Mía nguyên liệu “tìm đường” về nước

Mặc dù đã vào vụ thu hoạch hơn một tháng nay nhưng nhiều người dân thuê đất tại Campuchia để trồng mía theo chương trình hợp tác giữa tỉnh Tây Ninh với tỉnh bạn đang đứng ngồi không yên khi hàng trăm nghìn tấn mía đang “kẹt” đường về nước bởi dịch Covid-19. Người dân và Hiệp hội những người trồng mía Tây Ninh đã có văn bản cùng nhiều kiến nghị gửi đến các cấp chính quyền tỉnh Tây Ninh về hiện trạng này.

Cơ giới hóa đồng bộ được người trồng mía Việt Nam đầu tư tại Campuchia.
Cơ giới hóa đồng bộ được người trồng mía Việt Nam đầu tư tại Campuchia.

Người trồng mía đang “khóc” ròng

“Anh xem có cách nào cứu em không”, đó là lời nhắn chúng tôi nhận được từ một nông dân đang trồng hàng trăm ha mía tại Campuchia vào ngày 30-12-2020. Đây không phải lần đầu mà trước đó, giữa tháng 12-2020 nhiều nông dân trồng mía đã phản ánh với chúng tôi thông tin với nội dung tương tự. Mong muốn chung của họ là làm sao đưa những cây mía mình trồng về nhà máy đường trong nước.

Từ tháng 9-2011, tỉnh Tây Ninh và tỉnh Svay Riêng của nước bạn Campuchia đã thống nhất chủ trương hợp tác để doanh nghiệp và người dân địa phương được thuê đất trồng mía dọc tuyến biên giới. Đến nay, đã có hàng chục hộ dân, doanh nghiệp, HTX tại Tây Ninh đẩy mạnh việc tìm kiếm, thuê đất trồng mía với mô hình cánh đồng lớn. Tổng diện tích mía vụ thu hoạch năm 2020 - 2021 mà bà con nông dân thuê đất trồng tại Svay Riêng là 4.415 ha.

Mía trồng tại nước bạn đến nay đã chín rộ, đặc biệt đất trồng mía ở Svay Riêng khô rất nhanh; nếu thu hoạch cũng trễ thì năng suất và trữ đường sẽ giảm. Tất cả nông dân đã thuê đất trồng mía tại Campuchia hiện đang đứng ngồi không yên. Chính vì vậy, Hội người trồng mía Tây Ninh đã kiến nghị lãnh đạo tỉnh Tây Ninh có chính sách kịp thời về việc vận chuyển mía nguyên liệu từ  Campuchia về Nhà máy đường TTC - Biên Hòa Tây Ninh. Hiện nay, với việc vận chuyển mía nguyên liệu từ Campuchia về nhà máy trong nước, UBND tỉnh Tây Ninh chỉ cho phép đi qua hai cửa khẩu chính: Mộc Bài và Phước Tân. Nhưng người dân thuê đất trồng mía tại Svay Riêng gần sát biên giới Việt Nam và Campuchia, nếu vận chuyển về hai cửa khẩu nêu trên thì quá xa (hơn 20 km), đi qua nhiều khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Do đó, Hội người trồng mía tỉnh Tây Ninh kiến nghị UBND tỉnh cho phép mở hai cửa khẩu phụ ở Long Phước và bến Năm Chi để đưa mía về. Chi phí mở hai cửa khẩu phụ, phun thuốc tẩy độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh và các chi phí khác, Ban Chấp hành Hội người trồng mía và nông dân đứng ra chi trả, chịu trách nhiệm đối với các cơ quan chức năng ở hai cửa khẩu phụ nói trên.

Theo tính toán của người thuê đất trồng mía thì năng suất mía năm nay tại Campuchia dự kiến đạt khoảng 50 tấn/ha. Theo đó, đang có khoảng hơn 220 nghìn tấn mía của người dân đang “mắc kẹt” tại Campuchia chưa tìm được “đường về”.

