Tâm lý thận trọng quay lại

Phiên cuối tuần qua, ngày 26-7, mặc dù chỉ số VN Index đã tiến sát ngưỡng 1.000 điểm, nhưng việc nhà đầu tư (NĐT) chốt lời mạnh đã đẩy nhiều blue chip giảm giá. VN Index kết thúc phiên chỉ đạt 993,35 điểm, giảm 1,6 điểm so phiên kề trước. Như vậy, trong ba phiên cuối tuần qua, khi VN Index xoay quanh gần mốc 1.000 điểm, thị trường (TT) dồn sự chú ý vào nhóm cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn.

Thị trường càng tiến gần tới mốc 1.000 điểm, nhà đầu tư càng có xu hướng chốt lời. Ảnh: NG.HẢI
Thị trường càng tiến gần tới mốc 1.000 điểm, nhà đầu tư càng có xu hướng chốt lời. Ảnh: NG.HẢI

Với sự trỗi dậy của nhóm CP ngân hàng (NH) cộng với các CP vốn hóa lớn nhất TT tăng cao, VN Index có phiên tăng khá mạnh lên sát mốc 1.000 điểm trong phiên giao dịch ngày 25-7. Đây là ngưỡng tâm lý quan trọng và NĐT bắt đầu chốt lời mạnh rõ rệt. Hai CP được chú ý nhất trong phiên giao dịch này là VIC và VHM. Thứ nhất, hai mã này nổi lên mạnh mẽ trong tuần qua đúng vào thời điểm các CPNH và nhiều blue chip dẫn dắt khác bắt đầu thoái trào. Thứ hai, vốn hóa cực lớn của các mã này sẽ là động lực quyết định VN Index có lên tới 1.000 điểm hay không. Cả VIC lẫn VHM đều không phụ sự trông đợi của TT, tăng cực mạnh trong phiên. VN Index lên cao nhất 997,49 điểm, tăng 0,92% so tham chiếu cũng là lúc VIC lẫn VHM tăng mạnh nhất. VIC tăng 2,54% và VHM tăng 3,61% đúng vào thời điểm chỉ số đạt đỉnh.

Ngoài VIC và VHM, VN Index áp sát 1.000 điểm còn có công lớn của một số mã khác. Bất ngờ nhất là CPNH phục hồi tại các mã hàng đầu: VCB tăng 1,04%, BID tăng 2,18%. Thêm nữa là SAB tăng 1,98%, GAS tăng 1,22% và HPG tăng 3,94%. Đây chính là 7 CP quyết định VN Index phiên này. Tuy nhiên, TT cũng không tăng một cách dễ dàng. Càng tiến gần tới mốc 1.000 điểm NĐT càng có xu hướng chốt lời. Không chỉ là mức tăng giá đã khá tốt hay ngưỡng tâm lý quan trọng, TT còn sắp kết thúc đợt công bố báo cáo tài chính quý II-2019. Càng những doanh nghiệp công bố muộn thì kết quả kinh doanh thường là xấu.

Phiên này, VN Index để tuột mất cơ hội chạm mốc 1.000 điểm là do NĐT bắt đầu bán ra nhiều ở các CP dẫn dắt. Đợt chốt lời đầu tiên có thể thấy rõ ở nhóm CPNH, với VCB, BID, MBB. Các mã này đều đã điều chỉnh giảm từ vài phiên trước. Khi VIC, VHM, VRE nổi lên, đà tăng càng mạnh, càng nhanh càng dẫn đến nguy cơ bị chốt lời. Cuối phiên này, cả ba mã này đều bị xả khá lớn. VIC đóng cửa tăng 0,98%, VHM tăng 1,98%, VRE tăng 0,4%. Mức tăng này là khá nhỏ so đỉnh cao trong phiên. VN Index đóng cửa tụt xuống 994,95 điểm và chỉ còn tăng 0,66%. Chỉ số có thể yếu đi nhiều hơn nếu không có SAB được đẩy tăng 1,98% lúc đóng cửa.

