Chủ động, tích cực trong lộ trình phát triển bền vững

Tại cuộc họp Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông báo kết luận nêu rõ, năm 2015, LHQ đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững với 17 nhóm gồm 169 mục tiêu cụ thể.

Ảnh: BAOCHINHPHU.VN
Ảnh: BAOCHINHPHU.VN

Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia và đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là bốn nhóm mục tiêu: Nạn đói cơ bản giải quyết; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 10% năm 2015 còn dưới 3% năm 2020; chất lượng giáo dục và đào tạo được cải thiện và được xếp hạng khá cao; chiến lược và kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ và phát triển rừng, năng lượng sạch, ứng phó thảm họa được quan tâm chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả; hợp tác quốc tế một cách chủ động, tích cực và hiệu quả.

Việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trong các ngành, lĩnh vực đã đóng góp tích cực vào cải thiện thứ hạng phát triển bền vững của Việt Nam (từ hạng 88 năm 2016 lên hạng 49 năm 2020).

Quy định mới về xúc tiến thương mại trên môi trường mạng

Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 40/2020/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2019/TT-BCT hướng dẫn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại. Theo đó, sửa đổi, bổ sung quy định về “tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường mạng” như sau: Thứ nhất, hỗ trợ xây dựng khu vực trưng bày, giới thiệu hàng hóa xuất khẩu trên sàn giao dịch thương mại điện tử; thứ hai, quy định về việc tham gia gian hàng của các hội chợ, triển lãm quốc tế trên môi trường mạng; thứ ba, quy định về việc tổ chức và nguồn kinh phí hỗ trợ khi tổ chức hội chợ, triển lãm trên môi trường mạng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-1-2021.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng

Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), trong nhiệm kỳ 5 năm của Quốc hội (QH) khóa XIV, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, hai vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của QH, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Trong năm 2020, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 14.000 xe quá tải

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, năm 2020, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định, thanh tra các Sở Giao thông vận tải, thanh tra các Cục Quản lý đường bộ đã phát hiện và xử lý 14.000 xe vi phạm, tước hơn 5.400 giấy phép lái xe, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 160 tỷ đồng. Trong năm 2021, để tiếp tục kiểm soát xe quá tải, ngoài đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, cơ quan này sẽ lập và triển khai đề án kiểm soát tải trọng bằng hệ thống cân tự động đối với phương tiện giao thông đường bộ.