Thị trường duy trì sự phân hóa

Phiên giao dịch ngày 28-4, thị trường (TT) tiếp tục đón nhận thêm một vài kết quả kinh doanh khá bất ngờ. Đã có lúc VN Index xanh, nhưng sức ép bán ra mạnh hơn vẫn đẩy TT rơi vào thế yếu, thậm chí các mã đầu cơ cũng không còn sung sức. Thực tế, TT vẫn đang duy trì độ phân hóa nhất định chứ không giảm đồng loạt.

Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang hưởng lợi lớn từ thị trường. Ảnh: NAM NGUYỄN
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang hưởng lợi lớn từ thị trường. Ảnh: NAM NGUYỄN

Trước đó, VN Index đã mất hết các trụ đỡ trong phiên đầu tuần, ngày 27-4, khi nhà đầu tư (NĐT) tiếp tục bán ra cực mạnh ở nhóm blue chip. Ngược lại, các mã đầu cơ, cổ phiếu (CP) nhỏ lại được giao dịch rất sôi động và tăng ồ ạt. VN Index đóng cửa giảm 0,76%, VN30 Index giảm 0,74%, riêng chỉ số VNMidcap tăng 0,66% và VNSmallcap tăng 1,16%. Chỉ riêng sự trái ngược rõ nét này cũng đã thể hiện “gu” đầu cơ đang thịnh hành bất chấp TT có nguy cơ điều chỉnh.

Các NĐT nhỏ lẻ đang hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu cơ bất chấp TT đã suy yếu. Ở giai đoạn đầu sau khi TT tạo đỉnh và đang ngập ngừng rời đỉnh, hiện tượng đầu cơ thường bùng phát đến mức NĐT coi đó là dấu hiệu đỉnh. Các mã đầu cơ luôn “hớt” được dòng vốn nóng cuối cùng và tăng rất mạnh. Bản thân nhóm đầu cơ cũng chia hai loại rất rõ. Loại mạnh hầu hết là được đẩy mạnh hơn và kéo dài xu thế tăng, nôm na giới đầu cơ gọi là “vòng 2”. Nhóm còn lại đã rời đỉnh, diễn biến tăng mới nằm trong giới hạn phục hồi kỹ thuật và hầu hết thanh khoản không lớn bằng nhịp tăng trước do đã bị chốt lời một lần.

Trong bốn chỉ số dựa trên vốn hóa là VN Index, VN30Index, VNMidcap và VNSmallcap, tất cả đều tạo đỉnh cao gần nhất ở phiên ngày 20-4. Tuy nhiên, chỉ số VNSmallcap phiên này đã vượt được đỉnh cao đó. Điều này cũng phù hợp sự dịch chuyển giao dịch từ blue chip sang các mã nhỏ nhất, dễ đầu cơ nhất, nơi các nhà đầu cơ cá nhân dễ được kích động nhất.

Thật vậy, tuy hiện tượng đầu cơ tạo giá tăng mạnh nhưng lượng vốn dồn vào đây không nhiều. VNSmallcap phiên này giao dịch khoảng 408 tỷ đồng thì chỉ có bốn CP khớp lệnh hơn 20 tỷ đồng là SZC, D2D, AMD và KSB. Thậm chí cả rổ 136 mã thì chỉ có tám mã khớp hơn 10 tỷ đồng. Có thể thấy rất ít NĐT lớn tham gia đầu cơ ở các CP như vậy. Trong khi các mã nhỏ tăng tốt chủ yếu nhờ thanh khoản hạn chế thì các mã lớn hơn, thậm chí là cả trong nhóm Midcap và hầu hết VN30 đều giảm. Tại các mã thanh khoản cao, có nhiều NĐT giao dịch hơn và khả năng thổi giá cũng khó hơn.