Cần tìm lối thoát cho nông dân

Ngày 21-12-2020, Sở Công thương tỉnh Tây Ninh với vai trò là đơn vị tham mưu sau khi tiếp thu ý kiến của các ban, ngành đã có tờ trình số 3131/TTr-SCT gửi UBND tỉnh Tây Ninh về việc hỗ trợ DN vận chuyển nông sản sau thu hoạch về Tây Ninh niên vụ 2020 - 2021. Theo đó, Sở Công thương kiến nghị UBND tỉnh Tây Ninh cho triển khai thực hiện ba phương án:

Phương án 1: Cho phép tài xế và phụ xe (nếu có) được theo xe vận chuyển sang khu vực trồng mía ở Campuchia vận chuyển mía về Tây Ninh. Theo đó, tài xế sẽ được mặc đồ bảo hộ y tế và phương tiện của Tây Ninh (Việt Nam) sẽ được niêm phong cửa xe, tài xế không xuống xe khi sang Campuchia để thu hoạch và vận chuyển nông sản sau thu hoạch về Tây Ninh (Phương án này đã được phía tỉnh Svay Riêng thống nhất tại biên bản họp song phương giữa Tổ công tác chuyên môn tỉnh Tây Ninh và tỉnh Svay Riêng ngày 1-12-2020).

Phương án 2: Đổi đầu kéo và sử dụng rơ-móc của phía Campuchia: Tại vị trí km số 0, tài xế phía Campuchia sử dụng đầu kéo Campuchia tiếp nhận rơ-móc Campuchia hoặc rơ-móc Việt Nam đi vào vùng nguyên liệu tiếp nhận mía, sau đó quay lại vị trí km số 0 để tài xế Việt Nam sử dụng đầu kéo Việt Nam tiếp nhận rơ-móc có mía và vận chuyển mía về nhà máy. Tài xế ngồi trên đầu kéo, không xuống xe và không tiếp xúc với tài xế Campuchia.

Phương án 3: Tài xế Việt Nam điều khiển phương tiện của Việt Nam đến biên giới, đổi tài xế không tiếp xúc, tài xế Campuchia đưa phương tiện sang khu vực biên giới của Campuchia vận chuyển nguyên liệu và đưa xe quay trở lại cửa khẩu; phương tiện vận tải được cơ quan y tế phun thuốc khử trùng, sát khuẩn trước khi đổi tài xế Việt Nam; thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa theo quy định (nếu có) và vận chuyển nguyên liệu về nhà máy.

Thời gian mở và đóng cửa khẩu từ 5 giờ đến 17 giờ hằng ngày. Nếu tạo điều kiện cho DN thì chỉ cho phép mở cửa đến 19 giờ hằng ngày. 

Hiện nay, vùng nguyên liệu chủ yếu của nhiều DN đều tập trung tại khu vực bên kia biên giới đối diện với các cửa khẩu phụ, tuyến đường qua lại biên giới ngoài các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính nên việc vận chuyển qua các tuyến đường nằm ngoài khu vực cửa khẩu đã công bố gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Sở Công thương Tây Ninh kiến nghị UBND tỉnh Tây Ninh cho phép các DN tiếp tục vận chuyển nông sản sau thu hoạch về Tây Ninh qua cửa khẩu phụ Phước Long và tuyến đường Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòa Hiệp như niên vụ trước (hai địa điểm này được Ban Hành chính tỉnh Svay Riêng đồng ý tại Công văn số 083/20 ngày 15-6-2020).

Đại diện một DN đang ký hợp đồng thuê hơn 700 ha đất trồng mía tại Campuchia cho biết: “Việc vận chuyển mía qua cửa khẩu Long Phước đã ổn định 10 năm nay. Giờ nếu phải vận chuyển mía qua cửa khẩu Phước Tân thì mất thêm khoảng 27 km, lại phát sinh nhiều thủ tục cả từ phía nước ta và nước bạn. Chi phí nhập khẩu về cửa khẩu Long Phước mấy năm trước chỉ mất 300 nghìn đồng/xe mía nhưng nếu về cửa khẩu Phước Tân mất hơn 950 nghìn đồng/xe, chưa kể các chi phí phát sinh như kiểm dịch, hải quan... Tổng chi phí sẽ khoảng 1,15 triệu đồng/xe. Quan trọng nhất là không có xe nào chịu chạy”. Trong khi đó, theo Thông báo của TTC - Biên Hòa ngày 2-12-2020 thì từ ngày 20-12-2020 đến trước Tết Nguyên đán, giá thu mua mía từ Campuchia là 850 nghìn đồng/tấn/10 CCS. Với giá mía này cùng với những khoản chi phí nêu trên thì người trồng mía chắc chắn tiếp tục lỗ.