Tái diễn tình trạng nghẽn lệnh

Sau khoảng 80 phút giao dịch, lực bán bất ngờ gia tăng ở nhiều mã trụ, đẩy các chỉ số chính rơi theo phương thẳng đứng trong phiên giao dịch ngày 23-3. Lệnh vào lớn dường như khiến sàn HoSE “nghẽn lệnh”, nên chỉ số VN Index và thanh khoản sàn HoSE không được cập nhật liên tục mà có những điểm chững lại. Tuy nhiên, tình trạng “nghẽn lệnh” không xảy ra đối với tất cả các mã cổ phiếu (CP) khiến sự hoài nghi và bức xúc dâng cao.

Sàn HoSE vẫn tiếp tục diễn ra hiện tượng nghẽn lệnh. Ảnh: NAM ANH
Sàn HoSE vẫn tiếp tục diễn ra hiện tượng nghẽn lệnh. Ảnh: NAM ANH

Thị trường chứng khoán (TTCK) mở đầu tuần giao dịch mới với một phiên đầy thất vọng trong phiên giao dịch ngày 23-3 khi cơ hội vượt đỉnh không thành do thiếu sự đồng thuận giữa các CP vốn hóa lớn. Vài mã tăng đơn độc chưa đủ đưa chỉ số lên cao. Nhóm CP tài chính nổi lên như các mã dẫn dắt chung cho TT, đặc biệt khi tới gần đợt công bố báo cáo tài chính quý I-2021. Tuy thế, do nhiều mã CP ngân hàng (NH) đã tăng tốt từ sớm, nên đà đi lên bắt đầu chững lại. 

Xuất sắc nhất trong nhóm CPNH là sự trỗi dậy của VCB, CP lớn nhất ngành vốn “ngủ quên” suốt từ đầu tháng 3. Cuối tuần trước, VCB bị các quỹ ETF tái cơ cấu khiến giá sụt giảm mạnh 3,4%. Phiên này VCB tăng trở lại 2,97%. Trong khi đó SHB tăng khoảng 21%, TCB tăng 4,5%, HDB tăng 5,2%, VIB tăng 7,7%...

Nếu coi yếu tố kết quả kinh doanh là động lực tăng của nhiều CPNH gần đây thì không lý gì VCB lại không được kỳ vọng tương tự. Phiên này thanh khoản của VCB cũng tăng khoảng 19% so phiên trước, đồng thời cũng là mức thanh khoản cao nhất 24 phiên.

Hiện tượng phân hóa trong nhóm CP dẫn dắt có ảnh hưởng đáng kể tới cơ hội vượt đỉnh của VN Index. Ngay những phút mở cửa đầu tiên, chỉ số đã quay lại mốc 1.200,21 điểm, tăng 0,52% so tham chiếu. Đó là thời điểm VCB thậm chí tăng 3,5% so tham chiếu, CTG tăng 3,21%. Các CP lớn khác sau đó bắt đầu trượt dốc giảm và VCB cũng chịu sức ép lớn hơn, VN Index quay đầu giảm nhanh, lúc 10 giờ 30 phút thậm chí mất gần 5 điểm trước khi quay đầu phục hồi. Kết phiên chỉ số cũng chỉ tăng nhẹ 0,38 điểm. Nguyên nhân là VCB, CTG chỉ được hỗ trợ bởi duy nhất một mã trụ khác là VHM tăng 1,53%. Ngược lại VIC giảm sâu 1,01% cùng với GAS giảm 0,44%, VNM giảm 0,88%, HPG giảm 0,85%, MSN giảm 0,68% cùng tất cả các mã CPNH còn lại.

VN30 index chốt phiên này đã giảm 0,4%, tương đương mất 4,82 điểm và chỉ có 12 mã tăng so 18 mã giảm. Rổ blue chip này vẫn chưa thật sự mạnh trở lại. Thanh khoản trong nhóm blue chip giảm hơn 10% so phiên trước, đạt 5.938 tỷ đồng, là mức thấp nhất sáu phiên. Sau tuần hai quỹ ETF tái cơ cấu, dòng tiền có chảy ngược trở lại VN30 một chút, nhưng đến phiên này lại suy yếu. 