Xu hướng tăng của TT đã kéo dài ba tuần trong tháng 7 và đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý II. Nếu CP được quan tâm thì đã có diễn biến tăng, các CP không tăng được là do bị bỏ rơi. Càng đến gần cuối thời điểm hết thông tin, NĐT càng trở nên thận trọng, do đó các CP yếu nhất rất khó thu hút được dòng tiền. Một thực tế là thanh khoản của TT ở xu hướng tăng hiện tại là không cao. Giá trị khớp lệnh cao nhất cho tới lúc này là hơn 4.000 tỷ đồng của phiên ngày 19-7 và tổng giá trị cao nhất là hơn 5.100 tỷ đồng của phiên ngày 23-7. Phiên này, tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 4.838 tỷ đồng và mức khớp lệnh đạt 3.595 tỷ đồng. Thanh khoản đã không tăng lên và khi VN Index tiến vào vùng kháng cự tâm lý mạnh mẽ quanh mốc 1.000 điểm, lại sắp hết thông tin hỗ trợ, NĐT càng khó tìm lý do để giải ngân.

Sang phiên cuối tuần qua, mặc dù chỉ số VN Index đã tiến sát nhất tới ngưỡng 1.000 điểm trong ba tháng nhưng NĐT đã chốt lời mạnh đẩy nhiều blue chip giảm giá. VN Index kết thúc phiên chỉ đạt 993,35 điểm, còn giảm 1,6 điểm so phiên 25-7. Trong ba phiên cuối tuần qua, khi VN Index xoay quanh gần mốc 1.000 điểm, TT dồn sự chú ý vào nhóm CP vốn hóa lớn. Đây là những CP được trông đợi sẽ tỏa sáng đúng thời điểm để hóa giải “lời nguyền” tại mốc 1.000 điểm. Phiên này sự trông đợi đó phần nào được đáp ứng, nhưng lại không thể hoàn thành nhiệm vụ. VN Index nhận được động lực mới, tăng vọt lên 998,52 điểm trong buổi sáng. Khoảng cách tới mốc 1.000 điểm được thu ngắn lại dưới 2 điểm. Đáng tiếc TT lại không giống như hy vọng, ngay cả VCB, BID cũng bắt đầu bị bán ra nhiều hơn, trong khi VIC, VHM lẫn SAB đều tiếp tục giảm.

Như thế hoạt động kéo chỉ số đã không được như mong đợi, chỉ số quay đầu giảm thay vì tăng và càng thúc đẩy nhu cầu chốt lời đối với CP, khi NĐT nghi ngờ TT đang được kéo chỉ số lên thay vì tăng giá CP. Không chỉ các mã trụ tăng cao, những CP tăng trưởng mạnh khác cũng đang bị chốt lời. Một nghịch lý rất rõ là VN Index càng tiến sát mốc 1.000 điểm, thanh khoản lại càng đi xuống. Phiên này, giá trị khớp lệnh ở HoSE và HNX đã giảm xuống dưới ngưỡng 3.000 tỷ đồng, thấp nhất trong 10 phiên. Giá trị thỏa thuận khá cao, đạt 1.546 tỷ đồng nên vẫn duy trì được tổng giao dịch ở ngưỡng hơn 4.500 tỷ đồng.

Việc TT thận trọng ở thời điểm này cũng không hẳn là vì ngưỡng 1000 điểm, mà còn vì thông tin hỗ trợ sắp cạn. Kết quả kinh doanh của nhóm VN30 đã xuất hiện khá nhiều. Nhóm này cũng tăng giá khá mạnh, phản ánh sớm kỳ vọng. Hai tuần công bố kết quả kinh doanh với nhiều con số đẹp cũng chỉ tạo sóng rõ nét ở CPNH và một vài CP được đầu cơ mạnh. Sau khi đợt công bố kết quả kinh doanh kết thúc, TT lại phải đối mặt với thực tế khó khăn là làm sao duy trì được thanh khoản hằng ngày. Ngay cả “chính vụ” báo cáo tài chính, TT còn không bùng nổ giao dịch được thì ở thời điểm cạn thông tin, sẽ rất khó tạo sự sôi động.