Giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Ngày 28-10, HDBank công bố chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) khi từ nay đến cuối năm 2020 tiếp tục giảm lãi suất vay Gói Swift SME 5.000 tỷ đồng, còn chỉ từ 6,2%/năm. 

Giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo thống kê, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong sáu tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29.200 đơn vị, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chủ yếu kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, đại lý du lịch, giáo dục và đào tạo, thương mại… Nhóm này thuộc các ngành bị tác động nặng nề nhất và chiếm tới 94% - 97% số doanh nghiệp gặp khó khăn. 

Khách hàng tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ thủ tục xét duyệt hồ sơ chuẩn hóa, kết quả nhanh chóng trong ngày. Bên cạnh lãi suất ưu đãi, HDBank linh hoạt hỗ trợ nhiều lợi ích khác như miễn, giảm nhiều loại phí... giúp doanh nghiệp SME giảm thấp nhất chi phí, tăng hiệu quả giá rẻ của gói vay.

Dự toán thu ngân sách năm 2021 khoảng hơn 1.343.300 tỷ đồng

Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến, chuẩn bị trình Chính phủ trình Quốc hội. Theo đó, dự toán thu cân đối NSNN năm 2021 là 1.343.300 tỷ đồng, tăng 1,5% so ước thực hiện năm 2020, giảm 11,1% so dự toán năm 2020. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,5% GDP điều chỉnh, trong đó từ thuế, phí khoảng 13% GDP. Dự kiến dự toán chi cân đối NSNN năm 2021 là 1.687.000 tỷ đồng, thấp hơn 60.100 tỷ đồng so dự toán năm 2020. Tỷ lệ bội chi NSNN năm 2021 dự kiến khoảng 4% GDP điều chỉnh (tương ứng 343.670 tỷ đồng). Đến hết năm 2021, dự kiến dư nợ công khoảng 46,1% GDP điều chỉnh, dư nợ Chính phủ khoảng 41,9% GDP điều chỉnh. 

Thứ tự ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước năm 2021

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương về việc phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021. Theo đó, việc bố trí vốn NSNN năm 2021 phải bảo đảm theo các thứ tự ưu tiên. Thứ nhất, ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có); thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án (DA) đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025; bố trí đủ vốn đối ứng cho các DA ODA và các DA có khả năng hoàn thành trong năm 2021 để phát huy hiệu quả đầu tư… Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ trên, mới bố trí vốn cho các DA khởi công mới.