Tiềm ẩn khả năng giảm điểm

Hai phiên cuối tuần qua, VN Index giảm rất nhẹ 2,42 điểm trong khi bốn phiên tăng trước đó đã có được 26,09 điểm. Mức giảm là chưa đáng kể chủ yếu do vẫn còn sự phân hóa trong các nhóm cổ phiếu (CP) lớn nhất. Do vậy, áp lực chốt lời nếu có thì xuất phát trước hết ở các mã đã tăng cao. Khả năng VN Index có điều chỉnh ngắn hạn là hoàn toàn có thể, vì các mã có nguy cơ giảm đều là những CP lớn.

Khi nhóm cổ phiếu lớn bị chốt lời, các CP khác cũng có thể rơi vào tình trạng tương tự. Ảnh: NG.HẢI
Khi nhóm cổ phiếu lớn bị chốt lời, các CP khác cũng có thể rơi vào tình trạng tương tự. Ảnh: NG.HẢI

Thị trường (TT) đã tiếp tục thế giằng co trong phiên giao dịch ngày 7-11 khi nhóm CP dẫn dắt lần lượt bị chốt lời và giảm mức tăng. Sự chú ý của TT vẫn đang tập trung vào giao dịch ở nhóm CP họ Vingroup là: VHM, VIC và VRE. Đây là ba CP kiến tạo sự bùng nổ của VN Index và TT, trong đó đặc biệt là VHM. Vốn hóa của VHM quá lớn nên sức tăng mạnh mẽ những ngày qua đã giúp duy trì đà đi lên ở chỉ số. Đóng cửa phiên, VHM tiếp tục tăng 0,1% và bước sang phiên tăng thứ 8 liên tục. Trong tám phiên VHM tăng giá 15,7%, mạnh nhất trong tất cả các blue chip của sàn HoSE.

Tương tự, VRE cũng đang bị bán ra khá nhiều và hai phiên gần đây hầu như không tăng được nữa. Đóng cửa phiên này, VRE tăng 0,14% nhưng so mức tăng tới 1,71% ngay đầu phiên thì rõ ràng là không đáng kể. VIC không có thông tin mua CP quỹ, giá tăng mấy ngày qua chủ yếu theo đà VHM và VRE. Phiên này, VIC giảm mạnh 0,9%. Nhóm CP ngân hàng (NH) cũng thu hút sự chú ý khi BID bất ngờ tăng vọt 1,96% và EIB tăng 5,75%.

VN Index đóng cửa phiên giảm nhẹ 0,09% (0,88 điểm) chủ yếu là do ảnh hưởng của các CP dẫn dắt bắt đầu suy yếu. Các blue chip tăng giá quá yếu để thay thế và nâng đỡ chỉ số. Nhóm blue chip VN30 vẫn duy trì được trạng thái phân hóa tăng giảm, dù số CP tăng mạnh rất ít. Ngược lại, nhóm CP vừa và nhỏ rơi rụng rất nhiều và hầu hết giảm giá. Nhóm đầu cơ “nóng” đi lùi rõ nhất khi DRH sụt giảm 6,78%. FLC tiếp tục giảm 2,59% và giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp.

Sắc đỏ chiếm áp đảo trong phiên này cho thấy NĐT cũng đang bán ra mạnh ở nhiều CP, dù VN Index đang trong xu hướng tăng mạnh. Phiên này mới là phiên giảm đầu tiên sau bốn phiên tăng vượt 1.000 điểm. Tuy nhiên, dấu hiệu suy yếu cũng thể hiện ở nhóm CP dẫn dắt, đồng thời thanh khoản giảm thêm. Tổng giá trị giao dịch của HoSE và HNX phiên này chỉ còn 4.521 tỷ đồng, giảm 10% so phiên kề trước.

