Black Friday hết “đậm”

Ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng 11 (Black Friday) luôn được xem là “đại sự kiện” của ngành bán lẻ trên toàn thế giới với lượng hàng hóa cực lớn được cung ứng ra thị trường (TT) với mức chiết khấu cực kỳ hấp dẫn.

Tại Việt Nam, một trong những TT bán lẻ năng động, cũng không nằm ngoài sự nhộn nhịp chung của ngày Black Friday. Tuy nhiên, theo thời gian, sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT), sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng (NTD) đã dẫn đến những thay đổi của ngày Black Friday. Giai đoạn ngày Black Friday bùng nổ nhất diễn ra khoảng từ 3 - 5 năm trước, khi đó tại các TT mua sắm lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, thậm chí đường sá không khác gì những ngày giáp Tết khi nhiều tín đồ mua sắm “điên cuồng” đi “săn” giảm giá, hay còn gọi là “săn sale” lên đến 70%. Tuy nhiên, khi TMĐT phát triển, nói đúng hơn là ngành giao nhận ngày một hoàn thiện, thay cho việc đến các cửa hàng, siêu thị để chen lấn, NTD ở nhà click chuột, chạm màn hình smartphone để mua và không khí nhộn nhịp hay “hừng hực” của Black Friday bắt đầu giảm.

Hai năm qua, những tin bài trên báo chí hay mạng xã hội về Black Friday đã không còn xuất hiện nhiều vào dịp này, nghĩa là độ hot cũng dần giảm xuống. Điều đáng nói ở đây là Black Friday mới chỉ “bùng” lên ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội chưa lâu nên hiệu ứng lan tỏa xuống các tỉnh, thành khác chưa nhiều. Đơn cử, ngày Black Friday tuần rồi tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), một trong những thành phố có mật độ ô-tô cao trên cả nước, sức mua cũng khá tốt, nhưng diễn ra khá bình lặng. Tại một trung tâm thương mại lớn của thành phố này, dù các mặt hàng được “sale off” khá hấp dẫn thì người mua cũng chỉ ở mức vừa phải, và trong số này cũng không toàn là khách bản địa mà có cả khách du lịch.

Một nguyên nhân khác cũng khiến cho Black Friday dù là “thương hiệu” nhưng giờ không còn “đậm vị” như trước nằm ở việc còn bị quá nhiều “ngày mua sắm” khác cạnh tranh. Thí dụ, từ khoảng tháng 9 trở đi, các ngày 9-9, 10-10, 11-11 được dân TMĐT lựa chọn để tung ra các đợt sale cực kỳ mạnh, nhằm lấy trước sức mua của Black Friday. Đó là còn chưa nói đến việc, nhiều nhà bán lẻ khi có dịp tung ra chương trình gì thì cũng “sale bất chấp” không bởi lý do gì, ngày gì cả.

Các nhãn hàng, nhà bán lẻ sale off càng nhiều thì NTD càng có cơ hội mua được nhiều hàng ưng ý với giá tốt. Nhưng chính những đợt sale này cũng sẽ bào mòn rất nhanh những đơn vị không có tiềm lực, đồng nghĩa với cuộc chơi sẽ ngày một khốc liệt hơn, các đơn vị “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” sẽ dùng sale off để bào mòn, thậm chí triệt hạ đối thủ của mình.