Thị trường tiếp diễn xu hướng tăng

Sang phiên giao dịch ngày 26-5, đà tăng của thị trường (TT) chưa có dấu hiệu suy yếu, thậm chí đang mạnh trở lại. Xu thế tăng kéo rất dài mà không có điều chỉnh mạnh đã nhiều lần thuyết phục được nhà đầu tư (NĐT) quay lại. Không ít đợt chốt lời lớn đã diễn ra nhưng trước xu hướng TT không giảm, nhiều dòng tiền đã thu về lại quay trở lại.

Xu thế tăng điểm kéo dài đã thuyết phục được nhà đầu tư quay lại thị trường. Ảnh: NAM HẢI
Xu thế tăng điểm kéo dài đã thuyết phục được nhà đầu tư quay lại thị trường. Ảnh: NAM HẢI

Trước đó, TT tiếp tục có phiên đầu tuần (ngày 25-5) khá tích cực, nhưng bất ngờ nhóm blue chip chững lại khiến VN Index tăng không cao. Trong khi đó, các mã vừa và nhỏ lại thu hút được dòng tiền và bật lên mạnh mẽ. VN Index kết thúc phiên này với mức tăng 0,74% nhưng chưa chinh phục được mốc 960 điểm của tuần trước. Nhóm blue chip dù sao vẫn là động lực nâng đỡ chính cho VN Index dù mức tăng kém. Trong tốp 10 CP vốn hóa lớn nhất TT thì duy nhất VNM và CTG là tăng quá 1%, đóng cửa trên tham chiếu tương ứng 2,8% và 1,1%...

Có thể thấy các mã lớn nhất hầu như chỉ phân hóa giằng co, số ít có sức bật tốt nên động lực cho chỉ số chỉ dừng lại mức trung bình. Hai mã vốn hóa cực lớn như VCB và VHM hầu như không đẩy được điểm số bao nhiêu nên VN30 Index có mức phục hồi quá tệ phiên này so mức giảm hơn 1,5% trong phiên cuối tuần trước. VN Index khá hơn, phiên cuối tuần trước giảm gần 10 điểm, phiên này lấy lại được 6,3 điểm. Hiện tượng dịch chuyển của dòng tiền cũng thể hiện khá rõ trong thanh khoản. Nhóm VN30 phiên này khớp lệnh giảm khoảng 8% so phiên trước và chỉ còn chiếm 52,4% giá trị sàn HoSE.

Các CP đầu cơ cũng là nhóm hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng tiền. Khoảng 26 CP tăng hết biên độ sàn HoSE hầu hết là các mã quen thuộc như: FRT, HDC, HDG, PHR, TTB, ITA, TIP, BFC... Hiện tượng các CP khu công nghiệp (KCN), chứng khoán (CK) phiên này tăng nóng là do sự dịch chuyển dòng tiền giữa các nhóm CP. Đây là điều thường thấy sau khi giá đã tăng cao một đoạn vì lúc này NĐT cần có kỳ vọng mới làm điểm tựa.

Không phải các mã blue chip đã hết thời. Các doanh nghiệp (DN) này vẫn tốt, nhưng giá đã tăng nhiều và thanh khoản thường rất lớn để kéo giá cao thêm. Trong khi đó các mã nhỏ hơn vẫn có thể tìm thấy câu chuyện riêng để tạo kỳ vọng. Phiên này nhóm CP bất động sản KCN như: SZC, SZL, LHG, ITA, KBC... đều tăng rất mạnh sau khi chững lại tuần trước. Kỳ vọng chính vẫn là sự hưởng lợi từ khả năng thu hút đầu tư nước ngoài sau dịch Covid-19.

