Hết thời để ngập ngừng

Bán bảo hiểm trực tuyến (online) là xu hướng tất yếu và các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm thừa nguồn lực để triển khai hình thức này. Nhưng thực tế là cho đến thời điểm này, kênh tiêu thụ online dường như vẫn chưa được định hình rõ ràng. 

Hãy bắt đầu từ việc ví điện tử MoMo, vốn đang có 20 triệu người sử dụng, từ lâu đã đưa một số sản phẩm bảo hiểm lên tiêu thụ, nhưng dấu ấn tạo ra ở mảng này là chưa rõ nét, so với một số dịch vụ khác. Trong khi đó, một số “sàn” thương mại điện tử (TMĐT) khác, hoàn toàn có thể đóng vai trò tiêu thụ bảo hiểm giống như MoMo thì lại chưa làm, chưa mặn mà. Các hoạt động tiêu thụ qua kênh online dường như mới chỉ thực hiện một cách dè chừng, thử nghiệm hơn là có một định hướng trực diện từ mỗi DN hoặc toàn ngành.

Điều này khác hẳn với “khí thế” của các ngành như bán lẻ điện tử, thực phẩm, dù các DN khác nhau thì cách triển khai cũng có những nét tương đồng để tạo ra hiệu ứng toàn ngành. Nguyên nhân đầu tiên, vốn xuất phát từ đặc tính vốn có và cũng cần thiết của ngành bảo hiểm là sự thận trọng, vì vậy khi xoay chuyển hoặc tạo ra một chiến lược mới thường sẽ khó có chuyện xoay chuyển linh hoạt trong thời gian ngắn. Chưa kể, những yêu cầu chặt chẽ trong việc triển khai nghiệp vụ cũng khiến các DN bảo hiểm phải cân nhắc kỹ lưỡng. 

Nhưng rủi ro từ dịch bệnh tác động đến các kênh bán hàng truyền thống đã buộc các DN bảo hiểm không thể quá thận trọng và phải thay đổi, nhưng thay đổi bắt đầu từ đâu? 

Hãy bắt đầu với kênh Eshop của Bảo Việt mới được triển khai trong thời gian vừa qua với giao diện không khác với một kênh bán hàng online là mấy. Nhiều người hẳn sẽ bất ngờ vì các sản phẩm bảo hiểm thường có độ chặt chẽ khá cao, trong khi Bảo Việt lại triển khai một website bán hàng khá “thoáng”.

Đại diện truyền thông của Bảo Việt chia sẻ, nếu thực hiện quá chặt chẽ ngay từ đầu thông qua việc yêu cầu khách hàng phải liệt kê thông tin quá chi tiết thì sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian trong khi các kênh online khác chỉ cần “chọn”, “chạm” và “thanh toán”, nghĩa là khách hàng sẽ quyết rất nhanh trong thời gian ngắn. Vì vậy, Bảo Việt đã linh hoạt hơn trong việc thực hiện quy trình bán, theo đó khách hàng chỉ cần nhập tên, số điện thoại và chọn sản phẩm rồi tiến hành thanh toán, kèm theo các cam kết phù hợp. Sau đó, sẽ có đội ngũ tư vấn liên lạc để tư vấn nhằm hoàn tất các thủ tục và đó là cách để sản phẩm trở nên thân thiện hơn. 

Có một điều khá thú vị là dường như tất cả nhân viên của Tập đoàn Bảo Việt từ các mảng chứng khoán, quản lý quỹ, ngân hàng… đều đã và đang trở thành đại sứ để giới thiệu Eshop đến với mọi người. Công thức “tổng lực” này vốn không mới, nhưng khi đã thực hiện thường tạo ra những sức bật đáng kể với thị trường. 

Và có thể dự báo rằng, chỉ một thời gian ngắn sắp tới, cũng sẽ có những DN bảo hiểm triển khai các kênh bán hàng được tinh chỉnh, chau chuốt và đột phá hơn. Vì chính DN mới hiểu sản phẩm của mình rõ hơn hết để triển khai trước khi đem lên “sàn” của người khác bán. Khi nào các sản phẩm có nhiều nét tương đồng, được chuẩn hóa thì lúc đó các sàn TMĐT mới tham gia, còn bây giờ, các DN bảo hiểm sẽ phải xắn tay và thực hiện tiên phong.