Thị trường đã tự tin hơn

Thông tin chuẩn bị mua lượng lớn cổ phiếu (CP) quỹ đã kéo VNM tăng mạnh, qua đó góp phần giúp VN Index bứt hẳn lên trên ngưỡng 835 điểm trong phiên giao dịch ngày 12-5. Trong khi đó, dòng tiền vẫn tập trung giao dịch ở nhóm CP thủy sản, dệt may và có thêm HSG với hiệu ứng kết quả kinh doanh tích cực.

Tâm lý nhà đầu tư hứng khởi hơn nhờ những thông tin tích cực bên ngoài thị trường. Ảnh: HẢI NỮ
Tâm lý nhà đầu tư hứng khởi hơn nhờ những thông tin tích cực bên ngoài thị trường. Ảnh: HẢI NỮ

Trước đó, thị trường (TT) vẫn giữ được quán tính tăng mạnh mẽ trong phiên đầu tuần (ngày 11-5) với thanh khoản rất tốt. Sức mạnh tại nhóm blue chip nổi trội khi hàng loạt CP đã vượt đỉnh tháng 4 và phiên này VN30 Index tăng 2,23%. Các tin đồn về việc giảm lãi suất vẫn đang tạo sức hấp dẫn cho CP ngân hàng (NH) và thu hút dòng tiền vào nhóm này. Không chỉ tăng giá, các CPNH cũng có mức thanh khoản hàng đầu TT phiên này. TCB tăng kịch trần sang phiên thứ hai liên tục, nhờ đó vươn lên trở thành CP phục hồi mạnh nhất so đáy tháng 3 và cũng là một trong những mã tiến gần sát nhất tới mức giá “tiền khủng hoảng dịch Covid-19”. So đáy ngày 30-3 vừa qua, TCB đã phục hồi gần 35,6% và hiện chỉ còn cách mức giá ngày 22-1 (thời điểm TT chưa phản ánh dịch Covid-19) khoảng 16,5%.

Tăng mạnh thứ hai trong nhóm CPNH là VPB, đóng cửa trên tham chiếu 5,7%. VPB tuy không trần liên tục như TCB nhưng kể từ đầu tháng 5 trở lại đây lại tăng mạnh mẽ hơn 20%, nâng tổng mức tăng kể từ đáy lên 42,2%. Đặc biệt, so giá “tiền khủng hoảng dịch Covid-19”, VPB đã cao hơn 2,12%. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý là VPB đi ngược TT những ngày sau kỳ nghỉ Tết, trong khi cả TT điều chỉnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì VPB lại tăng hơn 22% sau đó mới giảm. So đỉnh sau Tết, VPB vẫn thấp hơn khoảng 16%.

Hợp sức với nhóm CPNH phiên này có dàn trụ: VHM tăng 3,67%, GAS tăng 4,89%, VNM tăng 3,33%. Thật ra, trong toàn bộ rổ VN30, chỉ có hai mã giảm giá là ROS giảm 1,41% và VJC giảm 1,17%. Còn lại VIC tham chiếu. Các mã khác đều tăng. VN30 Index chốt phiên tăng 2,23%, trong đó 17 mã tăng vượt 1%. VN Index tăng yếu hơn, chỉ +1,79%. Nhóm Midcap tăng 1,68%, Smallcap tăng 1,07%. Như vậy, TT vẫn đang thể hiện sức mạnh vượt trội trong nhóm blue chip. Nhóm này cũng thu hút dòng tiền mạnh và đạt mức thanh khoản rất cao. Mặc dù giá trị khớp lệnh của VN30 phiên này giảm 35% so kỷ lục hôm cuối tuần trước, nhưng các blue chip vẫn nằm trong nhóm thanh khoản cao nhất TT. MBB, VPB, VHM là ba CP giao dịch vượt 200 tỷ đồng giá trị. VNM, HPG, CTG, VIC, VCB, FPT, MSN, MWG và STB là những mã khác giao dịch vượt 100 tỷ đồng.

