Nghịch lý giá lợn

Những ngày gần đây, giá lợn hơi liên tục giảm mạnh. Cụ thể, ghi nhận trên thị trường lợn hơi cuối tuần qua cho thấy, giá lợn hơi giảm rất mạnh từ một đến bốn nghìn đồng/kg, có địa phương giá chỉ còn ở mức 62 nghìn đồng/kg. 

Theo lý giải của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá lợn hơi giảm là do nguồn cung cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu. Thống kê cho thấy, đến tháng 9-2020, tổng đàn lợn đã đạt 22,57 triệu con, bằng 82% so thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi. 

Việc giá lợn hơi giảm mạnh được kỳ vọng sẽ giúp người tiêu dùng có thể sử dụng các sản phẩm thịt lợn trong nước với mức giá hợp lý, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán tới đây nhưng lại là nỗi lo của hàng triệu hộ nông dân. Hiện, chăn nuôi đã tạo sinh kế cho khoảng 6 - 6,5 triệu hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp.

Lo lắng này cũng đã được Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến đặt ra. Cụ thể, hiện nay giá thành chăn nuôi lợn tập trung là 50 nghìn đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi nhỏ lẻ là 71 nghìn đồng/kg. Nếu bây giờ giá lợn hơi tiếp tục giảm xuống thì mấy triệu hộ chăn nuôi sẽ rất khó khăn.

Chủ một hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ ở Bắc Giang cho biết, đàn lợn hơn 10 con của gia đình đã đến kỳ xuất chuồng. Tuy nhiên, gia đình vẫn đang kỳ vọng giá được hơn 70 nghìn đồng/kg mới bán. Bởi khi nuôi lứa lợn này, gia đình phải mua con giống rất cao, giá ba triệu đồng/kg. Giờ mà bán với giá dưới 70 nghìn đồng/kg thì chỉ có lỗ.

Một thương lái tại Hà Nội thì cho hay, những ngày gần đây, anh không dám mua nhiều lợn vì giá giảm theo ngày, không cẩn thận có khi phải bù lỗ tới tiền triệu mỗi ngày. Do vậy chỉ mua hàng phục vụ nhu cầu trong ngày.

Nghịch lý là dù giá lợn hơi đã giảm mạnh nhưng thời gian qua giá con giống phục vụ việc tái đàn vẫn ở mức cao. Với giá con giống như vậy, người chăn nuôi nhỏ “cầm chắc lỗ trong tay”. Nhưng ở chiều ngược lại, người tiêu dùng cũng chưa một ngày được dùng thịt lợn giá thấp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thừa nhận, đến thời điểm này, tuy đã có gần ba triệu lợn nái nhưng số lợn nái không sinh sản kịp mà phải nuôi đến bảy - tám tháng mới phối giống được. Khi phối giống, phải mất ba - bốn tháng mới có lợn con, do vậy áp lực về giống thời gian qua là có, dẫn đến giá giống cao. Tuy vậy, sắp tới với cơ cấu đàn nái ba triệu con này sẽ sản xuất và tung ra thị trường số lợn con lớn hơn, giúp áp lực giá giống giảm…

Thực tế trên cho thấy việc phát triển ngành chăn nuôi lợn nói riêng và chăn nuôi nói chung theo chuỗi giá trị đang là vấn đề rất cấp thiết. Số lượng doanh nghiệp lớn đầu tư vào chăn nuôi đã có bước phát triển. Tuy nhiên, tỷ lệ thịt lợn qua chế biến chưa cao, mới chiếm 15 - 17%, dư địa của phân khúc này còn lớn. Có như vậy mới không xảy ra tình cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Và đặc biệt, có như vậy, lợi ích giữa người chăn nuôi, người tiêu dùng, cũng như thương lái được phân phối hài hòa, tránh nghịch lý về giá lợn cứ nghiễm nhiên tồn tại như hiện nay.