thái Thị Việt Trinh cho rằng, VND trong năm 2020 sẽ duy trì mức mất giá khoảng 2,5%, do cung - cầu ngoại tệ trong thị trường thay đổi theo chiều hướng thiếu hụt USD dưới tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng đồng VND sẽ không bị phá giá mạnh nhờ các yếu tố vĩ mô được cải thiện và biện pháp quản lý của NHNN đã mang tính thị trường hơn. Nguồn cung ngoại tệ trong năm 2020 sẽ bị giới hạn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã tạo ra cú sốc cung và cầu trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, ước tính cán cân vãng lai sẽ chuyển sang thâm hụt khoảng 0,2% GDP trong năm 2020. Trong khi đó, kinh tế thế giới suy giảm sẽ khiến dòng tiền kiều hối và FDI tăng trưởng chậm hơn so năm 2019. Cùng với đó, nhu cầu về đồng USD tăng cao trong năm 2020, đặc biệt là ở các quốc gia mới nổi khi các nhà đầu tư lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu khiến áp lực rút vốn tăng mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có hai điểm tích cực khiến kỳ vọng đồng VND sẽ không mất giá mạnh. Theo đó, dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là FDI và các khoản đầu tư dài hạn, song ít đầu tư trên thị trường trái phiếu; nên rủi ro mất thanh khoản USD do không có khả năng trả nợ là thấp so các nước trong khu vực. Mặt khác, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện lên tới 83 tỷ USD, tương đương khoảng 3,8 tháng nhập khẩu và 30% GDP - đây là mức tương đối khá để NHNN có đủ dư địa can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Các chuyên gia của BVSC cũng cho rằng, về cơ bản, không để VND mất giá quá mạnh vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong mục tiêu tổng thể là ổn định kinh tế vĩ mô. Vì thế, BVSC duy trì dự báo mức mất giá của VND trong năm 2020 sẽ chỉ trong khoảng 2 - 3%. Về tổng thể, cung - cầu ngoại tệ trong nước vẫn ở trạng thái ổn định. Để bình ổn thị trường, NHNN đã phát đi thông điệp sẵn sàng bán ngoại tệ quy mô lớn. Với dự trữ ngoại hối như hiện nay, NHNN có đủ tiềm lực và kinh nghiệm để ổn định thị trường, tỷ giá nhiều khả năng sẽ đi ngang trong vùng hiện tại, trừ khi có những thay đổi lớn về bối cảnh dịch bệnh trong nước.