Nhóm CP tầm trung chỉ có PVD và DBC là lọt vào số những mã giao dịch hơn 100 tỷ đồng. PVD khớp 136,6 tỷ đồng và DBC là 111,6 tỷ đồng.

Các CP blue chip phiên này tiếp tục nhận được mức vốn ròng từ phía nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài và phiên này là phiên thứ 2 liên tục khối này mua ròng. Điều này gián tiếp hỗ trợ TT chung vì hầu hết các mã được mua nhiều đều tăng giá. Mặt khác, chuỗi tháng bán ròng liên tục dường như đã chấm dứt cũng sẽ hỗ trợ tâm lý chung.

Nhóm VN30 được ghi nhận mua ròng khoảng 233 tỷ đồng. VPB, VHM, HPG, VNM, VCB được mua ròng khối lượng rất lớn. Tổng giao dịch trên sàn HSX thì khối nước ngoài vẫn bán ròng do có thỏa thuận hơn 23 triệu CP PC1. Ngoài ra VCI, KDH, SVC, HSG, FRT cũng bị bán ròng nhiều nhưng lại không thuộc rổ VN30. Tính chung HoSE bị xả ròng hơn 400 tỷ đồng.

Với sức mua tốt tại các blue chip, khối NĐT nước ngoài đang thể hiện sự hỗ trợ nhất định về sức cầu. Từ phiên thứ sáu vừa qua, khối này đã bắt đầu mua ròng ở VN30 sau nhiều tháng bán ròng liên tiếp. Dù vẫn xuất hiện các giao dịch thỏa thuận bán ròng lớn, nhưng các giao dịch dạng này không ảnh hưởng tới giá. Ngược lại, khi mua ròng qua khớp lệnh, khối NĐT nước ngoài sẽ hỗ trợ cầu trực tiếp cho CP. Thanh khoản chung phiên này bao gồm cả thỏa thuận đã giảm khoảng 11% so phiên trước, chủ yếu do phiên trước quá đột biến. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn đạt 4.945 tỷ đồng, thấp hơn gần 28%.

Bước vào phiên giao dịch sáng 12-5, áp lực chốt lời dần xuất hiện khi TT đã tăng 5 phiên liên tiếp và chạm vùng kháng cự mạnh quanh 830 điểm, nhưng dòng tiền vẫn dành sự quan tâm lớn đến hai nhóm CP được đánh giá sẽ khởi sắc nhờ Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) là dệt may và thủy sản - đặc biệt là chế biến, xuất khẩu tôm. Những thông tin tích cực từ việc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ hậu dịch Covid-19, đã giúp tâm lý NĐT hứng khởi hơn. Dòng tiền trong nước trong những phiên gần đây tham gia khá mạnh, là động lực giúp TT liên tục bứt phá qua các mốc kháng cự cao hơn. Tuy nhiên, sau khoảng 20 phút giao dịch, khi chỉ số VN Index thủng mốc 820 điểm, lực cầu bắt đáy nhập cuộc khá sôi động đã giúp TT bật ngược đi lên và thử thách ngưỡng kháng cự 830 điểm.

Sau phiên sáng có phần thận trọng, dòng tiền đã tự tin hơn ngay khi bước vào phiên chiều 12-5, giúp số mã xanh trên bảng điện tử gia tăng, bên cạnh đó, sự trợ lực từ một số mã lớn như VNM, PNJ cùng nhóm CPNH đồng thuận đã kéo mạnh VN Index lên trên 835 điểm sau gần 1 giờ đồng hồ giao dịch. Mặc dù vậy, sau đó diễn biến không có thêm điểm đáng chú ý nào, khi thêm một lần NĐT dừng lại quan sát, chỉ số theo đó chỉ đi ngang cho đến khi đóng cửa, nhưng cũng đủ giúp VN Index ghi nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp.

Kết phiên, sàn HoSE có 232 mã tăng và 131 mã giảm, VN Index tăng 6,99 điểm (+0,84%), lên 835,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 322,2 triệu đơn vị, giá trị 5.794,1 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 9% về khối lượng và 7% về giá trị so phiên đầu tuần.