Thị trường sôi động trở lại

Khi thông tin kết quả kinh doanh xuất hiện dày đặc hơn, nhiều nhà đầu tư (NĐT) cho rằng đã đến thời điểm “chín muồi” để mua vào. Minh chứng là phiên giao dịch ngày 16-7, TT đã chứng kiến thanh khoản tăng vọt và giao dịch rất sôi động ở nhiều nhóm cổ phiếu (CP) blue chip. Và cũng khá lâu rồi TT mới có được nhiều CP giao dịch vượt ngưỡng “trăm tỷ” như phiên này. Dòng tiền đổ vào nhóm blue chip đã đẩy giao dịch lên rất cao.

Nhà đầu tư cho rằng đã đến thời điểm để mua vào khi thông tin kết quả kinh doanh xuất hiện dày đặc hơn.
Nhà đầu tư cho rằng đã đến thời điểm để mua vào khi thông tin kết quả kinh doanh xuất hiện dày đặc hơn.

Trước đó, TT phiên đầu tuần (ngày 15-7) tiếp tục sụt giảm sang ngày thứ hai, nhưng vẫn có những điểm sáng tăng giá. MWG là CP nổi bật khi chính thức đột phá qua đỉnh cao nhất trong lịch sử. MWG còn là tài sản cơ sở cho chứng quyền (CW) do bốn công ty chứng khoán (CTCK) phát hành. Trong bối cảnh TT èo uột, MWG đột ngột giao dịch cực mạnh. Thật ra, CP này đã tăng rất tốt trước đó và trong một xu thế đi lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, phiên này là phiên lịch sử khi MWG tăng giá 3,16% để vượt lên trên tất cả các đỉnh cao trong quá khứ.

Phiên này, MWG đã đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử niêm yết tại mốc 101.200 đồng/CP. Thanh khoản của MWG cũng đứng thứ hai trên TT, chỉ sau ROS. MWG chuyển nhượng gần 1,56 triệu đơn vị trị giá 156,5 tỷ đồng. Phiên tăng mạnh này giúp mức tăng trưởng bảy tháng đầu năm 2019 của MWG đạt 18,3%, nằm trong số các blue chip đem lại lợi nhuận nhiều nhất cho NĐT. Đặc biệt chỉ từ giữa tháng 4 tới nay, MWG đã tăng giá gần 26,5%.

MWG tăng không chỉ đem lại lợi nhuận tốt cho NĐT nắm giữ CP, mà còn sinh lời lớn cho các NĐT sở hữu CW dựa trên mã này. Hiện có bốn CTCK phát hành CW dựa trên MWG là BSC, VND, HCM và SSI. Trong số này, chứng quyền của SSI có giá tham chiếu phiên này là 19.400 đồng và mức tăng CW ước 2,6%. Cả ba CW của các CTCK còn lại đều tăng hơn 10%.

Việc MWG tăng giá mạnh trong thời gian ngắn có thể do kỳ vọng kết quả kinh doanh tốt, nhưng cũng có thể do ảnh hưởng của hoạt động đầu cơ. Do CP này làm cơ sở cho CW nên khả năng bị đầu cơ sẽ cao hơn thời điểm trước khi được sử dụng làm tài sản cơ cở. Bình thường bất kỳ CP nào cũng có thể bị đầu cơ giá lên, nhưng khi có thêm CW, khả năng gia tăng lợi nhuận của bên đầu cơ sẽ được “gấp thếp”: Trước khi đẩy giá CP lên, nhà đầu cơ đã mua trước CW để tận dụng đòn bẩy lớn của sản phẩm này. Sau đó, MWG được đầu cơ giá lên như bình thường. Điểm khác là do quy định của luật, các CTCK phát hành CW buộc phải mua vào MWG để cân bằng rủi ro thanh toán cho CW. Như vậy bên đầu cơ CP sẽ có một đồng minh tự nhiên.

