Bảo đảm nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn

Trong bối cảnh nhiều yếu tố đang tác động đến hoạt động cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn tại doanh nghiệp (DN), khả năng hoàn thành kế hoạch nộp tiền thu từ CPH, thoái vốn từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN (Quỹ) về ngân sách nhà nước (NSNN) gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa nộp số thu từ CPH, thoái vốn với số tiền 1.544 tỷ đồng. Một số tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) chưa xác định đầy đủ các khoản phải nộp về Quỹ; chậm bàn giao, thu nộp về Quỹ khi chuyển sang công ty cổ phần (CTCP).

Kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác cổ phần hóa.
Kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác cổ phần hóa.

Theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 (NQ 26) của Quốc hội (QH), trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn thu từ CPH nộp về NSNN để phục vụ đầu tư trung và dài hạn là 250 nghìn tỷ đồng.

Trong năm 2019, Bộ Tài chính đã chuyển 50 nghìn tỷ đồng và tám tháng năm 2020 đã chuyển 6.500 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN vào NSNN. Lũy kế từ năm 2016 đến tháng 6-2020, đã có 211.500 tỷ đồng được chuyển từ Quỹ vào NSNN, đạt 85% kế hoạch. Như vậy, trong năm 2020, số còn lại phải chuyển từ Quỹ vào NSNN theo NQ 26 là 38.500 tỷ đồng. Dự kiến, trong trường hợp thực hiện thành công việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco và Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP trong quý III-2020 (về tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc CPH, thoái vốn nhà nước tại DN), thì nguồn thu CPH, thoái vốn năm 2020 là 42.200 tỷ đồng. Thậm chí, con số này có thể đạt hơn 45 nghìn tỷ đồng nếu các bộ, ngành T.Ư, địa phương quyết liệt chỉ đạo triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn theo đúng lộ trình cùng với xu hướng phục hồi của thị trường tài chính, chứng khoán.

Tuy nhiên, tình hình CPH, thoái vốn khá chậm trong giai đoạn 2016 - 2019 và tám tháng năm 2020 khiến việc triển khai thực hiện CPH, thoái vốn đối với các DN theo kế hoạch trong bốn tháng còn lại của năm 2020 khó khả thi, từ đó ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành kế hoạch chuyển từ Quỹ về NSNN. 

Nhằm đẩy nhanh lộ trình CPH, thoái vốn từ nay đến hết năm 2020, mới đây Bộ Tài chính đã kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ kịp thời nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và CPH các DN nhà nước (DNNN). Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khẩn trương xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thoái vốn để bảo đảm nguồn thu từ CPH, thoái vốn nộp vào NSNN theo yêu cầu của QH trên nguyên tắc công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường, mang lại hiệu quả, lợi ích cao nhất cho Nhà nước...

Hiện nay, có khá nhiều nguyên nhân đang tác động đến hoạt động CPH, thoái vốn tại DN. Cụ thể, tại Hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ ra gồm: Chậm sửa đổi quy định về CPH, thoái vốn; một số bộ, ngành, địa phương, TĐ, TCT nhà nước và DNNN chưa quyết liệt; chưa chủ động hoặc chưa tham mưu, đề xuất với Thủ tướng để tháo gỡ các vướng mắc; vẫn còn hiện tượng “không dám làm, không dám chịu trách nhiệm”... Bên cạnh đó, nguyên nhân bất khả kháng là dịch Covid-19 cũng đã gây ra nhiều hệ lụy khiến cho hoạt động CPH, thoái vốn tại DN vốn đã chậm, ì ạch nay càng “bế tắc” hơn.

Không chỉ vậy, chiều 16-9, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ QH về kết quả thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số NQ trong nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc đã cho biết, thực hiện NQ số 60/2018/QH14 của QH, KTNN đã kiểm toán việc quản lý và sử dụng Quỹ giai đoạn 2011 - 2017 tại Bộ Tài chính, 24 TĐ, TCT nhà nước và một số địa phương. Kết quả kiểm toán cho thấy, công tác quản lý, sử dụng Quỹ cơ bản được các đơn vị thực hiện theo quy định. Trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, đề nghị các địa phương quyết toán và chỉ đạo các đơn vị liên quan nộp tiền về Quỹ theo quy định. Số dư Quỹ tại SCIC và tại các công ty mẹ của TĐ, TCT nhà nước đến 31-12-2017 là 112.513 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số địa phương chưa nộp số thu từ CPH, thoái vốn của các TCT trực thuộc UBND tỉnh, thành phố đến ngày 31-12-2017 với số tiền 1.544 tỷ đồng. Một số TĐ, TCT chưa xác định đầy đủ các khoản phải nộp về Quỹ; sử dụng Quỹ không đúng quy định; chậm bàn giao, thu nộp về Quỹ khi chuyển sang công ty CP.

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị Bộ Tài chính thu hồi về Quỹ 3.536 tỷ đồng, thu hồi các khoản nợ tồn đọng 1.218 tỷ đồng; đề nghị QH xem xét ban hành NQ về quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi sở hữu DNNN, thoái vốn nhà nước tại DN bảo đảm thu đầy đủ, kịp thời và sử dụng hiệu quả Quỹ. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị tăng thu 577 tỷ đồng và xử lý tài chính khác 791 tỷ đồng; xử lý, xem xét thu hồi nếu đủ điều kiện theo quy định đối với ba thửa đất và 7.591.427 m² đất...

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc khẳng định, trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, giai đoạn từ năm 2016 đến 2019, kết quả kiểm toán cho thấy công tác quản lý và sử dụng đất đã có những biến chuyển tích cực, chặt chẽ và hiệu quả hơn, nguồn thu về đất đã chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu NSNN và là một nguồn lực quan trọng cho phát triển, song tại một số địa phương còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN 5.749,2 tỷ đồng, xử lý khác 6.054,6 tỷ đồng; kiến nghị các đơn vị có liên quan khắc phục, kiểm điểm, chấn chỉnh rút kinh nghiệm đối với các hạn chế, vướng mắc đã được chỉ rõ trong các báo cáo kiểm toán.