Còn đó nguy cơ “bẻ lái” tín dụng

Trên danh nghĩa, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng (NH) đã giảm đi rất nhiều, song nhiều chuyên gia kinh tế vẫn tỏ ra lo ngại về nguy cơ “bẻ lái” tín dụng tiềm ẩn khi có rất nhiều cổ đông (CĐ) lớn tại các NH là ông chủ của các tập đoàn bất động sản (BĐS).

Công bằng mà nói, về bản chất, sở hữu chéo không xấu, có nhiều hình thức khác nhau và là hiện tượng phổ biến của NH các nước trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sở hữu chéo bị biến tướng, nó tạo ra sự lỏng lẻo, mất vốn, tham nhũng...

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng CĐ hay nhóm CĐ lớn, thao túng, chi phối NH được kiểm soát. Cụ thể, nếu năm 2012, toàn hệ thống có bảy cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau thì đến ngày 31-12-2019, tình trạng này đã được khắc phục hết.

Tình trạng sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa NH và doanh nghiệp (DN) từ 56 cặp sở hữu chéo tính đến tháng 6-2012, hiện nay chỉ còn một cặp đó là Ngân hàng TMCP Á Châu và Công ty CP Bất động sản Hòa Phát - Á Châu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng về mặt danh nghĩa, tình trạng sở hữu chéo giảm đi nhiều, nhưng gần đây DN BĐS gia tăng đầu tư cổ phần vào NH. Đồng thời, vị trí chủ chốt ở một số NH “kết nạp” thêm lãnh đạo của DN BĐS. Thí dụ điển hình, MSB vừa quyết định bán 7,9 triệu CP, tương đương 0,67% vốn điều lệ NH này cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS TNR Holdings Việt Nam.

Tương tự, tháng 2-2021, ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thaiholdings (DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS) được giới thiệu là đại diện CĐ lớn của LienVietPostBank...

Không ít chuyên gia cho rằng, đây là vấn đề cần quan tâm bởi quy định hiện hành chưa giám sát hết các mối quan hệ sở hữu chéo giữa NH với DN “sân sau” của CĐ lớn. Bởi mối lợi của các CĐ này khi nắm giữ CP NH không phải từ việc tăng giá CP hay khoản cổ tức. Mà lợi ích của các chủ tập đoàn BĐT khi trở thành CĐ lớn của NH là có thể “bẻ lái” tín dụng đến dự án của các DN “sân sau”.

Để giám sát dòng vốn từ NH chảy vào các quan hệ sở hữu chéo, Luật Các TCTD hiện hành đã quy định về giới hạn tín dụng. Theo đó, tổng dư nợ tín dụng với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của TCTD. Tổng dư nợ của một khách hàng và người liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có (dư nợ này đã bao gồm cả trái phiếu do DN phát hành).

Giới chuyên gia cho rằng, các DN, tập đoàn BĐS thường sở hữu mạng lưới chằng chịt các DN “con” nên giới hạn tín dụng rất dễ bị lách luật. Đây cũng là lý do giải thích vì sao, cho dù sở hữu chéo, về mặt danh nghĩa đã giảm đi rất nhiều, song vẫn hiện hữu mối lo về khả năng kiểm soát tín dụng của CĐ lớn tới lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ bong bóng.