Khi giá CW lên cao, bên đầu cơ có thể chốt lời trực tiếp bằng cách bán thẳng trên sàn cho các NĐT khác, thay vì chờ đáo hạn để lấy tiền từ CTCK phát hành. Giá CP có thể được neo giữ một thời gian để xả xong CW.

Ngoài giao dịch khá kịch tính của MWG, phiên này, TT bình lặng và yếu. Chỉ số VN Index kết thúc phiên với mức giảm 0,29% (2,87 điểm). Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp và chỉ số lùi trở lại sát 970 điểm, chỉ còn 972,53 điểm. Tuy nhiên, TT chung không thể tích cực nếu chỉ dựa trên một vài CP giao dịch cá biệt. MWG, VCB hay TCB chỉ là số ít mã tăng độc lập. Phiên này thanh khoản TT lại rất thấp. Giá trị thỏa thuận tăng gần 45% nhưng giá trị khớp lệnh lại giảm hơn 12% so phiên trước. Những mã như ROS, MWG giao dịch rất lớn, trong khi số khác lại giảm thanh khoản.

Khi thông tin kết quả kinh doanh xuất hiện dày đặc hơn, nhiều NĐT cho rằng đã đến thời điểm “chín muồi” để mua vào. Phiên giao dịch ngày 16-7, TT đã chứng kiến thanh khoản tăng vọt và giao dịch rất sôi động ở nhiều nhóm CP blue chip. VN Index đóng cửa phiên này tăng vọt 0,99% hay 9,58 điểm. Mức tăng này thật ra cũng không phải là đột biến. Từ đầu tháng 6 trở lại đây TT đã có nhiều phiên chỉ số tăng hơn 10 điểm. Tuy nhiên, phiên này giao dịch sôi động hơn hẳn khi các lần tăng trước chỉ có điểm số mà không có thanh khoản. Đáng chú ý nhất vẫn là VCB, CP đang lập đỉnh cao mới trong lịch sử.

Mức tăng mạnh của VN Index phiên này cũng có công lớn của nhóm CP họ “VinGroup”: VIC tăng 1,49%, VHM tăng 2,32%, VRE tăng 2,07%. Sức tăng của VN Index có thể sẽ mạnh hơn nữa nếu các CP lớn khác chuyển động cùng hai nhóm dẫn dắt: CP ngân hàng (NH) và CP họ “Vin Group”.

Tuy không tăng đều, nhưng nhóm blue chip vẫn là động lực chính của TT phiên này. Có tới 20/30 CP trong rổ này tăng giá, chỉ có bốn mã giảm giá. Một trong những nguyên nhân giúp các chỉ số tăng cao hơn hẳn các phiên trước là nhóm blue chip tăng giá mạnh. Các CP này tăng giá lại nhờ dòng tiền đổ vào quy mô lớn. Trong khi đó nhóm vốn hóa vừa và nhỏ bị dòng tiền rút ra, giá đa phần giảm. Cả TT phiên này có chín CP giao dịch khớp lệnh vượt 100 tỷ đồng, trong đó CPNH đóng góp VCB, BID, CTG, MBB. Có thể thấy nhóm CPNH thu hút được sự chú ý của NĐT. Với thông tin kết quả kinh doanh tích cực từ một vài NH đã công bố, NĐT cho rằng các NH còn lại cũng sẽ tích cực. Dòng tiền đầu cơ đã nhảy vào mua ở nhóm này. Ngoài CPNH, PLX, HVN, VRE, VJC cũng là các blue chip giao dịch sôi động.

Ngoài vài mã nói trên, số còn lại đều tăng giá mạnh và thanh khoản rất cao. Điều đó chứng tỏ NĐT mua mạnh lên và kéo giá tăng. Tổng giá trị TT phiên này đạt 4.889 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so phiên đầu tuần. Giá trị khớp lệnh tăng 24%, đạt 3.664 tỷ đồng.