Xu hướng dài hạn

Bất chấp tình hình dịch Covid-19, những thương vụ sáp nhập, mua bán (M&A) mới do nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) thực hiện với DN trong nước vẫn liên tục được công bố trong thời gian gần đây. Dự báo xu hướng M&A trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều khả năng sẽ còn gia tăng mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, trước bối cảnh nhiều DN Việt Nam lao đao và khó khăn sau dịch bệnh.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, tính chung trong bốn tháng đầu năm, số lượt góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN vẫn tăng 32,9%, đạt hơn 3.200 lượt. Đây là con số rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh khiến phần lớn các hoạt động kinh tế chững lại. Một số thương vụ có thể kể đến như: Super Energy mua lại cụm nhà máy điện mặt trời tại Bình Thuận; SCG muốn mua lại Bao bì Biên Hòa…Song, quy mô của dự án (DA) góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN trong bốn tháng đầu năm lại khá khiêm tốn, với tổng giá trị gần 2,48 tỷ USD, giảm 65,3% so cùng kỳ năm 2019.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19, số lượt DA góp vốn, mua cổ phần tăng lên đã cho thấy hình thức đầu tư này vẫn khá hấp dẫn đối với NĐTNN. Đặc biệt, thời điểm sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều khả năng NĐTNN sẽ tiếp tục gia tăng tìm kiếm cơ hội thực hiện các thương vụ góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam vì dự báo đây sẽ là thời điểm “được giá” hơn cả. Bên cạnh đó, từ trước khi có dịch Covid-19, làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc đã rất mạnh, khiến dòng vốn vào Việt Nam theo hình thức M&A đã liên tục tăng lên trong suốt bốn năm vừa qua.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) nhận định, Covid-19 đã cho các DN thêm một lý do để cảm thấy rằng họ nên ở một nơi như Việt Nam. Và như vậy, tôi nghĩ rằng đó là một xu hướng dài hạn mà chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến.

Trước xu hướng vốn FDI vào Việt Nam theo hình thức M&A ngày càng gia tăng, đặc biệt cơ hội thâu tóm DN trong nước đang lớn dần lên do tác động của dịch Covid-19, việc củng cố lại khung pháp lý đối với hoạt động M&A cũng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi đã có trường hợp việc đăng ký thực hiện giao dịch M&A được tiến hành ngay sau khi giấy chứng nhận đăng ký DN được trao cho tổ chức kinh tế Việt Nam. Nghĩa là đã có hiện tượng NĐTNN mượn tên tuổi của người Việt Nam để thành lập DN rồi tiến hành thâu tóm nhằm né các thủ tục cần thiết.

Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng không nhất thiết phải dựng lên chốt chặn riêng đối với hình thức M&A. Thay vào đó là có bộ lọc chung đối với dòng vốn FDI vào Việt Nam. TS Phạm Sỹ Thành (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR) cho rằng, hiện nay chúng ta đã có Nghị quyết số 50-NQ/TW về thu hút FDI thế hệ mới. Từ đó, cần hoàn thiện các công cụ, chế tài để kiểm soát, thay đổi tiêu chí ưu đãi để lựa chọn các dự án FDI chất lượng hơn, hạn chế dự án gây ô nhiễm, công nghệ lạc hậu, khuyến khích liên kết với DN Việt Nam, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam...