Phải mua và phải bán

Một trong những thông tin đáng chú ý nhất trong lĩnh vực khởi nghiệp (startup) tuần rồi là việc đại gia bán lẻ trực tuyến Tiki công bố mua lại ứng dụng bán vé và quản lý sự kiện trực tuyến Ticketbox.

“Việc đầu tư vào Ticketbox lần này cũng không nằm ngoài phương châm “vì khách hàng” của chúng tôi. Ngoài phần đầu tư tài chính cho Ticketbox, Tiki sẽ sử dụng các tài sản sẵn có như công nghệ, nhân lực, quy trình... để giúp Ticketbox phục vụ khán giả và thúc đẩy ngành sự kiện, giải trí tại Việt Nam”, ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tiki cho biết.

Phương châm “Vì khách hàng” của Tiki cũng có thể thấy và hiểu thông qua việc nhà bán lẻ này liên tục mở rộng dải sản phẩm, từ chỗ chỉ là sách, Tiki lấn sân qua mảng điện tử, điện thoại, điện máy và phụ kiện, rồi cả thời trang, mẹ và bé, du lịch...

Nhưng để chiếm lĩnh hay đơn giản hơn là tạo ra dấu ấn tại một phân khúc sản phẩm không đơn giản và tiền là chưa đủ, phải có chiến lược, nhân sự và cả thời gian. Thí dụ, hiện nay hai mảng gây dấu ấn mạnh nhất của Tiki là sách và điện tử, điện máy, còn các mảng như thời trang, dã ngoại, làm đẹp dù sản phẩm công bố chính hãng, thường xuyên giảm giá mạnh nhưng không phải lúc nào cũng sôi động. Cũng có thời gian Tiki triển khai các dịch vụ đặt phòng trực tuyến, với giá cả nếu so với Agoda, Booking.com, Traveloka… thì rất cạnh tranh nhưng lại chưa thật sự có điểm nhấn. Nguyên nhân như đã nói ở trên, cần phải có chiến lược, thời gian và con người phù hợp. Muốn tăng trưởng nhanh, giải pháp mua lại, hay thậm chí là phải mua một đơn vị đang hoạt động tốt là giải pháp gần như duy nhất trong ngắn hạn.

Trong buổi công bố việc mua lại Ticketbox của Tiki, ngoài các khách mời là giới truyền thông và doanh nhân, một số khách mời tỏ ra ngạc nhiên khi thấy có sự xuất hiện của giới showbiz với các ca sĩ, diễn viên… Những ai nắm bắt thông tin thì hiểu Tiki có dự án “đi cùng sao Việt” còn Ticketbox là ứng dụng về tổ chức sự kiện, bán vé nên việc có sự tương tác với giới showbiz cũng là điều dễ hiểu.

Cũng phải thẳng thắn đánh giá rằng, dù Ticketbox hiện có chỗ đứng và thị phần khá vững chắc trong lĩnh vực của mình, nhưng nguồn lực của các nhà sáng lập trước đây chưa tạo ra được sự phổ biến rộng khắp, nghĩa là ai biết đến ứng dụng này thì có thể tin tưởng sử dụng, còn ai chưa biết thì không dễ để tìm đến. Nó khác với những sản phẩm, thương hiệu lớn, có khi người tiêu dùng không mua, nhưng vẫn nhận diện được.

Đó cũng là lý do mà dù bị mua lại, nghĩa là phải chia sẻ quyền lợi, chiến lược với Tiki, nhưng ông Trần Tuấn Anh lại rất vui vẻ, hồ hởi trong buổi lễ với phát biểu rằng: “Ticketbox đã tạo được dấu ấn nhất định và mong muốn tiếp tục mang đến nhiều giá trị hơn cho ngành giải trí và sự kiện Việt Nam. Với mong muốn mang lại những nội dung chất lượng và đa dạng hơn cho người dùng, Ticketbox sẽ đầu tư vào big data (dữ liệu lớn) và machine learning (hệ thống máy thông minh) để giúp những đơn vị tổ chức sự kiện cũng như các nhà sản xuất hiểu rõ hơn về thị hiếu của khán giả, từ đó tạo ra những nội dung phù hợp với chi phí hiệu quả hơn”.

Và có thể nói rằng, trường hợp của các nhà sáng lập Ticketbox cũng vào thế... phải bán để tiếp tục huy động nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển của mình. Trong một bài viết gần đây, Thời Nay đã đưa ra dự báo về xu hướng mua bán và sáp nhập chắc chắn sẽ xảy ra một cách sôi động trong thời gian tới đây và thương vụ Tiki mua lại Ticketbox chắc chắn sẽ không phải là trường hợp hiếm hoi vì các startup lớn và nhỏ đang ở vào thế phải mua và phải bán để cùng phát triển.