Thị trường gặp lực xả mạnh

Hiện tượng nâng cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn khiến chỉ số bớt giảm, tạo khoảng mờ về thị trường (TT). Nếu nhìn từ chỉ số thì cả tuần qua, VN Index thậm chí vẫn tăng nhẹ hơn 7 điểm. Thế nhưng hàng loạt CP giảm 2 - 3%. Kéo trụ thường gây tác động ngược vì hiện tượng này không còn quá mới đối với phần lớn nhà đầu tư (NĐT), trừ những người mới tham gia TT. Liên tục các nhịp phục hồi trên cơ sở làm đẹp điểm số, nhưng “xanh vỏ, đỏ lòng” càng dễ khuyến khích NĐT bán ra.

Nhà đầu tư mua rất mạnh nhưng cũng không hết khối lượng cổ phiếu trên thị trường. Ảnh: HẢI NAM
Nhà đầu tư mua rất mạnh nhưng cũng không hết khối lượng cổ phiếu trên thị trường. Ảnh: HẢI NAM

Từ động lực của phiên bắt đáy thành công ngày 14-4, TT được trông đợi sẽ bùng nổ trong phiên giao dịch ngày 15-4, nhất là khi hợp đồng phái sinh đáo hạn. Nhưng bất ngờ NĐT lại xả hàng mạnh, khiến cả TT giảm.

Gần như toàn bộ các mã CP ngân hàng (NH) phiên này đều giảm, phần lớn giảm rất mạnh. Đây là điều bất ngờ vì NĐT trông đợi CPNH sẽ đưa TT lên cao. Kết quả kinh doanh tốt và dòng tiền đổ vào lớn đáng lẽ phải hiện thực hóa hy vọng đó. Rất tiếc, có lẽ NĐT đã mua tích lũy quá nhiều ở vùng giá thấp và đến lúc này nhu cầu chốt lời lại cao hơn. Nếu có CP, nhóm CP nào thể hiện sự định giá trước tương lai thì chính là CPNH. Đà tăng hơn một tháng nay đã khiến nhiều mã CPNH vượt đỉnh lịch sử và giờ thì ai cũng có lời. Các mã CPNH lớn nhất phiên này lại giảm nhiều nhất. 

Nhóm CPNH vẫn là các CP vốn hóa rất lớn, nếu tính chung thì còn lớn hơn nhiều so nhóm CP họ Vingroup. Vì thế khi VIC tăng quá nhẹ 0,64%, VHM tăng 0,7%, sự chênh lệch vốn hóa vẫn rất rõ. Ước tính VIC và VHM chỉ cộng cho VN Index khoảng 1,5 điểm. 

Hệ thống giao dịch vẫn đang thông suốt ở mức thanh khoản quanh 20.000 tỷ đồng trên sàn HoSE. Phiên này sàn này khớp lệnh hơn 19.000 tỷ đồng. Tính chung hai sàn tổng giá trị giao dịch đạt gần 23.900 tỷ đồng, trong đó 1.960 tỷ đồng là thỏa thuận. 

Kể từ khi hệ thống giao dịch của HoSE “bất ngờ” thông suốt, TT liên tục xác lập ngưỡng giao dịch vượt 20.000 tỷ đồng và phiên này là ngày thứ 4. Tính từ đầu tuần qua, tổng giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình hai sàn vào khoảng 22.400 tỷ đồng. Đây chắc chắn sẽ là một tuần lập kỷ lục về thanh khoản.

Vậy nhưng dường như TT lại gặp khó khăn. Dòng tiền đổ vào các mã CPNH cực lớn, nhưng nhóm này lại đang có dấu hiệu hết đà tăng. TT sẽ nhìn vào “tấm gương” của CPNH để ước đoán biến động các CP khác. Kết quả kinh doanh không phải là yếu tố thần kỳ để tác động lên giá. Mọi mức tăng đều phải hợp lý. 

