Vẫn phát triển kiểu... phong trào!

Thống kê cho thấy, đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã cấp phép cho khoảng 38 doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện làm ví điện tử (VĐT). Trong đó, 5 VĐT lớn nhất chiếm tới 95% tổng số giao dịch thanh toán qua VĐT trên thị trường (TT).

Song theo ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Chiến lược ngân hàng, NHNN, thị phần 95% số giao dịch thanh toán qua thẻ đang chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt nhằm lôi kéo khách hàng tham gia VĐT. Các VĐT của Việt Nam hiện nay vẫn trong giai đoạn “đốt tiền”. Họ phải dùng tới 10 USD cho các chương trình khuyến mãi, tặng tiền... để hút được mỗi một khách hàng hay user sử dụng VĐT. Không khó để bắt gặp hay nhận được những thông tin khuyến mãi như tặng tiền khi mở VĐT, giảm giá vé tàu xe, máy bay khi thanh toán bằng VĐT hay tặng chiết khấu cho những đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử, các đơn vị kinh doanh kết nối với VĐT...

Đơn cử, mới đây, khi khách hàng mở ứng dụng Be trên điện thoại để đặt xe, thường sẽ không quên truy cập vào VĐT MoMo để lấy mã khuyến mãi giảm giá nhiều nhất 50.000 đồng/cuốc xe.

Không chỉ MoMo, rất nhiều VĐT khác như: ZaloPay, AirPay... cũng thông qua chương trình liên kết với ngân hàng để tặng người dùng các voucher trị giá lên tới hàng triệu đồng nhằm gia tăng trải nghiệm thanh toán các dịch vụ trên VĐT cũng như thanh toán tại các đơn vị là đối tác của VĐT cho khách hàng.

Theo ông Hòe, cuộc đua ưu đãi, hoàn tiền... của các VĐT ban đầu là để tạo thói quen cho người tiêu dùng tiếp cận các kênh thanh toán mới nhưng sau khi có được hàng triệu người dùng, các VĐT vẫn đẩy mạnh các chương trình chiết khấu, tặng tiền, giảm giá... để “giữ chân” khách hàng khi các đối thủ cạnh tranh trên TT đẩy mạnh chiến dịch lôi kéo khách hàng mới.

Theo đánh giá của Asian Banker Research, TT sẽ nhanh chóng chứng kiến sự nở rộ của các VĐT. Còn Công ty tư vấn YCP Solidiance ước tính, tổng giá trị giao dịch thông qua các công ty công nghệ tài chính tại Việt Nam sẽ chạm mốc 25 tỷ USD vào năm 2025, tăng gần gấp ba lần so mức chín tỷ USD ở thời điểm hiện tại.

Nhưng vấn đề là, trong khi 95% TT đang tập trung trong tay 5 VĐT lớn thì vẫn còn khá nhiều DN triển khai cung cấp VĐT. Đơn giản là bởi TT VĐT của Việt Nam vẫn còn dư địa phát triển.

Dù biết, VĐT được phát triển để phục vụ thị trường bán lẻ, mà Việt Nam được đánh giá là TT rất tiềm năng cho lĩnh vực này nên các VĐT vẫn còn nhiều dư địa. Nhưng ông Phạm Xuân Hòe lại tỏ ra lo lắng trước sự tham gia ồ ạt của các DN mới vào TT VĐT cũng như việc các VĐT đang hoạt động phải tiêu tốn những khoản tiền lớn cho các chương trình lôi kéo khách hàng. Làm theo phong trào là vấn đề mà DN Việt Nam mắc phải từ nhiều năm nay. Dù có lợi cho khách hàng ở giai đoạn trước mắt song về lâu dài, áp lực tài chính đè lên DN rất lớn khi hệ sinh thái cho VĐT vẫn chưa đầy đủ và hoàn thiện.