Bán buôn kiêm luôn bán lẻ?

Một thời đóng vai trò quan trọng trong chuỗi phân phối sản phẩm từ nhà sản xuất (NSX) tới tay người tiêu dùng nhưng các nhà bán buôn (NBB) đang gặp rất nhiều thách thức trước sự lớn mạnh của các hệ thống bán lẻ (HTBL). Cách đây nửa thập kỷ trở về trước, Nokia, Samsung, Sony… thường sẽ bắt tay các NBB lớn như: Petrosetco, Digiworld… để phân phối sản phẩm.

Hai lợi thế của NBB nằm ở chỗ mua sỉ từ NSX và được hưởng chiết khấu cao, sau đó cũng tiếp tục bán sỉ cho cửa hàng kèm theo những ưu đãi để hàng nhanh chóng tiêu thụ. Không những có lãi từ chênh lệch giá bán và giá mua, NBB được hưởng chiết khấu, thưởng từ NSX. Quyền lực của những công ty bán sỉ còn nằm ở mối quan hệ gần gũi, chặt chẽ với các cửa hàng.

Nhưng thách thức bắt đầu xuất hiện khi những Thế giới di động, Điện Máy Xanh, FPT Shop hay Tiki bắt đầu phát triển với tốc độ chóng mặt. Các đơn vị bán lẻ này hoàn toàn có thể tiêu thụ được một lượng hàng hóa tương đương, thậm chí còn lớn hơn các NBB. Dẫn chứng là doanh số của nhà bán lẻ Thế giới di động một quý lên đến hơn 20.000 tỷ đồng, gấp… 10 lần so một NBB là Digiworld doanh số chỉ gần 1.800 tỷ đồng. Trong khi đó, do hàng hóa phải đi qua “hai cửa” gồm: bán buôn rồi mới tới bán lẻ nên chi phí cũng sẽ đội lên khiến cho giá bán cao. Cũng phải nói thêm là khi các cửa hàng bán lẻ còn nhỏ, điều kiện tài chính không dồi dào, thường các NBB có thể cho kéo dài thời gian thanh toán cũng là một cách tạo ảnh hưởng. Nhưng các HTBL lớn, với điều kiện tài chính mạnh thì không cần phải gia hạn thanh toán. Các HTBL với cửa hàng rộng khắp hoàn toàn có thể đàm phán trực tiếp với NSX, các nhãn hàng về sản phẩm mà không cần qua đơn vị trung gian hỗ trợ. Sự chuyển dịch này cũng diễn ra từng bước, hiện cửa hàng bán lẻ vẫn hợp tác với các NBB ở một số sản phẩm, nhưng không còn dày như trước nữa.

Các NBB hiện cũng chỉ hợp tác chủ yếu với các cửa hàng, chuỗi bán lẻ tầm trung, mà tại các đơn vị này thì giá mua cũng sẽ thấp, khiến lợi nhuận thu về cũng thấp theo. Hệ quả là doanh thu dù khá “oách” với hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí chục nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận ròng/doanh thu chỉ vài % rõ ràng là không hấp dẫn cũng khiến các công ty gặp khó trong việc huy động hay tích luỹ vốn để mở rộng hệ thống.

Và khi khó thì phải chuyển hướng, và đây cũng là động lực buộc các NBB như: FPT Retail, Digiworld… kiêm thêm cả chức năng bán lẻ. Điều này thoạt nghe mâu thuẫn nhưng nhìn về dài hạn thì hợp lẽ, vì ngành bán lẻ sẽ theo hướng trực diện, tiết kiệm chi phí nên cần tiết giảm những khâu rườm rà. Đây có lẽ là lối thoát trong ngắn và trung hạn, để tạo ra diện mạo mới cho các NBB.