Thị trường phân hóa mạnh

Với mức thanh khoản tăng gần gấp đôi so giai đoạn 2018 - 2019, thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn có dư địa tăng. Bên cạnh đó, diễn biến của TTCK tháng 10 hằng năm thường phản ánh thông tin kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp (DN), giúp dự báo khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra của cả năm. Đây là nhân tố tác động khiến TT có sự phân hóa mạnh. 

Nhà đầu tư có phần thận trọng khiến thị trường giao dịch phân hóa. Ảnh: HẢI NAM
Nhà đầu tư có phần thận trọng khiến thị trường giao dịch phân hóa. Ảnh: HẢI NAM

Phiên giao dịch ngày 1-10, TT đã thể hiện phản ứng rất tích cực với tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất chiều 30-9. Dòng tiền chảy vào TT đã gia tăng khá tốt đẩy VN Index tăng gần 9 điểm. Do tin giảm lãi suất được ém lại đến sau giờ giao dịch mới công bố nên chỉ số ít nhà đầu tư (NĐT) nhạy tin mới biết trước. TT đến phiên này tất cả các NĐT mới thật sự thể hiện quan điểm của mình. Một phiên giao dịch khá sôi động nhưng nhóm cổ phiếu (CP) NH đã phải nhường vai trò dẫn dắt cho các mã lớn khác. CPNH cũng tăng, nhưng mức độ nhẹ.

Tin giảm lãi suất huy động về lý thuyết là tốt cho NH vì giảm được chi phí đầu vào. Tuy nhiên do trước khi có quyết định này, các NH đã giảm lãi suất huy động đáng kể, thậm chí nhiều NH còn duy trì biểu lãi suất kỳ hạn dưới sáu tháng thấp hơn cả quy định (4%/năm) nên tin giảm lãi suất không mới. Nhóm tăng đẩy VN Index mạnh nhất phiên này là VHM tăng 2,12%, VIC tăng 1,09%, GAS tăng 1,54%, HPG tăng 2,27%.  Nhóm CPCK cũng giao dịch rất khả quan. Có lẽ việc giảm lãi suất có hiệu ứng tốt cho nhóm này khi thanh khoản chung đang ở mức cao. 

Mức tăng 8,88 điểm phiên này đã giúp VN Index san bằng được phiên giảm ngày 29-9 vừa qua. Chỉ số đóng cửa đạt 914,09 điểm. Như vậy xu thế đi lên từ cuối tháng 7 vẫn đang được nối dài hơn, thay vì điều chỉnh ngắn hạn.

Thông tin giảm lãi suất được TT đón nhận khá hào hứng là điều tích cực. Lúc này TT đang khát tin hỗ trợ. Việc giảm lãi suất trên thực tế cũng không giúp ích gì nhiều vì trước khi có tin này, các NH đã giảm lãi suất huy động trước. Dù vậy điều quan trọng không phải là các lợi ích mang tính định lượng, mà quan trọng hơn là cách TT đón nhận thông tin.

NĐT đã mua tốt hơn và đẩy thanh khoản lên 6.568 tỷ đồng khớp lệnh, tăng gần 9% so phiên 30-9. Tổng giá trị chỉ tăng khoảng 6% do thỏa thuận giảm đi. Tuy vậy, cũng phải lưu ý là sự gia tăng thanh khoản dồn vào các CP vốn hóa trung bình và nhỏ, nơi các NĐT cá nhân nhỏ lẻ chiếm ưu thế tuyệt đối. Đây cũng thường là nhóm NĐT phản ứng mạnh nhất với thông tin hỗ trợ. Khả năng duy trì điểm số tích cực, mức điều chỉnh nếu có đều ngắn và nhẹ là một biểu hiện TT mạnh. NĐT đang thể hiện kỳ vọng rất lớn khi mặt bằng lãi suất ngày càng thấp, lượng tiền nhàn rỗi không biết đầu tư vào đâu lúc này.

