Sức ép từ fintech

So về thương hiệu, rõ ràng các ứng dụng công nghệ tài chính (fintech) kém xa các ngân hàng (NH), công ty chứng khoán (CTCK), hay các công ty tài chính, bảo hiểm. Nhưng chính các thương hiệu tài chính lại đang chịu sức ép không hề nhỏ từ fintech và phải tìm cách hóa giải.

Cách đây chưa lâu, Viện Khảo sát đánh giá chỉ số cạnh tranh đã công bố Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nằm trong top 10 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam. Về việc này xuất hiện hai luồng ý kiến: thứ nhất với những ai tham gia ngành chứng khoán từ 10 năm trở lên thì thấy BVSC rõ ràng là một thương hiệu lớn vì đây là một trong 5 CTCK đầu tiên trên thị trường; thứ hai, với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường trong khoảng 10 năm gần đây thì BVSC không “nổi” bằng những đơn vị ứng dụng công nghệ tích cực như: VN Direct hoặc BSC (cũng ra đời cùng thời với BVSC).

Thực tế, muốn đối chọi với fintech thì chính các thương hiệu tài chính cũng phải “fintech hóa”, như trường hợp của BSC đã phải tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích cổ phiếu để có “chất fintech” trong hoạt động.

Một lợi thế của fintech, đồng thời cũng là bất lợi cho các công ty trong ngành tài chính, đó là fintech có thể gắn thương hiệu của mình với “cả cụm” hoạt động trong khi ngành tài chính lại không được như vậy. Dù cùng một thương hiệu, nhưng nếu đa lĩnh vực thì mỗi lĩnh vực lại phải tự mình vận hành và rất khó dựa vào lẫn nhau. Chẳng hạn, dịch NH trực tuyến của Baoviet Bank được đánh giá khá cao về sự tiện lợi trong sử dụng, chuyển tiền nhanh, giao diện bắt mắt. Tuy nhiên, khi ứng dụng thanh toán Baoviet Pay ra đời, các hoạt động quảng bá, tiếp cận thị trường vẫn phải thực hiện từ đầu. Mấu chốt của vấn đề là vì thương hiệu của ngành tài chính phải gắn liền với sự trải nghiệm, thậm chí là kiểm nghiệm của khách hàng. Trong khi đó, fintech với ưu tiên nhanh gọn, thuận tiện nên chỉ cần một dịch vụ tốt, như trường hợp của MoMo với các dịch vụ thanh toán ban đầu, thì sau này có chuyển quan bán vé máy bay, bán bảo hiểm, vé xe, vé tàu… cũng rất dễ được chấp nhận.

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây, là các thương hiệu tài chính, đứng trước sức ép của fintech sẽ phải làm gì?

Chắc chắn không thể làm nhanh, làm gọn như kiểu fintech vì tài chính cần sự chỉn chu, chuẩn mực. Mấu chốt sẽ nằm ở vấn đề trải nghiệm, nếu không “nhanh” thì phải “chắc” và “độc lạ”. Một dịch vụ chưa lâu vẫn bị các NH từ chối khi khách yêu cầu là số tài khoản đẹp hiện nay đã được một loạt các NH tốp giữa và tốp dưới triển khai. Chắc chắn sẽ có khách hàng nói ra nói vào vì tại sao ngày xưa NH đổ tại “hệ thống” nên không cấp số đẹp mà giờ lại làm, nhưng ít ra các NH cũng biết tìm hiểu nhu cầu của từng khách hàng thay vì cả nhóm để tìm lợi thế cho mình.