Xu hướng tăng khó đảo ngược

Mặc dù không có được sức mạnh từ các cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn nhất nhưng trong phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 27-11, VN Index vẫn xác lập phiên tăng thứ 9 liên tục và đã đạt ngưỡng 1.010,22 điểm. Xu hướng tăng của thị trường chứng khoán (TTCK) là khá rõ ràng và khó đảo ngược trong trung hạn. Tuy nhiên, chỉ số vẫn có thể gặp khó khăn trong ngắn hạn khi tiếp cận kháng cự mạnh 1.000 - 1.020 điểm.

Hiện thị trường đã tăng trưởng tháng thứ 4 liên tiếp. Ảnh: NAM ANH
Hiện thị trường đã tăng trưởng tháng thứ 4 liên tiếp. Ảnh: NAM ANH

Các blue chip gây thất vọng khá nhiều phiên này khi tăng không đáng kể hoặc giảm. Trong 10 CP vốn hóa lớn nhất sàn HoSE thì chỉ có VHM tăng 0,36%, VCB tăng 0,53%, GAS tăng 0,24%, HPG tăng 3,28%. Còn lại VNM giảm 0,09%, VIC giảm 0,85%, BID giảm 0,35%, SAB giảm 0,77%, CTG, MSN tham chiếu. Do không có sức đẩy từ các mã lớn, VN Index chỉ tăng nhẹ hơn bốn điểm. Thật ra một số mã đến phút cuối mới tăng như: VCB, VHM, GAS. Các mã này giảm tốc hoặc chững lại là điều có thể dự tính trước vì vai trò quyết định của nhóm này đã thể hiện trong thời điểm VN Index vượt 1.000 điểm.

Ngược lại, hiện tượng nóng trở lại ở nhóm CP vừa và nhỏ là rất rõ ràng. Tuy sàn HoSE chỉ có 12 mã tăng kịch trần, nhưng số mã tăng hơn 2% tập trung rất nhiều ở nhóm CP vừa và nhỏ. Nhiều mã như HDG, AGR thậm chí bùng nổ thanh khoản lên mức kỷ lục đi kèm với giá kịch trần. AGR giao dịch 2,67 triệu CP là mức cao nhất trong gần ba năm. HDG cũng đạt thanh khoản cao nhất kể từ đầu tháng 9-2020. VOS đạt kỷ lục thanh khoản sáu tháng...

Nhóm CP vốn hóa nhỏ mới là các mã hưởng lợi nhiều nhất từ việc VN Index vượt đỉnh tháng 10 và vượt ngưỡng 1.000 điểm. Mã CVT là CP tăng mạnh nhất nhóm Smallcap khi bước sang phiên thứ 9 liên tục tăng hết biên độ. Chỉ trong tháng 11 này CVT đã tăng giá gấp đôi; PET, TCM cũng tăng 73% và 51%... Các CP nhỏ một khi đã tăng thường rất nóng. Điều kiện cần thiết chỉ là VN Index ổn định hoặc tăng. Các dòng tiền đầu cơ ưa thích bối cảnh TT thuận lợi vì khi đó việc đầu cơ giá lên rất dễ thu hút chú ý và lôi kéo nhà đầu cơ (NĐC) khác tham gia.

Đối với các NĐC, yếu tố cơ bản là không cần thiết, quan trọng là những CP nào tăng giá nhanh mà thôi. Ngay trong nhóm VN30 phiên này, mức tăng tốt nhất cũng tập trung ở các CP vốn hóa nhỏ. HDB tăng 6,72%, MBB tăng 2,56%, MWG tăng 2,39%, PNJ tăng 3,41%, POW tăng 3,74%, SBT tăng 2,8%. Đà tăng gần bốn tháng qua đã tiếp tục giúp VN Index lập kỷ lục về mức tăng cao liên tục mà chưa có điều chỉnh. Nhịp tăng thứ nhất, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 6-2020, VN Index tăng 36,5% mà không có nhịp điều chỉnh nào quá 4%. Nhịp tăng thứ hai từ cuối tháng 7 đến hiện tại, chỉ số tăng gần 29% mà nhịp điều chỉnh mạnh nhất cũng chỉ 4,39%.

Tính về biên độ tăng và điều chỉnh thì năm 2020 TT đang xác lập các kỷ lục về mức tăng dài liên tục với cường độ lớn mà không có giảm. Dĩ nhiên năm nay TT có thể xem là ngoại lệ vì hiện tượng Covid-19 tạo ra một tình thế chưa từng có trong lịch sử. Với mức 1.010,22 điểm của phiên này, VN Index đang tiến sát đến đỉnh cao nhất trong năm 2019, ở 1.024,91 điểm. Ngưỡng xấp xỉ 1.025 điểm này còn là mức đỉnh được duy trì liên tục từ tháng 7-2018 và kéo dài hết cả năm 2019. Vì vậy, việc chỉ số nhanh chóng quay lại đỉnh cao trung hạn nói trên có thể coi là bất ngờ lớn.

Bất ngờ còn ở chỗ TTCK năm 2020 không thể so sánh với năm 2019. Dù các dự báo năm 2021 được xem là rất tốt, GDP dự kiến tăng trưởng 6% nhưng tính ổn định cũng như khả năng tiên lượng cũng không thể như năm 2019. Đã có nhiều phân tích cơ bản chỉ cho rằng khả năng kinh doanh và lợi nhuận doanh nghiệp năm 2021 chỉ tương đương năm 2019.

Điều khác biệt chính là hiện tại TT có quá nhiều tiền lưu thông và nhu cầu mua CP rất lớn. Thanh khoản năm 2020 cao hơn nhiều so năm 2019. Vì vậy giá CP đang bị tác động bởi yếu tố cung cầu nhiều hơn là khả năng phục hồi của doanh nghiệp trong năm 2021.

Theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng nhóm phân tích chiến lược, Công ty CP CK KIS, có bốn thông tin có thể được xem là động lực chính giúp TT tăng trưởng lên sát ngưỡng 1.000 điểm như hiện nay là nền kinh tế phục hồi tốt hơn dự kiến sau dịch; ảnh hưởng tích cực từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); những chính sách mới của tân tổng thống Mỹ và tỷ trọng CP Việt Nam trong nhóm TT cận biên tăng lên. Hiện, TT đã tăng trưởng tháng thứ 4 liên tiếp. Xu hướng tăng của TT là khá rõ ràng và khó bị đảo ngược trong trung hạn. Tuy nhiên, chỉ số có thể gặp khó khăn trong ngắn hạn khi tiếp cận kháng cự mạnh 1.000 - 1.020 điểm. Do đó, TT có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh kỹ thuật hoặc tích lũy trước khi tăng tiếp.

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu cho rằng, những thông tin hỗ trợ TT trong giai đoạn này sẽ là sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau khi kiểm soát được dịch Covid-19. Điều này giúp doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp phục hồi trong giai đoạn cuối năm 2020 và trong năm 2021. Ảnh hưởng tích cực từ RCEP giúp nhà đầu tư kỳ vọng vào sự tăng trưởng của một số ngành; làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, làn sóng này khó đảo ngược trong trung hạn và Việt Nam vẫn là quốc gia được hưởng lợi… Bên cạnh đó, cần lưu ý về một số rủi ro có thể tác động đến TT. Dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại trên thế giới, do Mỹ và châu Âu đang bước vào mùa đông (mùa cúm). Tốc độ lây và số ca nhiễm mới ở một số nước đang ở mức cao kỷ lục, do đó có thể ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi kinh tế thế giới, đồng thời ảnh hưởng đến Việt Nam.