Thống kê theo nhóm CP cho thấy thanh khoản tăng phiên này phần lớn là do yếu tố xả hàng ở các blue chip. Tổng giá trị khớp hai sàn đạt 4.080 tỷ đồng, cao hơn phiên cuối tuần trước 16,4% chủ yếu là do tăng thanh khoản của VN30. Rất tiếc là hiện tượng giảm giá lại áp đảo hoàn toàn ở rổ này. Các blue chip càng lớn có mức giảm càng mạnh. Đó là VCB giảm 3,05%, VIC giảm 1,08%, GAS giảm 1,38%, BID giảm 2,5%, CTG giảm 1,82%. Khá may mắn là VHM chỉ giảm 0,77% còn VNM tham chiếu. Ngân hàng gần như giảm toàn bộ trừ VPB khi có tin mua CP quỹ. NĐT nước ngoài xả dữ dội tại nhóm VN30 khi bán ròng tới hơn 362 tỷ đồng. STB, VPB, VRE, VCB, HDB, CTG, VNM, BID bị bán ròng cực lớn. Trên toàn sàn HoSE, khối này cũng bán ròng tới gần 464 tỷ đồng.

Phiên giao dịch áp chót tháng 4 tiếp tục đón nhận thêm một vài kết quả kinh doanh khá bất ngờ. Đã có lúc VN Index xanh, nhưng sức ép bán ra mạnh hơn vẫn đẩy TT rơi vào thế yếu, thậm chí các mã đầu cơ cũng không còn sung sức.

TT đang trong đợt cao điểm báo cáo kết quả kinh doanh quý I - 2020. Sáng 28-4, TT đón nhận tin VHM (CP vốn hóa lớn thứ 3 TT) lãi trước thuế quý I gấp ba lần cùng kỳ. Đây là tin khá bất ngờ vì quý I mảng kinh doanh bất động sản không sôi động. Ngay lập tức, VHM mở cửa đã tăng vọt gần 3,9%. Tuy nhiên, NĐT đã lựa chọn một chiến lược “tin ra là bán”. Khối lượng bán ra đã tăng vọt đẩy giá VHM xuống rất nhanh, thậm chí đến 10 giờ 30 phút đã quay lại sát tham chiếu…

Trong nhóm ngân hàng, VPB cũng không thể tăng được bất chấp tin mua CP quỹ. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng lại có một đợt bùng nổ giá bất ngờ trong thời gian ngắn buổi chiều. Không rõ động lực thật sự của đợt đảo chiều tăng này là gì nhưng ngay khi giá lên cao, lực xả mạnh xuất hiện đã ép giá xuống.

Nhóm VN30 phiên này có độ phân hóa khá hơn hẳn phiên kề trước, VN30 Index đóng cửa giảm 0,54% nhưng vẫn có được 11 CP tăng giá, 16 CP giảm giá. Nhóm tăng ngoài các mã ngân hàng, còn có MSN tăng 2,05%, NVL tăng 0,57%, POW tăng 4,04%. Và POW đã bất ngờ trở thành CP tăng giá tốt nhất VN30 trong bảy phiên gần nhất - thời điểm tính từ khi VN30 Index và VN Index đạt đỉnh của nhịp tăng này. Trong khi các chỉ số điều chỉnh giảm, POW tăng gần 10% và là một trong sáu mã duy nhất của rổ tăng ngược chỉ số. Tính chung từ đầu tháng 4, POW tăng 45,3% và là blue chip mạnh nhất của rổ.

VN Index phiên này là phiên giảm thứ hai liên tục và cả chỉ số này lẫn chỉ số đại diện nhóm blue chip là VN30 Index đều dao động giống nhau. Sau khi đạt đỉnh cao ngày 20-4, hai chỉ số quay đầu giảm và không thể phục hồi trở lại đỉnh cao cũ. Đây là một tín hiệu khá xấu về mặt kỹ thuật. Thực tế, TT vẫn đang duy trì độ phân hóa nhất định chứ không giảm đồng loạt. Sức ép khác cũng rất rõ qua từng ngày là dòng vốn nước ngoài vẫn chưa dừng bán với cả TT lẫn blue chip. Phiên này, VN30 bị bán ròng khoảng 311 tỷ đồng nữa, trong khi mới phiên đầu tuần bị bán ròng gần 362 tỷ đồng và tuần trước bán ròng 1.084 tỷ đồng.