Ở phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 16-4, chỉ số VN Index để mất 0,68%. Một nhịp kéo xả nữa xuất hiện trong phiên sáng và áp lực bán đẩy thanh khoản lên cao kỷ lục. Các chỉ số điều chỉnh rất nhẹ nhưng CP lại giảm mạnh. Đó là dấu vết rõ nhất của hiện tượng kéo trụ. Cả bốn phiên cuối tuần qua đều có hiện tượng chỉ số tăng vọt lên sớm sau đó quay đầu rơi mạnh. 

Bóng dáng của VIC đậm nét trong các diễn biến này. Tuy đà tăng không nhiều, nhưng dao động của VIC lại lớn. Ngày nào VIC cũng bật lên mạnh ở những thời điểm nhạy cảm. Dĩ nhiên ngoài VIC cũng có một số mã khác, như NVL tăng mạnh 5,37%, PDR tăng 5,03%. Một số mã đầu cơ còn tăng trần. Tuy nhiên, tính về điểm số thì chỉ có VIC, cứu cho chỉ số VN Index khoảng hai điểm và cho VN30 Index khoảng ba điểm.

Hiện tượng nâng CP vốn hóa lớn khiến chỉ số bớt giảm, tạo khoảng mờ về TT. Nếu nhìn từ chỉ số thì cả tuần qua, VN Index thậm chí vẫn tăng nhẹ hơn 7 điểm. Thế nhưng hàng loạt CP giảm 2 - 3%. Ngay như rổ VN30, có tới 23 mã giảm hơn 2%, rổ VN Midcap có 57 mã giảm ở mức độ tương tự.

Do có trụ đỡ nên trừ phi NĐT nắm giữ trụ, còn không nguy cơ thiệt hại lớn tuần qua là cao. Đây là tình trạng khó xử vì phần lớn các phân tích thị trường đều nhìn từ VN Index. Trong khi đó CP cụ thể mới khiến NĐT lời hay lỗ.

Kéo trụ thường gây tác động ngược vì hiện tượng này không còn quá mới đối với phần lớn NĐT, trừ những người mới tham gia TT. Liên tục các nhịp phục hồi trên cơ sở làm đẹp điểm số, nhưng “xanh vỏ đỏ lòng” càng dễ khuyến khích NĐT bán ra.

Phiên này, TT gặp lực xả mạnh kể cả khi tăng. VIC, NVL tăng tốt đỡ VN Index xanh, nhưng số lượng CP giảm giá lại áp đảo đầu phiên. Đây là dấu hiệu của việc xả hàng từ sớm. Chỉ đến khi cả VIC cũng giảm, VN Index mới rơi sâu. Đến cuối phiên, sàn HoSE có số CP giảm giá nhiều gấp bốn lần tăng giá.

Biến động giá mạnh phiên này theo hướng giảm cũng đi cùng với mức thanh khoản cao. Giá trị khớp lệnh của HoSE cả ngày lên tới 20.048 tỷ đồng, vượt qua cả đỉnh thanh khoản kỷ lục hôm 13-4. Kể từ khi hệ thống giao dịch của HoSE được tăng công suất, liên tục các phiên mức khớp lệnh vọt lên hơn 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đi kèm mức giao dịch này lại là hiện tượng kéo xả liên tục. Như mới thống kê ở phía trên, hơn trăm nghìn tỷ đồng đổ vào TT nhưng CP lại giảm giá nhiều. Đó không phải là sự kết hợp thuận lợi. NĐT mua rất mạnh nhưng khối lượng CP cũng rất lớn. Không phải lúc nào lực mua cũng đủ để thắng bên bán, vì khối lượng CP luôn lớn hơn khối lượng tiền nằm trong tài khoản.

TT đang bước vào giai đoạn cao trào thông tin kết quả kinh doanh. NĐT đã không còn kỳ vọng nhiều mới chấp nhận bán ra ở quy mô lớn như vậy. CPNH là một chỉ báo với NĐT khi quá kỳ vọng vào những mã đã tăng nhiều trong ngắn hạn, bất chấp yếu tố cơ bản tốt đến đâu.