Chia lại thị phần

Nói về sự tồn tại, phát triển của các nhà sách trước đây có thể chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất, trước khi xuất hiện các nhà sách trực tuyến bao gồm: Tiki và Vinabook. Khi đó các nhà sách lớn hoặc nhỏ cùng hoạt động với một mô hình tương đối giống nhau, đó là mở các cửa hàng bán lẻ, lợi thế được xây dựng từ thương hiệu, địa điểm, chủng loại sách và giá.

Giai đoạn thứ hai, sau khi Tiki và Vinabook cùng một số đơn vị bán sách trực tuyến khác xuất hiện đã khiến những nhà sách như: Fahasa, Phương Nam, Kim Đồng… buộc phải thay đổi, ngoài việc bán lẻ qua các kênh truyền thống, cũng phải xây hệ thống trực tuyến để bắt kịp nhu cầu của thị trường.

Cấu trúc của nhà sách truyền thống (NSTT) cũng đã thay đổi khi tăng cường những sản phẩm mang tính trải nghiệm hơn như: văn phòng phẩm, đồ lưu niệm, đồ chơi, những sản phẩm vẫn có lợi thế hơn khi bán trực tiếp. Thậm chí có nhà sách lớn còn hạn chế… bật máy lạnh nhằm tiết kiệm chi phí. Một số NSTT vẫn xuất hiện, và được thiết kế vô cùng bắt mắt để đem lại những trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng, duy trì được thói quen đến nhà sách. Nhìn chung, trong khoảng ba - bốn năm gần nhất, các NSTT đã tìm ra được cách thức để sống chung với nhà sách trực tuyến.

Nhưng gần đây, khi nhà sách trực tuyến đình đám nhất là Tiki hợp tác với Fahasa, NSTT có hệ thống, thương hiệu nổi tiếng bậc nhất, thì viễn cảnh chia lại thị phần lần thứ ba gần hơn bao giờ hết.

Thoạt nhìn, Tiki hay Fahasa đều là những “ông lớn” và không cần hợp tác vẫn sống khỏe. Fahasa dù là kênh phát hành truyền thống nhưng hệ thống bán hàng trực tuyến những năm gần đây cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực. Vậy đâu là lý do dẫn đến cái bắt tay này?

Nguyên nhân đầu tiên có lẽ nằm ở yếu tố tăng trưởng. Những năm gần đây, sách chỉ là một mảng tạo nên vị thế, Tiki còn có rất nhiều mặt hàng khác như điện máy, điện tử, đồ gia dụng, thực phẩm… Trong khi đó, hệ thống hơn 100 nhà sách trải dài khắp cả nước của Fahasa là một lợi thế, nhưng việc tăng thêm số lượng nhà sách vẫn là một bài toán hóc búa. Thương hiệu lớn thì phải đầu tư nhà sách lớn, dẫn đến chi phí cho nhân sự, vận hành, hàng hóa cất trữ cũng lớn, nhưng chưa chắc nguồn thu về đã bù đắp hiệu quả. Nhưng mấu chốt của bán lẻ lại là tăng trưởng, sách là một mảng mang tính truyền thống và chắc chắn Tiki chưa muốn dừng lại. Dẫu vậy, việc giảm giá cũng không còn là lợi thế của Tiki, vì các đơn vị khác cũng có thể đưa ra các mức chiết khấu, khuyến mãi cho khách hàng.

Và minh chứng rõ nhất, khi Fahasa đặt gian hàng của mình trên kênh trực tuyến của Tiki thì ngay lập tức đơn vị này đã được bổ sung hơn 30.000 đầu sách mới. Nếu tự mình bổ sung số đầu sách này, Tiki chắc chắn sẽ phải mất rất nhiều thời gian. Một yếu tố nữa là các công tác như logistic, kho vận, Tiki vẫn phải đầu tư, mà hệ thống càng lớn, yêu cầu giao nhận, vận chuyển sẽ càng nhiều, mà hơn 100 nhà sách và nhân lực của Fahasa lại là một lợi thế.

“Cú bắt tay lịch sử” này có thể kéo theo một loạt thương vụ khác, giữa các nhà sách trực tuyến và NSTT, hoặc các NSTT sẽ bắt tay nhau, hợp tác theo nhiều cách để tạo ra những “người khổng lồ” nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. Thị trường phát hành sách thời gian tới đây hứa hẹn sẽ vừa sôi động, vừa khốc liệt.