Bài toán về nguồn nguyên phụ liệu

Đại dịch Covid-19 bùng phát với những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành hàng, lĩnh vực. Đặc biệt đã bộc lộ rõ hạn chế của các lĩnh vực như: Dệt may, da giày, gỗ, điện tử, sản xuất, lắp ráp ô-tô… Những ngành này tuy luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu (KNXK) nhưng cũng đang phụ thuộc chủ yếu vào việc nhập khẩu (NK) nguyên phụ liệu (NPL). Điều này ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh...

Ngành dệt may rơi vào khó khăn khi không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu. Ảnh: NAM ANH
Ngành dệt may rơi vào khó khăn khi không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu. Ảnh: NAM ANH

Rất nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may đang trong tình trạng “ngồi trên đống lửa” vì đối tác cung cấp NPL không thể giao hàng, làm ảnh hưởng 20 - 30% năng lực sản xuất toàn ngành. Tương tự, các ngành giày da, công nghiệp điện tử, ô-tô, thép… cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn cung linh kiện, phụ kiện đầu vào.

PGS, TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương chỉ rõ, chúng ta phát triển được các mặt hàng XK chủ lực như: dệt may, da giày, gỗ... thì cũng vấp phải các vấn đề về nguồn NPL. Đơn cử, năng lực sản xuất đồ gỗ XK của Việt Nam rất lớn và khả năng về mặt kỹ thuật rất cao, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ... Thế nhưng, gỗ nguyên liệu để sản xuất hàng XK phải thỏa mãn các yêu cầu của thị trường hiện đại, chẳng hạn phải có chứng chỉ rừng. Đây là vấn đề vô cùng nan giải, đòi hỏi các biện pháp căn cơ và dài hạn. Vì thế vẫn phải NK để có được nguồn nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm gỗ XK.

Chia sẻ quan điểm này, theo Thứ trưởng Thường trực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, hiện nay nguồn nguyên liệu gỗ trong nước còn phụ thuộc nhiều vào NK, trong khi việc kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp chưa được chặt chẽ. Chính vì vậy, trong thời gian tới để đạt được mục tiêu XK hơn 15 tỷ USD, ngành gỗ phải giải quyết tốt vấn đề nguồn nguyên liệu, nhất là tránh những rủi ro về nguồn gỗ NK phải có tính hợp pháp theo quy định.

Tương tự với ngành dệt may, da giày, mặc dù là những ngành nằm trong tốp có KNXK cao, nhưng NPL dùng để sản xuất các ngành hàng này chủ yếu NK từ Trung Quốc. Chính vì phụ thuộc quá nhiều NPL vào thị trường Trung Quốc nên khi dịch Covid-19 xảy ra, ngành dệt may, da giày rơi vào khó khăn khi không chủ động được nguồn NPL. Báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, trong ba tháng đầu năm 2021, tổng KNXK hàng dệt may đạt 8,85 tỷ USD, tăng 5,59% so cùng kỳ năm ngoái, nhưng tổng KNNK NPL đạt 5,11 tỷ USD, tăng 10,15% so cùng kỳ.

Nhìn nhận về con số này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, năng lực sản xuất hàng dệt may của Việt Nam rất lớn vì nguồn nhân công dồi dào, chịu khó, tiếp thu kiến thức đào tạo tốt, giá nhân công không quá đắt. Nhưng XK hàng dệt may động chạm vấn đề nguyên liệu đầu vào, trước hết là vải. Thời gian qua, ngành dệt may đã tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ (CNPT) khá tốt, giải quyết các vấn đề về sợi, vải. Về lượng chúng ta dư dả, nhưng vấp phải các vấn đề về cơ cấu vì yêu cầu mặt hàng vải cho dệt may, đặc biệt là những nguyên liệu cho dệt may cũng vô cùng tỉ mỉ, phức tạp. Do vậy, Việt Nam phải dựa vào thị trường nước ngoài. Ngoài ra, một số ngành công nghiệp chủ lực khác như điện tử, sản xuất, lắp ráp ô-tô, thép... cũng đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp NPL, linh kiện nhập khẩu. Do đó, khi dịch Covid-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng, những ngành này cũng đối mặt rất nhiều khó khăn.

Việc phụ thuộc vào NPL NK là mối nguy tiềm ẩn cho hoạt động sản xuất trong nước. Để giải quyết mối nguy này, một trong những giải pháp cấp thiết hiện nay là phải phát triển CNPT. Thế nhưng, sau hơn 20 năm với nhiều “quyết tâm”, năng lực của ngành CNPT vẫn hạn chế, chưa như kỳ vọng. Quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của DN Việt Nam cũng chậm, kém hiệu quả. Điều này được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết, khi rất nhiều DN rơi vào tình cảnh khó khăn vì thiếu NPL đầu vào cho sản xuất vì đại dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng khiến việc kết nối với các thị trường cung cấp NPL bị gián đoạn.

Theo số liệu tổng hợp từ Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), tại Việt Nam: 60% vải nguyên liệu phải NK từ Trung Quốc; 42% linh kiện điện tử phải NK từ Hàn Quốc; hơn 64% phụ tùng, linh kiện ô-tô phải NK từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Vì vậy, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Hàn Quốc, rất nhiều nhà sản xuất trong nước gặp khó khăn khi chuỗi cung ứng hàng hóa đột ngột gián đoạn. Mặc dù thời gian qua đã có không ít những chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển của CNPT, nhưng theo các DN, phần lớn các chính sách này chỉ mang ý nghĩa động viên về tinh thần do rất khó tiếp cận. 

Thế nên, rất ít DN trong nước đầu tư vào lĩnh vực CNPT, hoặc nếu có đầu tư thì phần lớn cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài do sản phẩm CNPT còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong sản phẩm. Do đó, một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về chính sách phát triển CNPT để thu hút đầu tư nguồn lực xã hội vào phát triển CNPT.

Trong đó, quan trọng nhất là thu hút đầu tư các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và các nhà cung cấp cụm linh kiện, linh kiện lớn trên thế giới, đặc biệt là các DN đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu phục vụ thị trường trong nước và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa phục vụ các DN XK hưởng ưu đãi thuế quan khi đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội địa. Chỉ có  như vậy, Việt Nam mới có thể từng bước “tự chủ” được nguồn cung NPL cho sản xuất.