Thị trường đứng vững nhờ cổ phiếu lớn

Trong phiên giao dịch ngày 24-9, dòng tiền chậm lại đáng kể và sự phân hóa mạnh là điều dễ nhìn thấy trên bảng điện tử, nhưng biên độ giá tăng giảm đa số dưới 1%. Đà tăng của VN Index được nới rộng thêm vào phiên chiều 24-9, nhưng khi vừa vượt qua ngưỡng 991 điểm, lực cung gia tăng đã đẩy VN Index trở lại. Trên bảng điện tử, sắc đỏ chiếm ưu thế so sắc xanh, nhưng nhờ sự hỗ trợ của một số mã lớn, VN Index vẫn giữ được sắc xanh khi đóng cửa.

VN Index chạm mốc 990 điểm nhờ nhóm cổ phiếu blue chip. Ảnh: NAM HẢI
VN Index chạm mốc 990 điểm nhờ nhóm cổ phiếu blue chip. Ảnh: NAM HẢI

Đi ngược lại những kỳ vọng, trong phiên giao dịch đầu tuần, ngày 23-9, thị trường (TT) đã giảm điểm khi hết khối nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đến NĐT trong nước đắn đo. Chốt phiên, VN Index giảm 4,61 điểm.

Phiên tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF cuối tuần trước đẩy VN Index giảm 6,74 điểm, nhưng thực tế TT vẫn mạnh hơn phiên này. Cuối tuần trước, điểm cộng được đánh giá cao là VN Index trụ lại trên mốc 990 điểm, dù các quỹ xả nhiều. Phản ứng khá tích cực đầu phiên 23-9 là chỉ số tăng thêm một đoạn nữa, VN Index lên cao nhất gần 994 điểm ngay đầu phiên chiều. Thế nhưng từ đó lại là điểm xả hàng. Toàn bộ buổi chiều 23-9, TT giao dịch càng lúc càng yếu. Đóng cửa VN Index mất 0,47%, còn 985,75 điểm.

Yếu tố khiến TT trở nên kém hơn chính là có nhiều CP giảm giá. Phiên giảm thứ sáu tuần trước, chỉ số mất nhiều điểm nhưng cứ 1 mã giảm giá vẫn có 0,82 mã tăng trên sàn HoSE. Đến phiên này mức giảm là hơn 4 điểm thì cứ 1 mã giảm chỉ có 0,49 mã tăng. CP giảm giá nhiều hơn tất yếu ảnh hưởng tài khoản của NĐT. Thực tế, việc VN Index đạt 1.000 điểm hay mất 990 điểm thì cuối cùng cũng là NĐT lỗ bao nhiêu, lãi bao nhiêu. Phiên này điểm giảm ít ở chỉ số có phần tác động từ vài CP lớn như: VNM, GAS, BVH.

Số blue chip còn lại hầu hết là giảm mạnh, trong đó nhóm CP ngân hàng (NH) tập trung lớn vào: VCB giảm 2,47%, TCB giảm 2,16%, BID giảm 0,88%, CTG giảm 0,47%. Các mã CPNH trong phiên biến động khó lường. Việc VN Index tăng liên tục sáu phiên và điều chỉnh hai phiên gần đây vẫn được nhiều NĐT coi là bình thường. Do đó vẫn tiếp tục có dòng tiền bắt đáy mua vào từ hôm ETF đến phiên này. Tổng giá trị giao dịch TT ghi nhận mức 5.643 tỷ đồng, trong đó 2.286 tỷ đồng là giao dịch thỏa thuận. Như vậy, mức khớp lệnh đạt cỡ 3.357 tỷ đồng, giảm 30% so phiên cuối tuần trước.

Tuy nhiên, nếu so phiên ETF giao dịch thì hơi khập khiễng vì hôm đó luôn có thanh khoản đột biến. Mức giao dịch phiên này so các phiên bình thường không có ETF thì vẫn khá tốt. Cụ thể, bốn phiên tuần trước khi ETF chưa mua bán mạnh, giá trị khớp lệnh cũng xấp xỉ phiên này.