Mặc dù TT không giữ được phong độ như tháng 8 nhưng với sự dẫn dắt của dòng tiền mạnh cùng sự luân phiên của các blue chip, các chỉ số vẫn duy trì được đà tăng điểm. Kết thúc tháng 9, chỉ số VN Index tăng hơn 23 điểm, tương ứng tăng 2,67%; còn HNX Index tăng hơn 8 điểm, tương ứng tăng 5,52%. Giới đầu tư đang khá lo ngại về diễn biến TT, bởi sau đợt tăng điểm kể từ đầu tháng 8 đến nay, các chỉ số và CP tiến vào những vùng giá cao hơn, gần sát vùng giá quá mua và nhìn vào biểu đồ kỹ thuật, đã có nhiều mã đi vào vùng quá mua, khiến rủi ro của thị trường gia tăng. Tuy nhiên, với sự phân tích về xu hướng tăng của TT, bất chấp ảnh hưởng hưởng đại dịch khá nghiêm trọng cũng như NĐT nước ngoài liên tục bán ròng mạnh, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty CK VPS cho rằng, với mức thanh khoản tăng gần gấp đôi so giai đoạn 2018 - 2019, TT vẫn có dư địa tăng. Diễn biến của TTCK tháng 10 hằng năm thường phản ánh thông tin công bố kết quả kinh doanh quý III của DN , giúp dự báo khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra của cả năm. Đây cũng là nhân tố tác động mạnh khiến TT có sự phân hóa. Trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10, bên cạnh nhóm CPCK nổi sóng, nhiều mã lớn và blue chip cũng tăng vọt, đã giúp TT duy trì đà tăng khá tốt.

Sang phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 2-10, tâm lý NĐT có phần thận trọng hơn khiến TT giao dịch phân hóa. Chỉ số VN Index vẫn đứng trên mốc tham chiếu nhưng chỉ biến động nhẹ quanh vùng giá 915 điểm. Sóng tăng ở nhóm CPCK cũng nhanh chóng hạ nhiệt khi nhiều mã chỉ còn nhích nhẹ. 

Trong khi đó, POW khá ấn tượng khi tăng vọt ngay từ đầu phiên và hiện đứng tại mức giá 10.750 đồng/CP, tăng 4,4%, đây là mức giá cao nhất của CP này trong hơn ba tháng qua, thanh khoản cũng sôi động và dẫn đầu sàn HoSE, đạt 7,86 triệu đơn vị. 

Áp lực bán bất ngờ gia tăng ở nhóm CP blue chip khiến TT đảo chiều điều chỉnh. Tuy nhiên, ngay khi bị đẩy về sát mốc 910 điểm, lực cầu bắt đáy nhập cuộc giúp TT hồi nhẹ. Sau cú lao dốc mạnh đầu phiên, tâm lý NĐT nhanh chóng ổn định và với sự hỗ trợ từ dòng tiền mạnh, các chỉ số dần thu hẹp biên độ, thậm chí HNX Index lấy lại đà bật cao.

Bước sang phiên giao dịch chiều 2-10, lực bán tháo bất ngờ xuất hiện ngay khi mở cửa khiến TT lao dốc. Đà giảm càng nới rộng khi lực bán diễn ra khá mạnh và dứt khoát. Chỉ trong chưa đầy 10 phút giao dịch, chỉ số VN Index đã để mất tới hơn 15 điểm và thủng mốc 900 điểm. Tuy nhiên, ngay khi để mất ngưỡng kháng cự mạnh này, lực cầu bắt đáy nhập cuộc tích cực đã giúp TT bật ngược đi lên. Đóng cửa, sàn HoSE 294 mã giảm, VN Index giảm 4,18 điểm, xuống 909,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 527,16 triệu đơn vị, giá trị 8.592,17 tỷ đồng, tăng 49,59% về khối lượng và hơn 27% về giá trị so phiên mở đầu tháng 10.