“Miếng bánh” thị phần sẽ thay đổi

Bộ Công thương đang đề xuất mở rộng cửa cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tham gia sâu hơn vào thị trường bán lẻ xăng dầu (TTBLXD) trong nước. Nếu đề xuất này được thông qua, TTBLXD trong nước sẽ có thay đổi đáng kể, cả ở chất lượng và số lượng.

Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (NĐ 83) về kinh doanh xăng dầu (KDXD), ngoài các thương nhân KDXD được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển nhượng cổ phần cho NĐT nước ngoài, thương nhân KDXD được quyền chuyển nhượng cổ phần cho NĐT nước ngoài, nhưng không quá 35%.

Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông cho rằng, KDXD là hoạt động kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp (DN) trong nước tiếp tục giữ chi phối, nhưng sửa đổi tới đây cho phép thu hút thêm một phần vốn của NĐT nước ngoài vào lĩnh vực này.

Trước nay, KDXD gần như là “vùng dành riêng” cho DN trong nước. Tỷ lệ các DN vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này có, nhưng ở quy mô nhỏ lẻ. Thí dụ, JX Nippon Oil & Enegry hiện đã sở hữu khoảng 8% vốn tại Petrolimex... Hay như Idemitsu Q8 (IQ8) - Công ty liên doanh giữa Kuwait International Petroleum của Kuwait và Idemitsu Kosan của Nhật Bản hiện đã được cấp phép gia nhập TTBLXD… 

Thực tế, sau hơn 5 năm ban hành và triển khai, NĐ 83 là cơ sở pháp lý để liên Bộ Công thương - Tài chính điều hành TTBLXD trong nước, bảo đảm nguồn cung phục vụ sản xuất, tiêu dùng, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo sự bình đẳng cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế. 

Nhưng tình hình thay đổi khá nhiều so khi NĐ 83 được ban hành. Thứ nhất, hiện nguồn cung từ sản xuất trong nước chiếm 70 - 75% tổng nguồn cung, nên công thức tính giá cơ sở dựa trên số liệu từ nguồn nhập khẩu không còn phù hợp. Thứ hai, sau quá trình cổ phần hóa, nhằm thu hút nguồn vốn để nâng cao năng lực tài chính đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, được sự cho phép của Chính phủ, nhiều DN KDXD trong nước đã có NĐT nước ngoài tham gia.

Do đó, theo nhiều chuyên gia, việc mở cửa rộng hơn cho NĐT nước ngoài là phù hợp. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định đã cân nhắc kỹ và đưa ra mức giới hạn cổ phần chuyển nhượng là 35%. Bởi với tỷ lệ này, NĐT vẫn thấy sự hấp dẫn cho khoản đầu tư của mình, mà vẫn giúp DN trong ngành thu hút được vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị từ các NĐT nước ngoài. Nhưng, tỷ lệ trên cũng giới hạn được mức độ can thiệp vào hoạt động kinh doanh của NĐT nước ngoài với DN trong nước, nhất là không để họ có quyền phủ quyết trong các quyết định quan trọng của DN.

Điều này có nghĩa là “miếng bánh” thị phần trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ xăng dầu có thể chia lại, nhưng ưu thế có lẽ vẫn nằm ở các DN vốn đã nắm được miếng bánh lớn. Và các DN này sẽ trở thành mục tiêu được săn đón của NĐT quan tâm TTBLXD của Việt Nam.