Manh nha nghề quản lý tài sản

Wealth management (WM) hiểu nôm na là các dịch vụ quản lý tài sản (QLTS) cho người giàu, khách VIP của các định chế tài chính như: ngân hàng (NH), công ty chứng khoán hay công ty quản lý quỹ (CTQLQ). Trên thế giới, trong những năm qua, WM phát triển rất mạnh.

Đơn cử, việc nhiều tỷ phú trên thế giới lập riêng một công ty để quản lý cổ phần của mình. Động thái này cũng đã manh nha được thực hiện tại Việt Nam khi một số Chủ tịch HĐQT của các doanh nghiệp niêm yết lớn thành lập một pháp nhân để sở hữu lượng lớn cổ phiếu (CP). Nhưng đây cũng chỉ là những hình thái rất sơ khai của WM và nhìn chung khái niệm về WM chỉ mới được nói đến trong phạm vi rất hẹp của ngành tài chính.

Nhìn vào nhu cầu đầu tư chứng khoán (CK), bất động sản (BĐS), thậm chí vàng, ngoại tệ hay tiền số những năm gần đây, có thể nói Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng cho WM, nhưng tính đến thời điểm này vẫn còn quá nhiều ngăn trở. Nguyên nhân khách quan đầu tiên có thể kể ra là thói quen ủy quyền QLTS vẫn chưa phổ biến, nhiều người vẫn thích tự quản lý hơn là giao phó cho một đơn vị hay cá nhân. Việc QLTS có manh nha trong lĩnh vực CK hoặc BĐS nhưng thật ra cũng chỉ mang tính chất tư vấn, hỗ trợ nhiều hơn là những thỏa thuận, ràng buộc rõ ràng. Chẳng hạn, một môi giới CK làm QLTS của khách VIP có thể được khách tin tưởng giao quyền giao dịch và ăn chia lợi nhuận, hoặc các môi giới BĐS cũng có thể trông coi các tài sản của khách, tìm khách thuê, tìm người mua…

Thách thức lớn nhất của WM tính đến lúc này vẫn là nguồn lực cũng như kinh nghiệm. Đơn cử, các CTQLQ, nhóm có khả năng triển khai WM cao nhất, mới chỉ lấy lại được niềm tin với khách hàng trong hai năm gần đây. Về lý mà nói, chỉ khi nào quản lý một quỹ đại chúng tốt, tức quản lý tổng quan tốt thì mới có thể dần đi vào chi tiết, tức là quản lý cho từng khách hàng hiệu quả. Số lượng những người làm QLQ có nghề tại Việt Nam chưa thật sự nhiều trong khi WM lại đòi hỏi sự chi tiết để phù hợp từng khách hàng. Thí dụ, một CTQLQ thà quản lý một quỹ với hàng trăm nhà đầu tư công chúng có khi còn dễ thở hơn triển khai WM chỉ cho 5-10 khách hàng. Các hệ thống, quy trình, nghiệp vụ đầu tư cho WM hiện chưa được hoàn thiện nên sẽ ngốn rất nhiều thời gian của các CTQLQ.

Gian nan là vậy, nhưng có thể kể ra một số đơn vị, chẳng hạn như các NH đã và đang thiết lập cho nhóm khách VIP các sản phẩm kết hợp giữa gửi tiền và đầu tư trái phiếu, CP. BaoVietBank là một trong những NH sớm triển khai các sản phẩm kết hợp giữa đầu tư, mua bảo hiểm và tiền gửi. Có thể nói, trong vòng ít nhất ba năm nữa, WM sẽ có sự phát triển đáng kể, nhưng sẽ theo chiều rộng, tức là phủ sóng được dịch vụ của mình, khả năng nhận diện sản phẩm đến với khách hàng trước khi có thể đi vào chiều sâu.