Đà tăng của các CP kéo chỉ số VN Index đã kết thúc trong ngày cuối tuần qua. VHM giảm mạnh đã khiến chỉ số mất hơn 1,5 điểm. Lo ngại lớn nhất trong ngắn hạn là đà tăng giá mạnh liên tục của CP VHM, vốn dĩ đưa VN Index bay cao, sẽ kết thúc. Ảnh hưởng của CP này quá lớn, nên nếu nó tăng giá sẽ giúp chỉ số tăng nhưng nếu giá điều chỉnh sẽ gây tác động tương tự.

Phiên này, nhà đầu tư (NĐT) bắt đầu xả VHM với quy mô lớn và đẩy giá giảm 1,01%. Ngay lập tức VN Index bị ảnh hưởng. Sau liên tiếp ba phiên trồi sụt mạnh, đến phiên này, VHM đã không thể tăng thêm. VRE cũng chịu ảnh hưởng từ VHM với mức giảm giá lên tới 1,56%. Phiên này, thanh khoản của VRE còn lớn hơn cả VHM với 4,07 triệu CP, tương đương 142 tỷ đồng giá trị.

Một điểm khá bất ngờ với cả VHM lẫn VRE là bất chấp NĐT trong nước chốt lời nhiều, khối NĐT nước ngoài vẫn mua vào rất mạnh và là hai CP được khối này mua nhiều nhất phiên. Cụ thể, VHM được mua vào 712.280 CP và mua ròng 628.390 CP. VRE được mua 1,72 triệu CP và bán 866.930 CP. Lực mua của khối NĐT nước ngoài là một trong những yếu tố hỗ trợ giá hai CP này không giảm sâu hơn.

Diễn biến giảm giá của VHM và VRE có tác động xấu lên VN Index, nhưng diễn biến đó được giảm nhẹ phần nào nhờ một số CPNH. Thực tế, trong nhóm CPNH chỉ có VCB là lớn tương đương VHM, nhưng đáng tiếc mã này chỉ tăng 0,22%. Vì vậy, việc CTG tăng 0,22%, TCB tăng 1,21%, VPB tăng 0,68%, HDB tăng 1,72% cũng không thể “gánh” được cho VHM.

Sau khi VN Index bùng nổ hôm 1-11 vượt qua ngưỡng 1.000 điểm, cả tuần qua chỉ số chỉ tăng được thêm 0,7%. Đó là mức tăng rất yếu. Trong khi đó, một số mã lớn tăng khá mạnh: BID tăng 4,19%, TCB tăng 5,68%, VHM tăng 3,47%, VCB tăng 3%... Đó là các CP vốn hóa rất lớn có khả năng kéo chỉ số mạnh mẽ. Điều đó cho thấy đang có nhiều CP khác giảm giá nên VN Index mới bị kìm hãm như vậy. Điều đáng lo ngại hơn là khi các CP nói trên quay đầu giảm, các CP không tăng được hoặc tăng rất ít thời gian qua có thể lại giảm theo.

Nói cách khác, TT rơi vào tình trạng tăng quá tập trung nên diễn biến của VN Index chính là diễn biến của nhóm CP dẫn dắt và ngược lại. VHM, VRE đã có dấu hiệu bị chốt lời và các CP khác cũng có thể rơi vào tình trạng tương tự trong tuần này.

Hai phiên cuối tuần qua, VN Index giảm rất nhẹ 2,42 điểm trong khi bốn phiên tăng trước đó có được 26,09 điểm. Mức giảm là chưa đáng kể chủ yếu do vẫn còn sự phân hóa trong các nhóm CP lớn nhất. Tuy nhiên, mức độ điều chỉnh là chưa rõ ràng. Khi VN Index vượt qua mốc 1.000 điểm và tiến tới 1.030 điểm tuần qua thì phần lớn số CP vẫn không vượt qua được giá tương đương thời điểm chỉ số còn dưới 1.000 điểm. Do vậy, áp lực chốt lời nếu có thì xuất phát trước hết ở các mã đã tăng cao. Khả năng VN Index có điều chỉnh giảm ngắn hạn là hoàn toàn có thể, vì các mã có nguy cơ giảm đều là những CP lớn. Mức độ tác động lên phần còn lại của TT mới là ẩn số.