Hay như với các CP CK: SSI tăng 1,75%, HCM tăng 2,7%, VND tăng 2,02%, SHS tăng 2,27%, do NĐT kỳ vọng thanh khoản cao kỷ lục gần đây sẽ giúp các DN hưởng lợi. TT cũng lên giá tốt từ đầu quý II thì danh mục đầu tư cũng tốt hơn... Các câu chuyện tạo được kỳ vọng như vậy thường dẫn đến sự phân hóa CP và các chỉ số không còn được quan tâm nhiều. Nếu như nhóm CP ngân hàng (NH) hay VIC, VHM đuối sức thì chỉ số có thể giảm, nhưng các mã có câu chuyện hấp dẫn vẫn tăng. Các CP lớn chỉ còn vai trò co kéo đỡ chỉ số không giảm, tạo cơ hội cho dòng tiền xoay chuyển sang các nhóm CP khác.

Sang phiên giao dịch ngày 26-5, đà tăng của TT vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu, thậm chí đang mạnh trở lại. VN Index phiên này tăng thêm hơn 10 điểm nữa và áp sát mốc 970 điểm. Nhóm CPNH lớn đóng vai trò dẫn dắt. Điều khá bất ngờ là VN30 Index vẫn chỉ tăng 0,96%. Đà tăng giá là áp đảo ở nhóm blue chip, nhưng sức mạnh tăng thì phân hóa nhiều. Nhóm dẫn đầu là các CPNH lớn và may mắn cho VN Index là VCB tăng 1,73% và BID tăng 5,93% là hai CP lớn của TT. Các trụ còn lại cũng phân hóa nhiều. Nhóm trụ này đã không đồng thuận để tạo phiên bùng nổ mạnh hơn. Thực tế TT chỉ bùng nổ ở các CP cụ thể.

Với xu thế tăng của TT, việc chọn được CP mạnh hơn TT sẽ đem lại lợi nhuận nhanh hơn. Blue chip có mức tăng hạn chế và thay phiên nhau. Nhóm tăng nóng nhất vẫn là các mã vừa và nhỏ. Hàng CP kịch trần đều thuộc nhóm này. Lợi thế duy nhất của blue chip là có thanh khoản cao, tạo điều kiện cho các lệnh quy mô lớn. Thí dụ HPG tiếp tục tìm đỉnh cao mới mà giao dịch luôn đạt ngưỡng lớn nhất TT với hàng trăm tỷ đồng giá trị.

Xu thế tăng điểm kéo rất dài mà không có điều chỉnh mạnh đã nhiều lần thuyết phục được NĐT quay lại. Không ít đợt chốt lời lớn đã diễn ra nhưng TT không giảm nổi và tiền đã thu về phải mua trở lại. Phiên này, riêng giá trị khớp lệnh hai sàn đã đạt 5.675 tỷ đồng, tăng 16% so phiên đầu tuần và là phiên khớp lệnh vượt 5.000 tỷ đồng thứ 8 chỉ trong vòng hơn hai tuần. Tổng giá trị (bao gồm cả thỏa thuận) vượt ngưỡng 6.000 tỷ đồng phiên thứ 9 trong cùng thời gian. Đây là chuỗi ngày xác lập quy mô giao dịch lớn ở mức này dài nhất trong lịch sử. Ở các đỉnh trước đây, thường khi thanh khoản đột biến thì sau đó sẽ giảm và TT điều chỉnh theo. Lúc này thanh khoản lớn liên tục và TT vẫn tăng cao hơn. Diễn biến như vậy chứng tỏ phải có lượng tiền rất mạnh đang hoạt động. Bên cạnh lượng tiền mới gia nhập qua các tài khoản mới mở, hẳn mức độ sử dụng đòn bẩy cũng rất cao.

Khả năng duy trì thanh khoản cao sẽ kéo dài đến lúc nào là ẩn số khó đoán. Điều dễ thấy nhất là trạng thái hưng phấn cao độ vì hầu như mua là thắng. Nhiều NĐT chốt lời có lãi lớn nhưng chưa hẳn là khôn ngoan vì giá vẫn còn lên tiếp. Vòng xoáy này vô hình trung góp phần tạo thanh khoản cao hơn nữa vì tiền không chịu nghỉ ngơi. Hiện tại, TT hoàn toàn được điều khiển bởi cung cầu hằng ngày nên chừng nào thanh khoản còn duy trì lớn như vậy, xu hướng tăng điểm sẽ còn tiếp diễn.