Bán trà sữa lãi bao nhiêu?

Thị trường đang ghi nhận sự bùng nổ về loại hình kinh doanh trà sữa cũng như nhu cầu thưởng thức loại thức uống này. Khoảng hai tuần trước, khi hệ thống trà sữa ToCoToCo khai trương một cửa hàng nằm trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh), các khách hàng trẻ tuổi đã xếp hàng rồng rắn để chờ đến lượt mua sản phẩm. Cách đó không xa, hai thương hiệu trà sữa nước ngoài đình đám nhất hiện nay là The Koi và Gong Cha luôn ở trạng thái tấp nập, còn giờ cao điểm phải dùng từ “đông nghẹt” mới có thể diễn tả hết độ “hot” của các hệ thống này.

Bán trà sữa lãi bao nhiêu?

Khoảng hai thập kỷ trước, món trà sữa lần đầu xuất hiện tại Việt Nam với tên gọi “trà sữa trân châu” khá phổ biến với một số cửa hàng mang tính chất dã chiến, pha chế, đóng gói thủ công. Anh Nguyễn Đang Quế, một đầu bếp trẻ cho biết, công thức chế biến trà sữa rất đơn giản bao gồm trà, sữa béo, nước dừa, trân châu và các thức ăn phụ kiện, trang trí khác… Nhìn chung, đây là một loại thức uống ngon, có thể được thị trường chấp nhận về lâu dài, còn việc trở nên thu hút mạnh mẽ giới trẻ lại phụ thuộc nhiều yếu tố, mà ở đây là tính xu thế vốn phổ biến trong nhiều lĩnh vực từ âm nhạc, đến thời trang…

Xét về mặt chi phí, nhiều người cho rằng giá thành của một ly trà sữa có lẽ chỉ…. 4.000-5.000 đồng nhưng giá bán ra lên đến 40.000-50.000 đồng và kết luận đây là một loại hình kinh doanh… siêu lợi nhuận. Thực tế, đây chỉ là phỏng đoán. Theo ông Trịnh Minh Huy, một chuyên gia về ẩm thực và kinh doanh nhà hàng phân tích, xét riêng về giá thành của một ly trà sữa, bao gồm nguyên vật liệu chế biến, cũng như ly, bao bì đóng gói sẽ dao động từ khoảng 7.000-10.000 đồng/ly tùy vào các thương hiệu, nhưng ở đây cần tính thêm các chi phí liên quan nhượng quyền, mặt bằng, chi phí vận hành, nhân sự… Điểm hấp dẫn chính là khách hàng giờ đây đã chấp nhận trà sữa, hoạt động theo mô hình hiện đại, thiết kế bắt mắt, có thương hiệu… ở một mức giá sàn 40.000 đồng/ly trong khi giá thành thấp. Điều đó đang khiến dòng tiền đổ vào loại hình kinh doanh này. Theo một chuyên gia thẩm định đầu tư, tổng chi phí đầu tư ban đầu cho một quản trà sữa vào khoảng một tỷ đồng, nếu có thể tận dụng luồng khách hàng đông đảo như hiện nay thì thời gian thu hồi vốn chỉ vào khoảng 12-18 tháng.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Minh Huy ước tính lợi nhuận từ trà sữa sau khi trừ hết các chi phí sẽ rơi vào tầm 60% so chi phí bỏ ra. Nhưng vấn đề ở đây là trà sữa đang bị biến thành một xu thế, tương tự như các món ăn uống một thời phất lên như trà chanh, bún đậu mắm tôm cách đây 5 năm (ở TP Hồ Chí Minh) rồi mì cay bảy cấp độ trong khoảng một năm qua… Ưa thích đấy, phát sốt đấy, nhưng thực khách cũng rất nhanh chán. Khi xu thế giảm nhiệt, những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, ăn theo và kém chất lượng sẽ lãnh hậu quả đầu tiên, và thường thì đây lại là những đơn vị đến sau, theo kiểu “thấy lãi mà ham rồi làm”. Đó là chưa kể, càng về sau nhu cầu giảm xuống, áp lực về mặt chi phí trong việc giữ chất lượng, bảo đảm nhân sự không lớn, nên lợi nhuận của trà sữa hiện tại dù có hấp dẫn thì xét trên tổng thể lâu dài vẫn sẽ được bình quân trở lại ở tầm 30-50%. Đây cũng là mức lãi phổ biến trong các loại hình kinh doanh ăn uống.