Trong khi đó, thanh khoản của nhóm smallcap vẫn mạnh, phiên này giao dịch 2.129 tỷ đồng, tăng 12% so phiên trước, đạt mức cao nhất 5 phiên. VN Smallcap cũng là chỉ số nhóm vốn hóa tăng tốt nhất, tới 0,85% so tham chiếu. Các mã CP vừa và nhỏ vẫn đang diễn biến giá tốt hơn blue chip đáng kể. FLC, ROS, VNE… đều kịch trần với giao dịch rất sôi động. Một yếu tố nữa phải lưu ý là khối nhà đầu tư nước ngoài sau khi kết thúc đợt tái cơ cấu ETF thì vẫn bán ròng nhiều. Tính chung sàn HoSE vẫn bị bán ròng 466,7 tỷ đồng. VN Index kết thúc phiên đầu tuần tăng không đáng kể sau khi để mất gần bảy điểm trong ngày tái cơ cấu ETF cuối tuần trước. Chỉ số ở mức 1.194,43 điểm tức là cơ hội vượt 1.200 điểm vẫn còn. Vấn đề lớn nhất chính là sự đồng thuận ở nhóm blue chip.

Sang phiên giao dịch sáng 23-3, lực cung áp đảo trong phiên giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO) đã khiến VN index giảm sâu, rơi nhanh về gần 1.185 điểm, tức mất gần 10 điểm trước khi nảy trở lại lên hơn 1.190 điểm. Tuy nhiên, với sắc đỏ lan rộng sau đó và lấn át trên bảng điện tử, cùng tâm lý có phần thận trọng cao trên TT, nên VN index lại thêm một lần bị đẩy ngược trở lại. Giao dịch đáng chú ý vẫn là hai mã FLC và ROS, khi có thời điểm chạm mức giá trần và hạ nhiệt đôi chút sau hơn một giờ giao dịch, thanh khoản khớp lệnh hơn 27 và 21 triệu đơn vị, bỏ xa phần còn lại.

Sau khoảng 80 phút giao dịch, lực bán bất ngờ gia tăng ở nhiều mã trụ, đẩy các chỉ số chính rơi theo phương thẳng đứng. Tuy nhiên, lệnh vào lớn dường như đã khiến sàn HoSE “nghẽn lệnh”, nên chỉ số VN Index và thanh khoản sàn HoSE không được cập nhật liên tục mà có những điểm chững lại. Khoảng 10 phút sau đó mới thông trở lại và ngay khi “nhả phanh”, VN Index lại tiếp tục lao dốc với thanh khoản nhảy vọt.

Tiếp theo đó là diễn biến dễ dự đoán, TT rơi vào tình trạng bán tháo khi liên tục lao dốc, VN index mất hơn 17 điểm vào lúc 11 giờ 10 phút, số mã tăng điểm chỉ còn là 80. “Ngôi sao” của TT là FLC và ROS cũng không cưỡng nổi xu hướng chung khi giá giảm về gần mức tham chiếu…

Sau phiên sáng sôi động, đúng như dự báo, sàn HoSE gần như “đứng hình” trong phiên chiều 23-3. Tuy nhiên, tình trạng “nghẽn lệnh” không xảy ra với tất cả các mã CP khiến sự hoài nghi và bức xúc dâng cao. TT bước vào phiên chiều với tâm thế cho rằng chỉ số đã “chốt sổ”, đặc biệt khi một số công ty CK có thông báo, kể từ thời điểm 13 giờ 11 phút thì trên HoSE, lệnh mới đặt sẽ không thể khớp đã càng khiến cho giao dịch chậm lại. Thực tế, chỉ một số lệnh “túc tắc” được khớp sau giờ nghỉ trưa khiến VN index chỉ dao động trong khoảng hẹp 1.180 - 1.183 điểm cho đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, trên sàn HoSE, VN index giảm 10,98 điểm, xuống 1.183,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 683,72 triệu đơn vị, giá trị 15.415,5 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 2% cả về khối lượng và giá trị so phiên đầu tuần.