NĐT bán ra mạnh đẩy giá CP giảm nhiều một lần nữa tạo hiệu ứng lặp lại về mốc 1.000 điểm. Cứ đến gần mốc này là NĐT bán ra. Rõ ràng, phiên này không còn hiệu ứng khối NĐT nước ngoài nhiều nữa nhưng CP giảm giá la liệt. Điểm tựa duy nhất cho TT lúc này là NĐT vẫn ham bắt đáy và thanh khoản khá cao. VN Index tuy không vượt được 1.000 điểm nhưng cũng không giảm quá sâu. Chỉ số đã từng được chặn lại tại 970 điểm, 960 điểm. Đó cũng là mức hỗ trợ trước mắt cho TT.

Theo nhận định của giới chuyên gia, VN Index đang lùi về vùng cân bằng. Trạng thái này đang được duy trì, VN Index nhiều khả năng sẽ có một vài phiên giằng co quanh vùng 985 điểm.

Bước vào phiên 24-9, nhìn chung giao dịch trên TT cầm chừng, VN Index sau hơn một giờ mở cửa chủ yếu giằng co nhẹ quanh tham chiếu và cố gắng có nhịp bứt lên gần 990 điểm sau đó. Dòng tiền chậm lại đáng kể và sự phân hóa mạnh là điều dễ nhìn thấy trên bảng điện tử, nhưng biên độ giá tăng giảm đa số dưới 1%. Các CP được giao dịch mạnh như FTM, tiếp tục nằm sàn và dư bán sàn, hay HVH cũng tương tự, khi giảm hết biên độ… Ở nhóm CP lớn, VNM sau phiên nâng đỡ TT không giảm sâu ngày 23-9, đã tiếp tục tăng, thanh khoản tốt, nhưng cũng chỉ nhích hơn 1%. Trong khi đó, nhóm CPNH bị chốt lời. Nỗ lực trở lại trong nửa cuối phiên đã kéo VN Index chạm mốc 990 điểm nhờ nhóm CP blue chip. Mặc dù vậy, thanh khoản TT sụt giảm lại khiến NĐT lo ngại.

Bước vào phiên chiều, đà tăng của VN Index được nới rộng thêm, nhưng khi vừa vượt qua ngưỡng 991 điểm, lực cung gia tăng đã đẩy VN Index trở lại. Trên bảng điện tử, sắc đỏ chiếm ưu thế so sắc xanh, nhưng nhờ sự hỗ trợ của một số mã lớn, nên VN Index vẫn giữ được sắc xanh nhạt khi đóng cửa phiên chiều 24-9 với thanh khoản sụt giảm. Chốt phiên, VN Index tăng 2,38 điểm (+0,24%), lên 988,13 điểm với 144 mã tăng và 170 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 165 triệu đơn vị, giá trị 4.080,8 tỷ đồng, giảm 20,5% về khối lượng và 22,8% về giá trị so phiên giao dịch đầu tuần. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá lớn với 45,46 triệu đơn vị, giá trị 1.407,8 tỷ đồng.

Dù lình xình dưới tham chiếu và chỉ có may mắn mới thoát khỏi sắc đỏ khi chốt phiên, nhưng phiên này có thể nói là màn “độc diễn” về giao dịch của ROS khi mã này có thanh khoản tới 17,45 triệu đơn vị, vượt trội so các mã còn lại trên sàn. Mã đứng thứ 2 về thanh khoản là “người anh em” FLC với 4,93 triệu đơn vị và đóng cửa tăng nhẹ 1,11% lên 3.650 đồng. Tiếp đến là ASM với 4,67 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,69%, xuống 7.230 đồng. Trong các mã lớn, VCB, VNM vẫn giữ được mức tăng tốt và đóng vai trò là những yếu tố quyết định giúp VN Index giữ được sắc xanh.