Tận dụng cơ hội để thoát hàng

Sau phiên đầu tuần giao dịch đầy tiêu cực, phiên giao dịch ngày 3-12, thị trường (TT) đã có một nhịp phục hồi. Nhưng nhà đầu tư (NĐT) lại coi đó là cơ hội thoát hàng. Dù đã tăng ngược qua tham chiếu cuối phiên sáng 3-12, nhưng đến phiên chiều cùng ngày, TT bị xả mạnh hơn và tiếp tục để mất gần 6 điểm.

Các diễn biến tăng giá đang được nhà đầu tư tận dụng triệt để nhằm cắt lỗ giá tốt.
Các diễn biến tăng giá đang được nhà đầu tư tận dụng triệt để nhằm cắt lỗ giá tốt.

1. Trước đó, TT mở đầu tuần mới bằng một phiên giao dịch rất tiêu cực, dù không có ảnh hưởng nào mới từ bên trong cũng như bên ngoài. Lý do duy nhất là NĐT đang cố gắng cắt lỗ hoặc bị ép bán ra. Không những để mất 970 điểm, phiên giao dịch đầu tuần, ngày 2-12, VN Index còn mất luôn mốc 960 điểm. VN Index lại có thêm một phiên giảm quá 10 điểm nữa chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần. Đây là điều khiến NĐT ngạc nhiên vì tình hình tưởng như đã “êm êm” sau khi VN Index tạm dừng đà giảm.

TT mở cửa bình thường, thậm chí đầu phiên còn có lúc VN Index tăng 0,22%. Mọi thứ trở nên tệ trong phiên chiều đầu tuần, thường là thời điểm các cân đối vốn vay được xác định. Có lẽ nhiều NĐT cầm cố CP đã không thể chịu đựng thêm. TT rơi vào một nhịp bán tháo mạnh. VN Index kết thúc phiên với mức giảm 11,44 điểm hay 1,18% so cuối tuần trước. Chỉ số của nhóm blue chip VN 30 giảm tới 1,39%. Thủ phạm gây áp lực chính là các blue chip. Nếu nhìn xa hơn thì VN30 Index kể từ đỉnh cao tới lúc này đã giảm 7,37%, trong khi VN Index giảm 6,18%.

Với mức giảm rất mạnh trong thời gian ngắn, có khả năng áp lực bán mới xuất hiện là từ hành động cắt lỗ hoặc bị giải chấp. Cho đến cuối tuần trước, giao dịch đã trở lại bình thường khi thanh khoản sụt giảm đáng kể. Phiên này thanh khoản gia tăng rất lớn với tổng giao dịch khoảng 4.856 tỷ đồng, tổng khớp lệnh 3.857 tỷ đồng, tăng gần một phần ba so hôm thứ sáu tuần trước. Các CP hưởng nặng nề. VN Index giảm hơn 1% thì rất ít CP có thể đi ngược dòng nếu có đủ thanh khoản.

Trong chu kỳ giảm suốt từ đầu tháng 11 tới nay, đã có vài phiên TT sụt giảm rất mạnh như ngày 21 và 22-11. Tại các phiên đó, thanh khoản rất lớn, từ 5.600 tỷ đồng tới hơn 5.900 tỷ đồng tổng giao dịch. Mức khớp lệnh cũng vào khoảng 4.300 - 4.500 tỷ đồng. Lực cầu bắt đáy tại đây là rất mạnh. Tuy nhiên, sau khi bắt đáy, TT lại tiếp tục giảm mạnh hơn, đồng nghĩa với vòng thứ hai của khối lượng bắt đáy lại bị mắc kẹt. Nếu có sử dụng đòn bẩy cầm cố thì đây là cái bẫy rất lớn. Việc TT thủng các mức hỗ trợ mạnh đã khiến nhu cầu bán ra tăng lên. Giá càng giảm thì áp lực lên khoản vay càng cao.

Thông thường trong những tuần cuối năm, TT sẽ khó sử dụng margin hơn, chưa nói đến việc có nguy cơ bị tất toán. Nếu nhìn lại tháng 12-2018, TT cũng có một nhịp sụt giảm gần 9% trước khi quay đầu phục hồi vào tháng 1 năm nay. Áp lực bán kỹ thuật là mối lo nhất hiện tại của TT vì CP đã giảm giá khá sâu.

2. Sang phiên giao dịch ngày 3-12, TT đã có được một nhịp phục hồi, nhưng NĐT lại coi đó là cơ hội để thoát hàng. Dù đã tăng ngược qua tham chiếu cuối buổi sáng, đến chiều TT bị xả mạnh hơn và tiếp tục để mất gần 6 điểm. Giao dịch đáng chú ý nhất trong phiên này là phản ứng mạnh mẽ của NĐT trước thông tin MSN mua lại hệ thống Vinmart, VinEco của Vingroup. Giao dịch này đã khởi động một làn sóng tháo chạy khỏi CP MSN. Thậm chí, đây có thể là lý do khiến MSN suy giảm liên tục nhiều tháng qua, vì thông tin dạng này không thể xuất hiện một cách đột ngột. Diễn biến phiên này của MSN thật ra cũng chưa phải là không hẳn là bất ngờ. Thông tin MSN mua lại hệ thống Vinmart cũng đã âm ỉ từ trước. Trong gần ba tháng qua, giá MSN đã liên tục sụt giảm và bốc hơi 14,7% giá trị. Phiên này MSN giảm thêm 6,96% nữa.

Trong khi đó, các CP nhóm Vingroup cũng bị bán mạnh, nhưng lại có lực mua tốt để đỡ giá. Việc MSN giảm sàn là cú sốc đối với các blue chip vì mã này cũng có ảnh hưởng khá lớn. Đợt bán tháo tại MSN diễn ra trong chiều 3-12 đã khiến TT chịu tác động. VN Index đến cuối phiên sáng đã phục hồi trở lại trên tham chiếu, tăng nhẹ được hơn 1 điểm. Thế nhưng rất nhiều CP lớn đã quay đầu giảm buổi chiều, kéo theo chỉ số cũng sụt giảm trở lại. Đóng cửa VN Index lại để mất 5,88 điểm, giảm 0,61% so tham chiếu, xuống còn 953,43 điểm.

Những kết quả đảo chiều tăng cuối phiên sáng đem lại hy vọng lớn rằng TT đã điều chỉnh xong, sau phiên bán tháo ồ ạt ngày đầu tuần. Rất tiếc NĐT nắm giữ CP lại không nghĩ như vậy, giá tăng được xem là cơ hội cắt lỗ. TT bị bán nhiều hơn trong buổi chiều, tương tự phiên đầu tuần, cho thấy có khả năng NĐT đã tiếp tục phải xử lý các khoản vay thế chấp.

Đặc biệt, phiên này thanh khoản gia tăng rất mạnh. Tổng giá trị giao dịch hai sàn vọt lên hơn 8.200 tỷ đồng, trong đó bao gồm 4.318 tỷ đồng là thỏa thuận. Riêng VHM đã thỏa thuận hơn 2.805 tỷ đồng. Đây có thể là động thái mua CP quỹ như đã đăng ký. Giá trị riêng khớp lệnh của hai sàn vào khoảng 3.905 tỷ đồng, lớn nhất bảy phiên. Như vậy, nhu cầu bán ra vẫn đang ở mức rất cao và điều này ngăn cản cơ hội quay đầu tăng của TT. Nhịp giảm này quá dài và mức giảm rất nhanh nên NĐT do dự sẽ không có cơ hội cắt lỗ giá tốt. Bài học này sẽ không lặp lại, nên các diễn biến tăng giá đang được tận dụng triệt để.