Sau những phiên nghẽn lệnh

Tuần qua, sau hai phiên giao dịch với mức khớp của sàn HoSE vượt ngưỡng 13.000 tỷ đồng, hệ thống vận hành giao dịch của HoSE đã có biểu hiện “nghẽn lệnh”. Sang phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 25-12, rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã tạm dừng giao dịch, nghe ngóng tình hình hệ thống. Điều này tạo hiệu ứng bất ngờ khi sức ép vào lệnh giảm đi, nhờ đó hệ thống vận hành bình thường.

Nhiều nhà đầu tư đã tạm dừng giao dịch, nghe ngóng tình hình hệ thống. Ảnh: NAM HẢI
Nhiều nhà đầu tư đã tạm dừng giao dịch, nghe ngóng tình hình hệ thống. Ảnh: NAM HẢI

Chỉ sau ít phút giao dịch đầu phiên chiều 24-12, thanh khoản thị trường chứng khoán (TTCK) nhanh chóng vọt lên hơn 13.000 tỷ đồng và hiện tượng nghẽn mạng lập tức đã lặp lại ở nhiều công ty chứng khoán (CTCK) lớn. Ghi nhận trên TT, nhiều NĐT đã phản ứng mạnh vì vuột cơ hội trên TTCK và e ngại về những hệ lụy có thể xảy ra. Tại một CTCK trong top 10 thị phần HoSE, lãnh đạo CTCK này cho biết, trong những ngày gần đây bị khách hàng phản ứng rất mạnh. Hai phiên giao dịch ngày 23 và 24-12, mỗi phiên không dưới 5.000 lệnh không được đẩy vào hệ thống. Phiên ngày 24-12, tình trạng ùn ứ ở CTCK này cũng diễn ra từ đầu phiên chiều.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các CTCK lớn khác, nhiều NĐT lớn không theo dõi được trạng thái tài khoản như kế hoạch do không thể đặt lệnh vào phiên chiều 24-12. Chẳng hạn, họ bán phiên sáng, có kế hoạch mua lại hàng vào phiên chiều nhưng không thể đặt lệnh hoặc ngược lại. Nếu như thông thường, NĐT đạt được trạng thái cân bằng về tiền và CK vào cuối phiên, thì nay hoặc họ thiếu tiền trong tài khoản, hoặc thiếu CK. Với các NĐT lớn, đây có thể là những cú sốc trong kế hoạch đầu tư, còn với CTCK, họ lo lắng vì có thể rơi vào tình trạng cho NĐT mua CK khi chưa đủ tiền trong tài khoản, vi phạm quy định về giao dịch CK trên TT.

Trong phiên ngày 24-12, có điểm đáng chú ý, ngoài việc tiếp tục tái diễn tình trạng lệnh của nhiều CTCK lớn bị chặn lại. Ghi nhận trên các diễn đàn CK, nhiều NĐT tỏ ra rất bức xúc khi “có tiền mà không mua được”, “có CP mà không bán được”, “ùn tắc không lối thoát”…  Nhiều NĐT còn e ngại về việc, NĐT nước ngoài thường có thói quen giao dịch vào các phiên buổi chiều, đặc biệt đặt giá hợp lý vào phiên ATC chiều. Nay không giao dịch được, sẽ ảnh hưởng lớn tới tâm lý NĐT. TT còn e ngại về sự bất nhất trong phát ngôn của lãnh đạo HoSE. 

Theo ông Lê Hải Trà, phụ trách HĐQT HoSE, những phiên giao dịch gần đây không phát sinh lỗi trong tiến trình khớp lệnh dẫn tới sai sót trong việc khớp lệnh giữa hệ thống của HoSE với các CTCK.

Còn theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành HoSE, có hiện tượng nhiều lệnh chưa vào được hệ thống của HoSE, do đó hệ thống chưa ghi nhận và xử lý được. Đó là lý do các CTCK và NĐT không nhận được thông tin xác nhận. Nghẽn lệnh truyền từ các CTCK vào hệ thống của HoSE là do số lượng lệnh giao dịch tăng nhanh khi số NĐT tăng, số tài khoản tăng, số CP và CK mới gia nhập TT lớn… Đây là hiện tượng khá bất ngờ, khó dự kiến chính xác khi tốc độ tăng trưởng tính bằng lần của TTCK Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Sau hai phiên giao dịch với mức khớp của sàn HoSE vượt ngưỡng 13.000 tỷ đồng, hệ thống giao dịch của HoSE đã có biểu hiện nghẽn lệnh. Thực tế, quy mô giao dịch có khả năng lớn hơn nữa vì tới mức này các lệnh đã không vào thêm được. Sang phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 25-12, rất có thể nhiều NĐT đã tạm dừng giao dịch để nghe ngóng tình hình hệ thống. Điều này tạo hiệu ứng bất ngờ khi sức ép vào lệnh giảm đi, hệ thống vận hành bình thường.

Thực tế, câu chuyện nghẽn hệ thống liên quan số lượng lệnh hơn là giá trị giao dịch. Dù vậy giá trị cũng là một ngưỡng tham khảo. Phiên này sàn HoSE chỉ khớp xấp xỉ 11.399 tỷ đồng, giảm hơn 12% so phiên kề trước. Đây cũng là mức giao dịch bình thường ở nửa đầu tháng 12, thời gian mà hệ thống chưa gặp vấn đề. Ngoài ra, mức giao dịch này khá thấp và không dồn ứ vào một phiên. Thí dụ, ngày 23-12, hệ thống bắt đầu có hiện tượng “lag”, ngay phiên sáng sàn HoSE đã khớp tới gần 9.300 tỷ đồng. Phiên sáng 24-12, khi hệ thống “đơ” ngay từ 11 giờ, giao dịch cũng đã vượt 12.300 tỷ đồng. Còn sáng 25-12, giao dịch chỉ ở ngưỡng hơn 6.600 tỷ đồng. Đây cũng là mức trung bình trước khi xảy ra sự cố hệ thống.

Lượng thanh khoản vừa phải giúp hệ thống chạy ổn định hơn. Phiên cuối tuần qua giao dịch ít đi vì nhiều NĐT đứng ngoài, có thể do tâm lý không nghĩ rằng hệ thống lại đã thông suốt. Phiên này rất có thể NĐT đã dự phòng khả năng chỉ giao dịch được trong buổi sáng. TT biến động khá nhẹ và đến cuối phiên sáng bắt đầu chậm lại. Thanh khoản tăng rất chậm và các chỉ số đi ngang kéo dài. VN Index đến hết phiên sáng mới chỉ tăng hơn sáu điểm.

NĐT có phần hào hứng hơn ở buổi chiều, khi lệnh mua bán vẫn được thực hiện bình thường. Lực cầu lập tức tăng đẩy giá CP đi lên. Riêng trong phiên chiều, VN Index tăng thêm hơn 10 điểm nữa. Chỉ số chốt ngày trên tham chiếu 1,58% tương đương 16,9 điểm. Như vậy VN Index đã lấy lại được mức giảm của hai ngày trước.

NĐT ào vào mua CP có thể là hiệu ứng phải chịu kìm nén trong mấy ngày trước. Đặc biệt là cơ hội từ phiên giảm cực mạnh ngày 24-12 rồi phục hồi. Điều này phần nào cho thấy tâm lý bắt đáy được kích hoạt. Điều quan trọng là thanh khoản phiên này giảm, do vậy chưa phản ánh hết được nhu cầu của cả hai bên cũng như tâm lý NĐT.