Bài toán chi phí

Thông tin hai sàn thương mại điện tử (TMĐT) Tiki và Sendo “về chung một nhà” đã được thị trường bàn tán từ nhiều tháng qua.

Thoạt nhìn, Tiki là một sàn bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng (B2C) giống mô hình của “gã khổng lồ” Amazon, mong muốn bán hàng chính hãng, chất lượng cao, trong khi Sendo đi theo mô hình “chợ trực tuyến” để các bên mua bán như Ebay, có vẻ như không có nhiều lý do để sáp nhập. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố khác nhau mà việc này nếu có diễn ra trong thời gian sắp tới cũng là điều hợp lý.

Thật ra cả hai sàn đều “ao ước” mình có thêm lợi thế của “đối thủ”. Mặc dù Tiki chú trọng các sản phẩm chính hiệu, chính hãng thông qua việc tiêu thụ bởi Tiki Trading, tuy nhiên từ nhiều năm nay, cũng đã mở cửa một phần cho các sàn khác lên bán hàng. Hiện nay, có nhiều sản phẩm mua từ Tiki nhưng bên bán không phải là Tiki Trading mà là một nhà bán lẻ nào đó, thậm chí Fahasa có hệ thống nhà sách và cả bán hàng trực tuyến, vẫn tham gia cùng với Tiki để bán lẻ sản phẩm của mình. Ở chiều ngược lại, vào năm 2018, Sendo cũng mở SenMall, được xem là cổng bán lẻ hàng chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nghĩa là hàng chính hãng.

Nhưng cả hai đều gặp vấn đề với tham vọng của mình, sau gần hai năm mở SenMall, giờ không còn thấy Sendo “nhấn nhá” vào cổng chính hãng này nữa. Trong khi đó, dù cũng có nhiều sàn tham gia trên Tiki, nhưng một số khách hàng cho biết họ ít mua hàng của sàn khác, chỉ canh hàng nào do Tiki Trading bán thì mua. Thậm chí cùng một mặt hàng, đối tác khác bán rẻ hơn Tiki Trading, vẫn có người chọn sản phẩm của Tiki Trading. Điều này rõ ràng cũng ảnh hưởng đến các đối tác tham gia chợ của Tiki. Sự phân tán nguồn lực như vậy rõ ràng bị ảnh hưởng và đe dọa bởi những đối thủ khác như: Lazada, Shopee… Nhất là trường hợp của Shopee, dù được xem là “mới nổi” nhưng mô hình “chợ” của Shopee với rất nhiều khuyến mãi, ưu đãi cho cả bên mua lẫn bên bán đã đe dọa đáng kể đến Sendo và gián tiếp ảnh hưởng đến Tiki.

Về bài toán chi phí, việc mỗi sàn phải tiếp tục đầu tư tiền cho cả những mảng không phải thế mạnh của mình sẽ phân tán và làm giảm luôn hiệu quả chi phí nên việc sáp nhập sẽ tiết kiệm đáng kể. Khi sáp nhập 1+1 có thể lớn hơn 2 để tạo ra một thể thống nhất và phân công rõ ràng, lúc đó mảng nào mang tính phổ thông, thậm chí là “chợ” có thể thừa hưởng từ kinh nghiệm vận hành của Sendo, trong khi những sản phẩm chính hãng sẽ được Tiki Trading phát triển mạnh hơn.

Thực tế, nếu cuộc sáp nhập này trở thành hiện thực cũng sẽ tạo áp lực ngược lại cho các sàn khác và lúc đó xu hướng sáp nhập có thể sẽ lan tỏa trên thị trường TMĐT.