Bảo đảm lợi ích kinh tế của đất nước

Xu hướng cán cân vãng lai thặng dư lớn đang tạo áp lực lên tiền đồng Việt Nam (VND). Việc VND tăng giá sẽ tăng sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu (NK) và giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu (XK), giảm đà phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc VND có xu hướng tăng cũng là điều kiện thuận lợi để hạ mặt bằng lãi suất (MBLS) tại Việt Nam xuống ngang với lãi suất của các nước trong khu vực.

Lãi suất giảm sẽ góp phần tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: NAM HẢI
Lãi suất giảm sẽ góp phần tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: NAM HẢI

Tại cuộc họp chính sách định kỳ đầu tháng 11-2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố vẫn giữ nguyên chính sách lãi suất cơ bản 0 - 0,25%/năm ít nhất tới năm 2023 và duy trì mua vào trái phiếu (120 tỷ USD/tháng). Cộng hưởng với tâm lý tích cực sau kết quả bầu cử tổng thống ở Mỹ, USD đã giảm giá mạnh, đẩy giá vàng và trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao. Chỉ số đo lường giá trị đồng USD so với rổ tiền tệ khác đã lùi sâu về mức 92,2, tất cả các đồng tiền đều tăng giá mạnh so USD trong tuần qua: EUR (+1,95%), GBP (+1,61%), JPY (+1,25%)...

Trên thị trường ngoại hối trong nước, tỷ giá USD/VND niêm yết của các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn giữ nguyên ở mức 23.060 - 23.270 đồng/USD, còn trên thị trường tự do giảm về mức 23.160 - 23.200 đồng/USD (tức giảm 105 đồng/USD) theo diễn biến của USD trên thị trường quốc tế. Cung - cầu ngoại tệ trong nước vẫn khá thuận lợi và tỷ giá USD/VND cũng được dự báo ổn định trong ngắn hạn.

Một chuyên gia cho biết, các yếu tố tác động lên lãi suất USD có xu hướng hỗ trợ sự ổn định của MBLS. Thanh khoản USD trong nước dồi dào khi chênh lệch huy động - cho vay USD vẫn duy trì ở mức cao nhất trong nhiều năm qua. Tính từ đầu năm đến nay, tăng trưởng huy động USD ước đạt khoảng 8%, trong khi cho vay USD có xu hướng giảm nhẹ khoảng 1%. Lãi suất USD các kỳ hạn qua đêm, kỳ hạn một tuần có xu hướng đi ngang ở mức thấp, từ 0,1 - 0,3%/năm. Giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng 10-2020 đạt khoảng 23.000 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 15% so giá trị giao dịch bình quân của tháng trước. Các giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở kỳ hạn qua đêm, kỳ hạn một tuần (chiếm khoảng 90% tổng khối lượng giao dịch).

Về xu hướng thời gian tới, một nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV nhận định, trong tháng 11-2020, thanh khoản USD liên NH duy trì sự ổn định với lãi suất bình quân quanh mức 0,1 - 0,3%/năm kỳ hạn qua đêm, kỳ hạn một tuần và 0,7 - 0,9/năm kỳ hạn ba tháng khi các yếu tố tác động nhìn chung chưa có nhiều thay đổi so tháng trước. Cung - cầu ngoại tệ thuận lợi trong nước vẫn sẽ là điểm tựa vững chắc cho xu hướng ổn định của tỷ giá USD/VND trong biên độ 23.175 - 23.200 đồng/USD. Nguồn cung ngoại tệ từ hoạt động xuất, nhập khẩu và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến tiếp tục duy trì ở mức lạc quan, đạt khoảng 1,5 tỷ USD đối với mỗi cấu phần. Cán cân cung - cầu ngoại tệ qua đó dự kiến sẽ thặng dư nhẹ khoảng 0,5 tỷ USD. Rủi ro lớn nhất đối với tỷ giá trong nước có thể đến từ yếu tố bên ngoài với khả năng dịch bệnh tiếp tục lây lan trên toàn cầu và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ không thể kết thúc trong trật tự. Tuy nhiên, nhiều yếu tố vĩ mô tích cực đang khiến rủi ro này mờ dần.

Phó Tổng giám đốc VIB ông Lê Quang Trung cho rằng, thị trường đón nhận tin tốt với hãng dược phẩm Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech vừa công bố kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine của Pfizer cho hiệu quả phòng ngừa hơn 90% sau liều tiêm thứ hai trong một tuần. Đây là thông tin để xác định đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu với hy vọng sẽ phục hồi và Việt Nam là quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt thời gian qua, kinh tế vĩ mô (KTVM) ổn định cùng thông tin tốt về vaccine, tỷ giá sẽ ổn định trong những tháng cuối năm 2020 và sẽ chỉ tăng trong tương lai.

Theo ông Lê Quang Trung, thặng dư thương mại của Việt Nam qua các năm tăng rất tích cực, đặc biệt với hơn 17 tỷ USD trong 10 tháng năm 2020 và dự trữ ngoại hối có thể đạt tới 100 tỷ USD vào cuối năm nay. Thực tế, với việc tỷ giá duy trì sự ổn định khi cung - cầu ngoại tệ trong nước dồi dào, các NHTM cũng ghi nhận bán trở lại ngoại tệ về Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam với khối lượng ước tính khoảng 0,8 - 1 tỷ USD trong một vài phiên vừa qua. Tất cả những yếu tố trên đang hỗ trợ VND và theo đó, lạm phát năm nay có thể được kiểm soát ở mức dưới 3%, thấp hơn mục tiêu ban đầu là dưới 4%. Điều này có nghĩa, dư địa ổn định vĩ mô là có. Mặt khác, do xu thế dịch chuyển sản xuất, chuỗi cung ứng, đầu tư ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những quốc gia đón nhận dòng vốn này. Về cơ bản, yếu tố này sẽ giúp KTVM của Việt Nam tiếp tục ổn định, VND tiếp tục tăng giá. 

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế T.Ư nhận định, xu hướng cán cân vãng lai thặng dư lớn đang tạo áp lực lên VND. Việc VND tăng giá sẽ tăng sức cạnh tranh của hàng NK và giảm sức cạnh tranh của hàng XK, nên làm giảm đà phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc VND có xu hướng tăng cũng là điều kiện thuận lợi để hạ mặt bằng lãi suất tại Việt Nam xuống ngang với lãi suất của các nước trong khu vực, mà không phải lo ngại về tình trạng “đô-la hóa”. Lãi suất giảm sẽ bù đắp khả năng cạnh tranh cho các DN Việt Nam trong bối cảnh VND tăng giá. Khi nền kinh tế phục hồi, các dòng vốn FDI dự kiến sẽ chảy mạnh hơn vào Việt Nam, cán cân vãng lai tiếp tục thặng dư. Để tránh trường hợp gia tăng sức ép lên chính sách tỷ giá thì ngay từ bây giờ cần cân nhắc khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích lâu dài của đất nước.